Ngày 18/01/2005, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về BĐG tài sản được ban hành thay thế Nghị định số 86/1996/CP. Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP.
Ngày 04 tháng 3 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/ NĐ-CP về BĐG tài sản, có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 (sau đây gọi là Nghị định 17/2010/ NĐ-CP). Sau khi được ban hành, Nghị định 17/2010/NĐ- CP đã tạo cơ sở pháp lý củng cố, kiện toàn tổ chức BĐG tài sản, hoạt động BĐG đã đạt được những kết quả nhất định, như từng bước xã hội hóa hoạt động BĐG tài sản, hạn chế việc thành lập Hội đồng BĐG tràn lan gây thất thoát tài sản nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong đấu giá được tôn trọng và bảo vệ; giá trị hàng hóa của tài sản được phát huy; tài sản của các cá nhân, tổ chức và Nhà nước được bảo vệ; hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá; tạo môi trường giao dịch cạnh tranh, lành mạnh,... Việc BĐG tài sản nói chung và BĐG quyền sử dụng đất nói riêng đã tăng đáng kể nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về BĐG tài sản; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2010 quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước BĐG và chế độ tài chính của Hội đồng BĐG tài sản,… Đây là các văn bản pháp lý nền tảng làm cơ sở cho việc tiến hành công tác BĐG tài sản ở Việt Nam hiện nay.