Thực tiễn giải quyết vụ án dân sự liên quan đến yêu cầu xét xử theo thủ tục rút

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự việt nam luận văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60380103 (Trang 73 - 80)

3.1. Thực tiễn giải quyết vụ án dân sự liên quan đến yêu cầu xét xử theo thủ tục rút gọn thủ tục rút gọn

Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử cho thấy có 03 loại việc có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết, đó là những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị đơn thừa nhận hoặc không thừa nhận nghĩa vụ của mình; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng và có giá trị tranh chấp nhỏ; và những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng có giá trị tranh chấp lớn mà các đương sự cùng yêu cầu Tòa án giải quyết nhanh chóng vụ án.

Đối với những vụ án đơn giản, bị đơn đã thừa nhận hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn hoặc vụ án có giá trị tranh chấp nhỏ nhưng Tòa án vẫn phải tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường dẫn đến thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài mà kết quả giải quyết không có gì khác ngoài việc tuyên một phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hơn nữa, rất nhiều các vụ án bị đơn cố tình không thực hiện nghĩa vụ, lạm dụng quyền kháng cáo để kéo dài thời gian giải quyết vụ án, góp phần làm cho tình trạng án tồn đọng kéo dài. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm về cơ bản vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm nếu bị đơn hoặc người liên quan kháng cáo. Chẳng hạn những vụ án nguyên đơn yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng vay tài sản hay thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mà bị đơn không phản đối nhưng lại không chịu thực hiện nghĩa vụ vì một lý do nào đó. Bản án, quyết định của Tòa án là cơ sở pháp lý để nguyên đơn yêu cầu cơ quan thi hành án buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ, nếu không sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Ví dụ 1: Vụ án kinh doanh thương mại TAND quận Bắc Từ Liêm thụ lý số 21/2015/KDTM-ST ngày 18/11/2015 về “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Công ty CP vận tải thủy 1 và Công ty CP bê tông xây dựng Hà Nội, nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền mua hàng theo Hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ là 3.473.622.573 đồng. Bị đơn phản đối yêu cầu khởi kiện và không xác nhận nợ với lý do bị đơn vừa cơ cấu lại công ty, thay đổi người đại diện theo pháp luật và hiện nay còn nợ rất nhiều khách hàng khác nếu xác nhận nợ cho nguyên đơn thì sẽ tạo tiền lệ phải xác nhận các khoản nợ khác nên đề nghị nguyên đơn rút đơn khởi kiện và tạo điều kiện để cho doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất khi nào có lãi thì sẽ trả nợ. Bản án số 18/2016/KDTM-ST ngày 20/5/2016 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngày 02/6/2016, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Đây là vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, song bị đơn vẫn phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhằm mục đích trì hoãn nghĩa vụ trả nợ. Nhưng quyền kháng cáo của bị đơn đối với các vụ án loại này không bị hạn chế khiến bị đơn có quyền kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Tháng 8/2016, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm nhưng bị đơn vắng mặt 02 lần không có lý do chính đáng nên Tòa án đã ra quyết đình đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Ví dụ 2: Vụ án dân sự TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thụ lý số 15/2015/TLST-DS ngày 19/6/2015 về việc “Đòi nợ” giữa ông Vũ Văn Tải và vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợp và bà Nguyễn Thị Phương, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền gốc và tiền lãi theo hợp đồng vay tiền là 236.812.500 đồng. Trước khi khởi kiện, nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất thỏa thuận khi nào bị đơn nhận được tiền bồi thường đất thì sẽ thanh toán tiền gốc và lãi cho nguyên đơn. Mặc dù hai bên đã thỏa thuận được việc trả nợ nhưng nguyên đơn vẫn khởi kiện để có phán quyết của Tòa án làm căn cứ thi hành án sau này. Sau khi lấy lời khai và hòa giải theo thủ

tục chung, Tòa án đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự số 08/2015/QĐST-DS ngày 29/6/2015. Như vậy, vụ án đã được giải quyết nhanh chóng chỉ chưa đầy một tháng mà không phải mở phiên tòa. Trường hợp này nếu giải quyết theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì Tòa án không tổ chức phiên hòa giải mà buộc phải mở phiên tòa xét xử và chờ 07 ngày sau khi kết thúc phiên tòa mới ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự sẽ làm thời gian giải quyết vụ án kéo dài hơn so với áp dụng thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết.

Ví dụ 3: Vụ án dân sự TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thụ lý số 54/2014/TLST-DS ngày 01/12/2014 về việc “Tranh chấp Hợp đồng thuê nhà”giữa bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ và ông Phan Văn Dũng, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền đặt cọc thuê nhà là 20.000.000 đồng và tiền đền bù chấm dứt hợp đồng là 20.000.000 đồng. Nguyên đơn cung cấp cho Tòa án Hợp đồng thuê nhà, Giấy nhận tiền và Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 24/10/2014. Biên bản thanh lý hợp đồng có nội dung: “Nguyên đơn sẽ sửa chữa và đền bù hư hỏng theo Hợp đồng thuê nhà

đã ký ngày 24/4/2013 và biên bản giao nhà ngày 20/10/2014; còn bị đơn phải hoàn trả lại tiền đặt cọc thuê nhà là 20.000.000 đồng và tiền đền bù chấm dứt hợp đồng là 20.000.000 đồng”. Đến ngày 15/01/2015, bị đơn mới có bản tự khai tại Tòa án.

Bị đơn thừa nhận các tài liệu, chứng cứ nguyên đơn cung cấp và trả tiền đặt cọc nhưng không đồng ý đền bù tiền chấm dứt hợp đồng vì việc chấm dứt hợp đồng là lỗi do nguyên đơn tự ý sửa chữa nhà mà không báo cho bị đơn biết. Quyết định đình chỉ số 02/2015/QĐĐC-DS ngày 02/02/2015 lý do nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện do các đương sự đã tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Đây là vụ án có giá trị tranh chấp nhỏ, tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng và đầy đủ, bị đơn đã thừa nhận một phần nghĩa vụ đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Vấn đề đặt ra là bị đơn chống đối không nhận văn bản tố tụng nên mọi thông báo, quyết định của Tòa án đều phải được niêm yết theo quy định của pháp luật trong thời hạn

15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Trong khi đó, thời hạn để mở phiên tòa rút gọn là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử dẫn đến vụ án bị hủy do vi phạm thời hạn tố tụng.

Ví dụ 4: Vụ án dân sự thụ lý số 31/2013/TLST-DS ngày 02/5/2013 về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP kỹ thương Việt Nam với Ông Đỗ Xuân Hoàn và bà Đào Thị Hưởng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền nợ gốc là 3.999.320.267 đồng, tiền lãi là 3.116.467.902 đồng, tổng số tiền cả gốc và lãi là 7.086.117.160 đồng. Quá trình giải quyết ông Hoàn và bà Hưởng đều thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ nhưng đề nghị Ngân hàng xem xét hoàn cảnh gia đình có công cách mạng mà miễn giảm tiền lãi cho khoản vay trên. Tòa án đã hòa giải để các đương sự thống nhất về khoản tiền lãi nhưng không thành. Ngày 18/7/2014, Tòa án mới đưa vụ án ra xét xử. Bản án sơ thẩm số 06/2014/DS-ST ngày 18/7/2014 của Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Ngày 31/7/2014, bị đơn kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án về số tiền gốc và tiền lãi. Bản án phúc thẩm số 243/DS-PT ngày 31.10.2014 của TAND TP. Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm chỉ sửa số ngày tính lãi suất quá hạn của cấp sơ thẩm. Theo quy định của BLTTDS năm 2015, vụ án này có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn, song trường hợp này bị đơn được quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm là không phù hợp, khiến vụ án bị kéo dài trong khi nội dung vụ án đã rõ, bị đơn đã thừa nhận nghĩa vụ.

Ví dụ 5: Vụ án dân sự thụ lý số 23/2014/TLST-DS ngày 14/7/2014 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng HSBC và anh Lê Duy Tùng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán các khỏan nợ vay từ Hợp đồng tín dụng với tổng số tiền là 1.669.441.845 đồng và nếu bị đơn không thanh toán thì được quyền xử lý tài sản thế chấp là nhà, đất đứng tên bị đơn. Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn chống đối không nhận thông báo thụ lý, không cung cấp bản tự khai hay văn bản ghi ý

kiến về việc khởi kiện của nguyên đơn. Sau nhiều lần Tòa án xuống làm việc trực tiếp, bị đơn thừa nhận việc ký kết Hợp đồng tín dụng và thế chấp tài sản là đúng nhưng không thừa nhận nghĩa vụ trả nợ mà không đưa ra lý do. Việc xác minh, thu thập chứng cứ chỉ dừng lại cho đến ngày 28/10/2014, nguyên đơn có đơn xin rút đơn khởi kiện vì đã tự thỏa thuận được với bị đơn. Có thể thấy đây là vụ án có tình tiết rõ ràng và đơn giản, các đương sự không phản đối về sự thật khách quan của vụ án, việc áp dụng pháp luật dễ dàng nhưng việc đương sự từ chối nhận văn bản tố tụng và không có bản khai buộc Tòa án phải mất thời gian để tống đạt, niêm yết, lấy lời khai dẫn đến thời hạn tố tụng kéo dài không cần thiết.

Thực tiễn xét xử còn có những vụ án có giá trị tranh chấp nhỏ nhưng việc giải quyết vụ án kéo dài gây tốn kém cho đương sự và Nhà nước. Nhất là các vụ án kinh doanh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng việc vụ án kéo dài và có thể phải trải qua nhiều cấp xét xử gây bức xúc cho nguyên đơn và ảnh hưởng đến uy tín của bị đơn. Thậm chí, những vụ việc ban đầu đơn giản nhưng do quá trình giải quyết phức tạp, kéo dài khiến phát sinh những tình huống thực tiễn khiến vụ việc trở nên phức tạp hơn, không thể giải quyết theo trình tự rút gọn được nữa [45, tr.38]. Phần lớn những vụ án có giá trị tranh chấp nhỏ thì thường sự việc cũng đơn giản, tình tiết rõ ràng, sau khi được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết thì ít khi đương sự kháng cáo. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt do các bên có tư tưởng theo kiện đến cùng để bảo vệ uy tín, danh dự hoặc do tâm lý ăn thua đến cùng … nên có những vụ chỉ tranh chấp một cây xoan, một bụi tre mà khiếu nại lên đến Tòa án tối cao [67, tr.71].

Ví dụ như các tranh chấp về tiền cước phí di động, hóa đơn điện, nước,… Vì đây là tranh chấp có giá trị nhỏ việc giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường rất mất thời gian và gây tốn kém chi phí cho Nhà nước và đương sự nên thực tiễn tại các Tòa án khi giải quyết tranh chấp loại này mặc dù biết là làm trái luật nhưng Tòa

án vẫn thường mời các đương sự đến làm việc trước khi thụ lý vụ án mục đích là hướng các đương sự tự thỏa thuận với nhau. Chẳng hạn trường hợp TAND quận 12, TP. Hồ Chí Minh khi nhận được đơn khởi kiện của Trung tâm Di động khu vực II đối với một số khách hàng nợ tiền cước di động đã mời các đương sự lên làm việc dù chưa thụ lý vụ án, mục đích là để các đương sự thỏa thuận việc thanh toán cước phí với nhau mà không cần khởi kiện [68]. Đối với vụ án loại này có thể áp dụng thủ tục giản đơn, buộc người có nghĩa vụ thực hiện việc trả nợ ngay mà không bị kháng cáo, kháng nghị.

Ví dụ 6: Vụ án anh Phạm Văn Quang kiện Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB) ra Tòa án nhân dân quận 1, TP. Hồ Chí Minh yêu cầu bị đơn trả lại số tiền rất nhỏ là 5.500 đồng phí ATM. Theo nội dung vụ kiện thì ngày 03/4/2013, nguyên đơn đến trụ ATM của VCB đặt ở Quang Trung (Gò Vấp) để rút 15 triệu đồng. Những lần trước nguyên đơn chỉ cần giao dịch ba lần (mỗi lần rút được 05 triệu đồng) và chỉ mất phí rút tiền là 3.300 đồng. Tuy nhiên, thời điểm này trụ ATM chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên nguyên đơn phải rút đến tám lần, mỗi lần rút 1.750.000 đồng và phải chịu phí rút tiền là 8.800 đồng. Như vậy, so với mọi lần, nguyên đơn phải mất thêm 5.500 đồng. Vì cho rằng đây là hành vi lừa dối khách hàng để thu lợi thêm nên nguyên đơn làm đơn khởi kiện. Sau gần một năm thụ lý, Bản án 04/2014/DS-ST ngày 23/01/2014 Tòa án nhân dân quận 1 xét xử sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn trả lại 5.500 đồng phí ATM. Chính vì thủ tục rút gọn chưa được áp dụng nên những vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp chỉ 5.500 đồng mà gần một năm sau vụ việc mới được giải quyết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn cũng như uy tín của ngân hàng.

Ví dụ 7: Vụ án bà Nguyễn Thị Bình Minh khởi khiện Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola ra TAND huyện Từ Liêm yêu cầu Coca-Cola bồi thường tiền mua chai Splash 7.500 đồng và công khai giải thích, xin lỗi người tiêu dùng. Theo

nội dung vụ kiện, ngày 5/10/2011 bà Minh mua 5 chai nước cam ép, nhãn hiệu Splash (sản phẩm do chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola VN tại Hà Nội sản xuất). Vài ngày sau bà Minh mang chai Splash (vẫn còn hạn sử dụng) ra uống, chưa kịp mở nắp thì thấy xuất hiện tiếng leng keng trong chai. Quan sát bằng mắt thường, bà Minh phát hiện trong chai Splash có 2 ống thuỷ tinh, giống hình dạng của ống philatop và vài mảnh giấy nhỏ màu trắng đục. Ngay sau đó, bà Minh liên hệ với Công ty TNHH Nước giải khát Coca – Cola Việt Nam để phản ánh sự việc. Theo đó, bà Minh yêu cầu Coca – Cola xin lỗi bà và bồi thường số tiền bà đã bỏ ra mua chai nước là 7.500 đồng. Tuy nhiên, đại diện phía Coca – Cola không đồng ý. Ngày 28/12/2011 bà Minh làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Từ Liêm (nay là TAND quận Bắc Từ Liêm). Đến ngày 23/9/2015, TAND quận Bắc Từ Liêm mới đưa vụ án ra xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bản án phúc thẩm số 42/DS-PT ngày 14/3/2016 của TAND TP. Hả Nội xử y án sơ thẩm. Tuy giá trị tranh chấp nhỏ chỉ 7.500 đồng nhưng thời gian giải quyết vụ án kéo dài đã gây bức xúc cho người khởi kiện, đồng thời làm giảm hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.

Bên cạnh đó có những vụ án giá trị tranh chấp lớn nhưng tính chất của vụ án lại đơn giản về mặt áp dụng pháp luật và chứng cứ rõ ràng để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, đây là những tranh chấp có giá trị lớn và việc quyết định áp dụng thủ tục tố tụng nào sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả giải quyết của vụ án cho nên chỉ nên áp dụng thủ tục rút gọn để giảm thiểu chi phí tố tụng khi có yêu cầu hoặc sự đồng ý của các đương sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự việt nam luận văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60380103 (Trang 73 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)