Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự việt nam luận văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60380103 (Trang 45 - 50)

BLTTDS năm 2015 không đi theo hướng liệt kê các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn mà xác định phạm vi loại việc có thể áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng kết hợp đủ các điều kiện về tính chất loại việc, nơi cư trú của đương sự và không có yếu tố nước ngoài. Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

Loại vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu chứng cứ đầy đủ để giải quyết vụ án, về bản chất đây là loại vụ án không có “tranh tụng”, sự thật khách quan của vụ án đã rõ là vụ án, việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết đơn giản và Tòa án chỉ cần kiểm tra tính hợp của các yêu cầu khởi kiện nên loại vụ án này được giải quyết theo thủ tục rút gọn là hợp lý.

Khái niệm “vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng” được đề cập lần đầu tiên trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 nhưng từ đó cho đến khi BLTTDS năm 2015 ra đời lại chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào hướng dẫn thế nào là vụ án đơn giản và chứng cứ như thế nào được coi là rõ ràng để giải quyết nhanh gọn một vụ án. Mặt khác, hiểu thế nào là “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” đang có

nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ, nếu bị đơn chỉ đồng ý trả khoản tiền là nợ gốc, đồng thời phản đối yêu cầu thanh toán lãi quá hạn vì cho rằng nguyên đơn đã tính lãi quá cao. Trường hợp này, bị đơn đã phản đối một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên không thỏa mãn điều kiện đương sự thừa nhận nghĩa vụ để Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, bị đơn thừa nhận nghĩa vụ trả nợ của mình đối với nguyên đơn, bao gồm nghĩa vụ trả phần nợ gốc và khoản tiền lãi cho nguyên đơn, bị đơn chỉ phản đối cách tính lãi suất quá cao của nguyên đơn. Nếu xét xử, Tòa án không phải mất thời gian để xác định sự thật khách quan của vụ án mà chỉ phải xác định lãi suất cho phù hợp theo quy định của pháp luật. Từ vấn đề nêu trên cho thấy, cần có hướng dẫn thế nào là ““vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “đương

sự đã thừa nhận nghĩa vụ” để vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. - Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

Theo quy định tại Điều 196 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Nghĩa vụ này của Tòa án cũng đồng thời là quyền của đương sự được quy định tại Điều 70 Bộ luật này. Việc thông báo thụ lý cho bị đơn nhằm bảo đảm cho họ biết được mình bị ai khởi kiện, khởi kiện về việc gì để họ có điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như đưa ra ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện, đưa ra yêu cầu phản tố, đưa ra các tài liệu chứng cứ, …. Vì vậy, nguyên đơn có nghĩa vụ phải ghi đúng và đầy đủ tên, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong đơn khởi kiện là một điều kiện để Thẩm phán xem xét giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

Nhưng thực tế, có trường hợp nguyên đơn ghi chính xác địa chỉ của bị đơn trong đơn khởi kiện nhưng sau khi Tòa án thụ lý vụ án thì mới phát hiện bị đơn

không có mặt tại địa chỉ đó từ trước khi Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án không thực hiện được nghĩa vụ thông báo hợp lệ việc thụ lý cho họ được, dẫn đến các quyền tố tụng của họ không bảo đảm. Vì vậy, Tòa án không thể xét xử theo thủ tục rút gọn được cũng như không thể xét xử theo thủ tục chung mà buộc phải đình chỉ vụ án, trả lại đơn khởi kiện nếu nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ khác của bị đơn. Khác với trường hợp bị đơn đã nhận được thông báo thụ lý vụ án mà sau đó bỏ trốn, cố tình che dấu địa chỉ thì Tòa án mới được xét xử vắng mặt họ. Việc nguyên đơn ghi đúng và đầy đủ trong đơn khởi kiện nơi cư trú hoặc trụ sở của các đương sự khác có ý nghĩa quan trọng trong việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án sau này, đồng thời góp phần bảo đảm vụ án được giải quyết nhanh chóng, đúng thời hạn tố tụng, vụ án không bị kéo dài chỉ vì lý do khó khăn trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự.

- Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Đối với những tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ có những nét đặc thù về trình tự thủ tục giải quyết cũng như việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết, áp dụng pháp luật để giải quyết... Khi giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, Tòa án có thể ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, ủy thác cho Tòa án nước ngoài điều tra, tống đạt... và thực hiện các hành vi tố tụng khác. Tính đặc thù trong việc giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài còn thể hiện ở yêu cầu đối với thẩm phán giải quyết không những phải nắm rõ luật nội dung, nắm vững pháp luật tố tụng mà còn phải nắm vững và vận dụng đúng đắn các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về các quan hệ cụ thể, có kiến thức về tư pháp quốc tế. Thực tiễn những việc mà Tòa án ủy thác tư pháp

cho Tòa án nước ngoài kết quả trả lời thường rất chậm, Tòa án phải mất thời hạn tối đa là 06 tháng để niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng [37, Điểm c, khoản 2, Điều 15], thậm chí nhiều trường hợp không nhận được sự trả lời, ngay cả đối với các nước mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập điều ước quốc tế. Chính vì vậy việc lấy lời khai, tống đạt các văn bản của Tòa án hoặc xác định tài sản ở nước ngoài thường được thực hiện trong thời gian dài và đôi khi không thực hiện được làm cho vụ án kéo dài, vi phạm thời hạn xét xử.

Tuy nhiên xuất phát từ nguyên tắc “Quyền quyết định và tự định đoạt của

đương sự”, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự là các chủ thể trong

các quan hệ dân sự nên họ có quyền thỏa thuận với nhau, nếu thỏa thuận đó là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội [12, Điều 5]. Vì vậy, nhà làm luật đã dự liệu trường hợp một trong các đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài nhưng đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam đã có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản, đây thực chất là trường hợp chứng cứ đã rõ ràng, các đương sự không có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản nên việc áp dụng thủ tục rút gọn là đương nhiên. Măt khác, việc Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đối với những trường hợp này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân Việt Nam bảo vệ được tài sản của mình khi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.

Có thể thấy rằng, việc BLTTDS năm 2015 kết hợp nhiều điều kiện như trên đã làm thu gọn hơn phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với những tranh chấp có chứng cứ rõ ràng, đương sự thừa nhận hay không phản đối nghĩa vụ.

Xét về phương diện lý luận đã trình bày tại chương I, thì những loại việc được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn có thể bao gồm: những vụ kiện có chứng cứ rõ ràng, bị đơn thừa nhận hoặc không phản đối nghĩa vụ của mình;

những vụ kiện có chứng cứ rõ ràng, việc áp dụng pháp luật để giải quyết là đơn giản; những tranh chấp có giá trị nhỏ. Việc nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của một số nước trên thế giới cũng chỉ ra đối với những loại việc trên có thể thiết kế hai loại hình thủ tục đơn giản tương ứng là thủ tục ra lệnh thanh toán và thủ tục đối với án kiện nhỏ. Quy định tại BLTTDS năm 2015 hiện nay chưa có sự phân hóa giữa loại việc có giá trị tranh chấp nhỏ và loại việc đơn giản, có chứng cứ rõ ràng, bị đơn thừa nhận nghĩa vụ.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì việc giải quyết tranh chấp dân sự về bảo vệ người tiêu dùng còn quy định thêm điều kiện về giá trị của tranh chấp để vụ việc có thể được giải quyết theo thủ tục rút gọn là “giá trị giao

dịch dưới 100 triệu đồng” [khoản 2 Điều 41]. Quá trình dự thảo BLTTDS năm 2015

đều thể hiện theo hướng đối với những tranh chấp có giá trị dưới 100 triệu đồng sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Có nhiều quan điểm đưa ra là khác với nhiều quốc gia mà hệ thống pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh, việc xác định vụ án có giá ngạch thấp bằng một khoản tiền cố định trong điều kiện kinh tế ở Việt Nam hiện nay chưa phù hợp, vì giá cả thị trường có sự biến động thường xuyên, trong khi chúng ta không thể thường xuyên thay đổi các quy định trong BLTTDS được; đồng thời hiện nay điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng miền, địa phương còn có sự chênh lệch tương đối lớn. Và có ý kiến cho rằng, nếu như có chứng cứ rõ ràng, các bên đương sự đều thừa nhận và vụ việc thực sự đơn giản thì dù giá trị tranh chấp nhỏ hay lớn đều có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Vì vậy, nhà làm luật đã tiếp thu các ý kiến trên và bỏ quy định điều kiện về giá trị tranh chấp trong BLTTDS năm 2015. Theo tác giả về lâu dài, cần quy định giá ngạch thấp là điều kiện để xét xử theo thủ tục rút gọn như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và yêu cầu của việc xét xử, căn cứ xác định thế nào là giá ngạch thấp sẽ dựa trên

tính chất của mỗi loại tranh chấp khác nhau, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng miền, địa phương,…trong từng thời điểm cụ thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự việt nam luận văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60380103 (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)