Về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trách nhiệm Hình sự của Pháp nhân (Trang 64 - 66)

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại ghi nhận tại Điều 84, 85 BLHS năm 2015. Các tình tiết này được

quy định riêng cho pháp nhân thương mại, tuy nhiên chưa có sự hướng dẫn cụ thể, vì vậy việc xác định các trường hợp áp dụng còn nhiều vấn đề nảy sinh. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS của pháp nhân gồm có năm tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015. Đối với các tình tiết giảm nhẹ này, vấn đề đặt ra là một số tình tiết khi áp dụng đối với pháp nhân, sẽ phải dựa trên hành vi của cá nhân hay chính hành vi của pháp nhân. Theo quan điểm của người viết thì pháp nhân không thực hiện hành vi phạm tội mà TNHS của pháp nhân được xác định trên cơ sở hành vi của cá nhân. Ở đây cần làm rõ việc áp dụng tình tiết "đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm" áp dụng như thế nào. Việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt này do cá nhân thực hiện vì lợi ích của chính họ thì có áp dụng đối với pháp nhân không? Tương tự đối với các tình tiết "tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" hay tình tiết "tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án" sẽ áp dụng với pháp nhân trong trường hợp nào, khi cá nhân đại diện tự mình thực hiện vì lợi ích của bản thân họ có được áp dụng với pháp nhân không? Hay trong trường hợp cá nhân đại diện tích cực hợp tác theo sự chỉ đạo của pháp nhân thì bản thân cá nhân đó có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không? Vấn đề này cần phải được hướng dẫn cụ thể để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng pháp luật trên thực tế.

Các tình tiết tăng nặng TNHS của pháp nhân được quy định tại khoản 1 Điều 85 BLHS năm 2015. Trong số sáu tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân, nhiều tình tiết cũng đặt ra vấn đề cần làm sáng tỏ khi áp dụng trên thực tế. Chẳng hạn như tình tiết "cố ý thực hiện tội phạm đến cùng" sẽ phải được xác định như thế nào thông qua hành vi của cá nhân đại diện khi thực hiện tội phạm. Tình tiết "tái phạm, tái phạm nguy hiểm" chưa có ghi nhận cụ thể trong BLHS khi áp dụng đối với pháp nhân. Nếu vận dụng tương tự như cá nhân sẽ dẫn đến những điểm bất cập như việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm của pháp nhân dựa trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân

đại diện hay xác định trên cơ sở chính bản thân pháp nhân đó. Nếu xác định dựa vào hành vi của cá nhân đại diện thì việc áp dụng tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong trường hợp cá nhân bị áp dụng tình tiết này do chưa được xóa án tích về tội phạm trước không liên quan đến pháp nhân có ảnh hưởng đến vấn đề tái phạm, tái phạm nguy hiểm của pháp nhân không? Nếu việc xác định dựa vào chính pháp nhân thì sẽ phải xác định loại tội phạm, quy định về xóa án tích đối với pháp nhân để áp dụng tương tự quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm của cá nhân quy định tại Điều 53 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, việc áp dụng tương tự như vậy là không hợp lý mà cân nhắc nên quy định riêng, cụ thể đối với pháp nhân cho rõ ràng, chính xác đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trách nhiệm Hình sự của Pháp nhân (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)