Tổ chức chính quyền phường, thị trấn từ 1994 đến 2003

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phường, thị trấn từ thực tiễn quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 31 - 33)

1.2. Lịch sử hình thành và phát triển chính quyền địa phƣơng phƣờng,

1.2.4. Tổ chức chính quyền phường, thị trấn từ 1994 đến 2003

Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có những thay đổi rất căn bản về tổ chức bộ máy Nhà nước so với Hiến pháp năm 1980 nhằm tạo ra bộ máy nhà nước gọn nhẹ năng động, có khả năng điều hành, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội theo cơ chế mới.

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 1994, về tính chất pháp lý, Hội đồng nhân dân vẫn được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Còn Uỷ ban nhân dân được xác định là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003 cũng quy định đúng như vậy: tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình ba cấp, thiết lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở cả ba cấp. Ở mô hình này không có sự phân biệt mô hình tổ chức chính quyền đô thị nội thành và nông thôn ngoại thành và không phân biệt rõ đặc thù của đô thị có chức năng trung tâm chính trị - hành chính với các đô thị khác.

Về nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp năm 1994 không có những thay đổi lớn, về cơ bản vẫn giống như những quy định trong trong Luật năm 1989. Tuy nhiên, luật 1994 đã giải quyết tương đối vấn đề mối quan hệ giữa chiều ngang và chiều dọc trong tổ chức chính quyền. Theo đó chủ tịch Uỷ ban nhân dân có toàn quyền giải quyết một số vấn đề: (i) Phê chuẩn kết quả bầu các thành viên Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp: điều động, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý; (ii) Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp mình và những văn bản sai trái của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; (iii) Đình chỉ việc thi hành Nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình bãi bỏ; (iv) Quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp mình, trừ những vấn đề phải do tập thể Uỷ ban nhân dân giải quyết theo quy định tại Điều 49 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1994 (sửa đổi).

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội ban hành năm 1994, qua 9 năm thực hiện, những quy định của luật đã góp phần quan

trọng vào việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, một số quy định của luật đã bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Các điểm hạn chế đó là: (i) Cơ cấu, tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được luật quy định chung cho cả ba cấp nên chưa quy định rõ vai trò của mỗi cấp chính quyền; chưa cụ thể hóa được chủ trương, quan điểm các Nghị quyết của Đảng về phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng "Việc nào do cấp nào quản lý và giải quyết sát thực hơn thì giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho cấp đó"; (ii) Thẩm quyền, trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể chưa được làm rõ, các quy định hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý để thực hiện việc luân chuyển cán bộ, cũng như thay đổi chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong trường hợp cần thiết; (iii) Quy mô tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được áp dụng chung cho tất cả các cấp hành chính, các đơn vị hành chính như quy định hiện hành là chưa hợp lý, làm hạn chế hiệu quả hoạt động chính quyền ở đô thị.

Những hạn chế nói trên làm cho hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp chưa thể hiện rõ vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hiệu quả quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân, tính chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương bị hạn chế. Vì vậy ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, người viết nhận thấy Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003 về cơ bản không có thay đổi gì trong tổ chức chính quyền so với Luật năm 1994 và không khắc phục được những hạn chế nêu trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phường, thị trấn từ thực tiễn quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)