1.2. Lịch sử hình thành và phát triển chính quyền địa phƣơng phƣờng,
1.2.2. Tổ chức chính quyền phường, thị trấn từ 1962 đến 1983
Hiến pháp 1959 được Quốc hội ban hành thay thế Hiến pháp 1946. Theo Hiến pháp 1959, các đơn vị hành chính lãnh thổ nước ta gồm: nước chia thành Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn. Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Các thành phố có thể chia thành khu phố, có
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp năm 1962 quy định: các thành phố có thể chia thành khu phố ở nội thành và huyện ở ngoại thành; các đơn vị hành chính nói trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Hội đồng nhân dân các cấp do cử tri bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, Uỷ ban hành chính cấp nào do Hội đồng nhân dân cấp đó bầu.
Tổ chức chính quyền địa phương (ở tỉnh, huyện, xã, thành phố, khu phố) tuy được điều chỉnh trong cùng một văn bản nhưng do sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn nên Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính năm 1962 đã quy định hai mô hình tổ chức có tính chuyên biệt, phân biệt giữa chính quyền tỉnh và thành phố: tỉnh tổ chức ba cấp chính quyền, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hai cấp ở nội thành, ba cấp ở ngoại thành. Ngoài ra Luật còn có những điều khoản riêng quy định nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.
Để phân biệt quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở nông thôn (tỉnh, huyện, ngoại thành) với quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị (thành phố, khu phố), Luật năm 1962 một mặt quy định những nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, mặt khác có những quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính thành phố, khu phố (Điều 46 và Điều 47 của Luật).
Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính năm 1962 cũng xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính cùng cấp, giữa Hội đồng nhân dân cấp dưới với các cơ quan hành chính cấp trên theo hướng đề cao vị trí và vai trò của Hội đồng nhân dân. Ví dụ: Hội đồng nhân dân có quyền sửa đổi, bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp mình và cả những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp dưới trực tiếp (Điều 6 Luật); Uỷ ban hành chính chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân cấp mình; Uỷ ban hành chính cấp trên chỉ có quyền đình chỉ những nghị
quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, còn quyền bãi bỏ những nghị quyết này thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp.
Thực hiện chủ trương phân cấp cho chính quyền địa phương, bảo đảm quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962 đã hạn chế, thu hẹp những vấn đề chính quyền cấp trên phê chuẩn những vấn đề của chính quyền cấp dưới. Chỉ những vấn đề quan trọng có ý nghĩa lớn đối với lợi ích chung của Nhà nước, của nhân dân mới đòi hỏi sự phê chuẩn của chính quyền cấp trên (như: Uỷ ban hành chính cấp trên phê chuẩn kết quả bầu Uỷ ban hành chính cấp dưới, nghị quyết Hội đồng nhân dân giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp…)
Có thể nói Hiến pháp năm 1959 và Luật năm 1962 đi theo một logic: quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua cơ quan quyền lực nhà nước, do đó đề cao vị trí của cơ quan đại biểu, với quy định “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Còn Uỷ ban hành chính được xác định là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương” [26]. Những quy định trên thể hiện quan điểm tập quyền xã hội chủ nghĩa, đề cao vị trí và vai trò của Hội đồng nhân dân trước Uỷ ban hành chính cùng cấp và trong hệ thống cơ quan nhà nước nói chung, bằng quy định này Hội đồng nhân dân không thuần túy là cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương, mà còn là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thay mặt cho nhà nước địa phương.
Ở giai đoạn này, tổ chức chính quyền địa phương lần đầu tiên được điều chỉnh bằng một văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở cấp độ luật. Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp năm 1962 là văn bản duy nhất quy định tổ chức chính quyền địa phương ở cả tỉnh cũng như ở thành phố trực thuộc trung ương. Để phân biệt cách thức tổ chức chính quyền và quản lý Nhà nước ở nông thôn và đô thị, luật năm 1962 một mặt quy định những nhiệm vụ quyền hạn chung của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, mặt khác có những quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban
hành chính thành phố, khu phố. Luật còn đánh dấu một xu hướng thu hẹp và hạn chế việc phê chuẩn của cấp trên đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới so với Sắc lệnh 63 và Sắc lệnh 77 năm 1945 nhằm đảm bảo quyền chủ động và tính chịu trách nhiệm của chính quyền cấp dưới trên cơ sở phân cấp quản lý nhà nước.
Cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính được quy định một cách đầy đủ và hoàn thiện hơn. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Hội đồng nhân dân các cấp đều thành lập các Ban chuyên trách để giúp Hội đồng nhân dân thẩm tra các đề án, kiểm tra việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, góp ý kiến về việc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Những quy định này phản ánh xu hướng mở rộng dân chủ, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương, đồng thời nhằm huy động rộng rãi sự tham gia của nhiều tầng lớp dân cư tham gia vào quản lý nhà nước. Việc thành lập các Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân tạo thành một cơ chế nhằm giám sát hoạt động của Uỷ ban hành chính. Số lượng thành viên của Ủy ban hành chính cũng tăng đáng kể. Uỷ ban hành chính thành lập các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương. Như vậy đã bắt đầu hình thành cơ chế kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ.