1.2. Lịch sử hình thành và phát triển chính quyền địa phƣơng phƣờng,
1.2.3. Tổ chức chính quyền phường, thị trấn từ 1983 đến 1994
Sau 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. Để thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, ngày 25 tháng 4 năm 1976 cử tri cả nước tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Quốc hội quyết định ban hành một bản Hiến pháp mới chung cho cả nước - Hiến pháp của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thống nhất đất nước, làm cơ sở pháp lý nền tảng cho xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng và tổ chức chính quyền nhà nước, trong đó có chính quyền địa phương. Có thể nói vấn đề tổ chức chính quyền địa phương nói chung và vấn đề tổ chứ chính quyền đô thị nói riêng được đặt ra thảo luận rất nhiều lần.
Hiến pháp quy định:
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; Thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã và thị trấn; Thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; Quận chia thành phường. Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân [28, Điều 113].
Trong quá trình soạn thảo Hiến pháp 1980, vấn đề tổ chức chính quyền địa phương nói chung và vấn đề tổ chức chính quyền đô thị nói riêng được đặt ra thảo luận rất nhiều lần. Trên cơ sở Hiến pháp 1980, ngày 30 tháng 6 năm 1983 Quốc hội thông qua Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định ở tỉnh cũng như thành phố trực thuộc Trung ương đều thành lập ba cấp chính quyền hoàn chỉnh có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Như vậy, mô hình chính quyền phường được ghi nhận thông qua Hiến pháp năm 1980. Chính quyền phường cùng với chính quyền xã, thị trấn được gọi chung là chính quyền cấp xã.
Những quy định của Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1983 tuy đi theo hướng đề cao vị trí của Hội đồng nhân dân trong cơ cấu quyền lực so với Uỷ ban nhân dân, nhưng không thành lập cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, vì vậy hoạt động của Hội đồng nhân dân chịu ảnh hưởng chi phối, lệ thuộc vào Uỷ ban nhân dân trong công tác chuẩn nội dung các kỳ họp, cũng như các hoạt động hành chính khác. Do đó hoạt động của Hội đồng nhân dân trở nên kém hiệu quả, mang nhiều tính hình thức, nhất là khả năng giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân.
Chính vì những bất hợp lý này cộng với quan điểm đề cao vai trò Hội đồng nhân dân nên ngày 30 tháng 6 năm 1990 Quốc hội đã ra Nghị quyết sửa đổi một số điều Hiến pháp 1980, quy định thành lập Thường trực Hội đồng nhân dân từ
cấp huyện trở lên. Trên cơ sở sửa đổi Hiến pháp, cũng tại kỳ họp này, ngày 30 tháng 6 năm 1989 Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, gọi tắt là Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 1989. Theo quy định của luật này, Thường trực của Uỷ ban nhân dân được bãi bỏ, tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân đều phải được đưa ra thảo luận và biểu quyết theo đa số tại phiên họp toàn thể Uỷ ban nhân dân. Đồng thời quy định đối với Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên đều thành lập bộ phận thường trực gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu trong số đại biểu Hội đồng nhân dân [40].
Ở giai đoạn này, xét về mặt kỹ thuật tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương có một sự thụt lùi đáng kể so với giai đoạn trước. Luật 1989 không có những quy định chuyên biệt về tổ chức chính quyền ở tỉnh và chính quyền ở thành phố. Điều đó cũng có nghĩa nhà làm luật đã bỏ qua các yếu tố đặc thù giữa nông thôn và đô thị khi thiết lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Hơn nữa Luật 1989 cũng không có một quy định nào để phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp mà chỉ quy định rất chung chung. Có nghĩa nhà làm luật không tính đến yếu tố phân cấp trong quản lý, không tính đến đặc thù của từng cấp chính quyền địa phương.
Một số hạn chế của Luật năm 1983 và Luật năm 1989 (sửa đổi) nói trên dần được khắc phục trong quá trình soạn thảo Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 1994.