Về căn cứ quyết định hình phạt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trách nhiệm Hình sự của Pháp nhân (Trang 63 - 64)

Theo quy định của BLHS Việt Nam thì khi quyết định hình phạt đối với các cá nhân phạm tội, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tới tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS. Như vậy, căn cứ vào các quy định của BLHS, tức là phải căn cứ vào các quy định của cả phần chung và phần các tội phạm của BLHS có liên quan đến tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện để quyết định hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của họ. Bên cạnh đó, BLHS còn quy định quyết định hình phạt đối với cá nhân phạm tội trong một số trường hợp đặc biệt khác, đó là (i) quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội; (ii) quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt; (iii) quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội; và (iv) quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm. Theo khoa học luật hình sự thì có bốn yếu tố cấu thành tội phạm, đó là (1) mặt khách thể của tội phạm, tức là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại; (2) mặt khách quan của tội phạm, tức là hành vi biểu hiện ra bên ngoài, hậu quả của tội phạm, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; (3) mặt chủ quan của tội phạm, tức là biểu hiện tâm lý của tội phạm phản ánh qua động cơ, mục đích của tội phạm và (4) mặt chủ thể của hành vi phạm tội, tức là chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đó có đủ năng lực TNHS hay không.

Xét tới những hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện thì có thể thấy rằng, cả bốn yếu tố cấu thành tội phạm đều được thỏa mãn. Cụ thể: (1) Khi pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (ví dụ như vi phạm về thuế hay về bảo vệ môi trường) thì quan hệ xã hội đã bị xâm hại (lĩnh vực thuế hoặc lĩnh vực bảo vệ môi trường đã bị hành vi của pháp nhân đó xâm hại). Điều này đã thỏa mãn về mặt khách thể của tội phạm; (2) Xét tới mặt khách quan thì hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân được thực hiện thông qua các cá nhân đại diện cho pháp nhân đó, vì lợi ích của tập thể pháp

nhân đó và hành vi này đã để lại hậu quả nhất định cho xã hội; (3) Mặt chủ quan của tội phạm được thể hiện qua ý chí của từng cá nhân trong tập thể ban lãnh đạo đại diện cho pháp nhân (các cá nhân trong Ban giám đốc, trong Hội đồng quản trị pháp nhân đó), thể hiện mục đích, động cơ của việc thực hiện hành vi vi phạm đó và vì lợi ích chung của cả pháp nhân và (4) Mặt chủ thể của hành vi phạm tội, đó là các pháp nhân có đủ các điều kiện theo luật định (ví dụ như pháp nhân kinh tế). Như vậy, khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân đó là tội phạm hình sự và như vậy, việc quyết định hình phạt đối với pháp nhân phạm tội đó có thể tương tự như đối quyết định hình phạt đối với cá nhân phạm tội.

Như vậy, việc quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại trước tiên cần tuân thủ các căn cứ chung về quyết định hình phạt. Theo đó, để quyết định hình phạt đối với pháp nhân phạm tội, trước hết Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của BLHS, có tính tới tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà pháp nhân gây ra; lịch sử hoạt động của pháp nhân đó; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS đối với pháp nhân đó. Do pháp nhân thương mại là chủ thể đặc thù của TNHS nên sẽ có những đặc điểm khác biệt rõ rệt so với các căn cứ chung. Đối với pháp nhân, căn cứ quyết định hình phạt thứ ba có nét khác biệt rõ nhất với cá nhân, đó là quyết định hình phạt phải dựa vào "việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại". Quy định này được hiểu là nhân thân của pháp nhân thương mại phải tốt, tức là trước khi phạm tội, họ luôn chấp hành các quy định của pháp luật. Căn cứ thứ tư được quy định riêng, khác biệt so với cá nhân, ghi nhận cụ thể tại Điều 84, 85 BLHS năm 2015 về các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trách nhiệm Hình sự của Pháp nhân (Trang 63 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)