1.3. Lịch sử hình thành các quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự Việt
1.3.1. Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1959
Từ năm 1945 đến năm 1950, Nhà nước cách mạng đã ban hành một loạt các Sắc lệnh về Nhà nước và pháp luật, trong đó các văn bản liên quan đến tổ chức tư pháp và thủ tục tố tụng đặc biệt được chú trọng, đặc biệt nhất là Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về “Tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán” đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên quy định thẩm quyền của Tòa án xét xử các tranh chấp về dân sự, mà trước đó các tranh chấp loại này chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban hòa giải của Ủy ban Hành chính cấp tỉnh và Ủy ban Hành chính cấp huyện. Đồng thời các quy định về tổ chức và hoạt động của Tòa án trong Sắc lệnh này cũng cho thấy những quy định đầu tiên về thủ tục xét xử rút gọn.
Theo Điều 3 Sắc lệnh số 13/SL thì Ban tư pháp xã có quyền “Phạt các việc vi cảnh nhưng chỉ có quyền phạt tiền từ năm hào đến sáu đồng bạc”. Sau đó Sắc lệnh số 51/SL có ghi nhận “hiệu lực tư chứng thư” của biên bản hòa giải thành do Ban tư pháp xã lập. Tiếp đến, Điều 7 Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 ghi nhận thẩm quyền chung thẩm của Ban tư pháp xã đối với “Những vụ vi cảnh phạt bạc từ 5 đồng đến 30 đồng; Những việc đòi bồi thường hoặc bồi hoàn từ 300 đồng trở xuống do người bị thiệt hại thỉnh cầu trong đơn kiện”. Đây chính là thẩm quyền của Tòa giản lược, chủ yếu xét xử theo thủ tục tối giản (một loại thủ tục rút gọn) mà một số nước trên thế giới đang thực hiện.
Sắc lệnh số 13/SL còn quy định về thành phần Hội đồng xét xử và thẩm quyền của Thẩm phán ở các cấp Tòa án có sự khác nhau, phụ thuộc vào sự đơn giản hoặc phức tạp của tranh chấp và giá trị tranh chấp của từng loại quan hệ tranh chấp để xác định thành phần Hội đồng xét xử là một thẩm phán hoặc một Chánh án hay phải có thêm Hội thẩm tham gia. Ở Tòa án sơ cấp khi xét xử việc hộ và việc hình, “Thẩm phán xét xử một mình, lục sự giữ bút ký, lập biên bản án từ” (Điều 10). Đối với Tòa án đệ nhị cấp khi xét xử về dân sự và thương sự “Chánh án xử một mình
nhưng khi xử các việc tiểu hình, phải có thêm hai viên phụ thẩm nhân dân góp ý kiến” (Điều 17). Ở Tòa án thượng thẩm, “các vấn đề liên can đến thủ tục tạm tha, đòi bồi thường, việc hộ và thương mại, ông Chánh án và hai hội thẩm quyết định lấy, phụ thẩm nhân dân không tham dự” (Điều 43).
Sau đó, Sắc lệnh 51/SL ngày 17/4/1946 về “Ấn định thẩm quyền các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa án” quy định việc phân định thẩm quyền giữa Tòa án các cấp còn căn cứ theo giá ngạch của vụ kiện và quy định thẩm quyền chung thẩm của Tòa án các cấp như sau: Tòa án sơ cấp có thẩm quyền xét xử chung thẩm về dân sự và thương sự: (1) Những việc kiện dân sự, thương sự về động
các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước Tòa án ấy, không cứ giá ngạch nào (Điều 6).
Tòa án đệ nhị cấp có thẩm quyền xét xử chung thẩm về dân sự và thương sự: (1)
Những án của tòa sơ cấp bị kháng cáo;(2) Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố hay theo văn tự không quá 150 đồng; (3) Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 450 đồng nhưng dưới 750 đồng (Điều 11).
Có thể thấy thời kỳ này, cơ chế xét xử chung thẩm (xét xử một lần) được áp dụng cả ở Tòa án sơ cấp và Tòa án đệ nhị cấp để xử những vụ án mà đối tượng tranh chấp là những tài sản có giá trị nhỏ (định theo giá ngạch), án tuyên có hiệu lực ngay, đương sự không có quyền kháng cáo xét xử phúc thẩm. Như vậy thủ tục xét xử một lần đã được quy định từ giai đoạn đầu tổ chức bộ máy tòa án, nhưng hình thức và phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn còn hạn chế, chỉ có cơ chế xét xử chung thẩm và chỉ áp dụng đối với vụ kiện có giá ngạch thấp.
Đến năm 1959, thủ tục giải quyết nhanh cũng được áp dụng để giải quyết khiếu nại danh sách cử tri. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại về danh sách cử tri, Toà án phải giải quyết xong; quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng [Điều 9, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959]. Thực chất đây là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.