Tại phần chung BLHS 2015 đã quy định các điều khoản về TNHS của pháp nhân thương mại, các điều khoản này đều có sự liên quan với nhau ở các mức độ nhất định. Chính vì vậy, để đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học, sự chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp, tính nhất quán logic, tính khả thi về mặt thực tiễn, cần nhìn nhận tổng thể toàn diện các quy phạm trong BLHS để sửa đổi đồng bộ không bị khập khiễng, chắp vá.
Trong BLHS năm 2015 có nhiều thuật ngữ, khái niệm cơ bản nhất liên quan đến chế định TNHS của pháp nhân như chủ thể phạm tội là gì, chủ thể của TNHS là gì, pháp nhân thương mại là gì, người nào, người phạm tội… nhưng lại chưa được quy định giải thích thống nhất nên dẫn đến tình trạng hiểu tương tự như một số thuật ngữ tương ứng liên quan mà có thể ảnh hưởng đến bản chất. Thiết nghĩ, cần có điều luật giải thích các thuật ngữ về mặt lập pháp, ghi nhận các khái niệm một cách thống nhất để khi sửa đổi, bổ sung các điều luật, các quy định không bị hiểu nhầm. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến thuật ngữ người, cá nhân chủ thể cần giải thích để bao hàm được cả vấn đề TNHS của pháp nhân.
Về việc sắp xếp từng điều luật, chương, cơ bản cũng đã khá khoa học, đã có chương riêng quy định về TNHS của pháp nhân thương mại nhưng tại phần chung khi thêm pháp nhân thương mại vào các điều luật như khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm,... vẫn chưa được hợp lý. Hay như việc quy định trong các quy định về tội danh chưa thống nhất, việc xác định loại tội trong một số trường hợp vì có trường hợp cùng loại tội theo phân loại tội phạm đối với cá nhân phạm tội lại được chuyển sang mức hình phạt tiền thuộc các loại tội khác nhau đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Chính vì vậy, cần rà soát lại từ thuật ngữ, để sử dụng, hiểu một cách đúng đắn.
Điển hình như Khoản 2 Điều 2 BLHS 2015 thuộc chế định TNHS nên cần được quy định ở vị trí sau khái niệm tội phạm mới hợp lý và bảo đảm tính khoa học. Nghĩa là quy định về cơ sở của TNHS vẫn được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999, bổ sung vào khái niệm tội phạm (Điều 8) nội dung quy định về TNHS của pháp nhân thương mại.
Mặt khác, pháp nhân là một thực thể pháp lý hoàn toàn khác với con người "vì không có cấu tạo bằng xương, bằng thịt, không có mặt, mũi, chân tay, bộ óc,..." nên TNHS pháp nhân không thể suy nghĩ và tính toán được mà pháp nhân chỉ có thể phải chịu TNHS vì để cho người đại diện cho mình phạm tội, do đó cần chỉnh sửa từ ngữ, điều luật phù hợp [5].