c) Về kết quả hoạt động
3.1.2.2. Hạn chế của pháp luật về hoạt động bán đấu giá tài sản
Thứ nhất, hoạt động BĐG tài sản nói chung và BĐG BĐS nói riêng đang
được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và chưa có sự thống nhất giữa quy định của pháp luật chuyên ngành về BĐG. Văn bản pháp lý chuyên ngành có giá trị cao nhất về BĐG tài sản mới chỉ là Nghị định nên phạm vi, đối tượng điều chỉnh còn hạn chế và chưa khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo về quy trình, thủ tục BĐG tài sản giữa các văn bản hiện hành, làm giảm hiệu quả của hoạt động BĐG, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về BĐG, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tiêu cực, gây thất thoát tài sản, nhất là tài sản nhà nước.
Thứ hai, đội ngũ đấu giá viên tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất
lượng chưa đồng đều, một bộ phận đấu giá viên còn yếu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; một số đấu giá viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những sai sót trong hoạt động BĐG.
Thứ ba, phần lớn các doanh nghiệp BĐG hiện nay đăng ký kinh doanh đa
ngành nghề, BĐG tài sản là hoạt động bổ sung cho các lĩnh vực kinh doanh khác (chỉ có khoảng 20/190 doanh nghiệp đăng ký hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực BĐG tài sản); cơ sở vật chất của doanh nghiệp yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động BĐG tài sản
Trung tâm dịch vụ BĐG tài sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập với nhiệm vụ chính trị là để BĐG tài sản thi hành án và tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của pháp luật về thi hành án và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì cả Trung tâm dịch vụ BĐG tài sản và doanh nghiệp BĐG tài sản được BĐG các loại tài sản này, nhưng phần lớn các Trung tâm hiện nay còn được nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc bao cấp một phần. Điều này làm giảm tính chuyên nghiệp của hoạt động BĐG tài sản vốn là hoạt động vận hành theo cơ chế thị trường.
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định hạn chế việc thành lập Hội đồng BĐG quyền sử dụng đất, tuy nhiên, trong thực tế, việc thành lập các Hội đồng BĐG quyền sử dụng đất vẫn còn khá phổ biến ở các địa phương. Trong nhiều
74
trường hợp, việc thành lập Hội đồng còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Hoạt động BĐG do Hội đồng thực hiện đôi khi chưa được công khai, minh bạch tiềm ẩn rủi ro thất thoát tài sản Nhà nước.
Thứ tư, hoạt động BĐG tài sản còn có những sai sót, chất lượng của hoạt
động còn có điểm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; hoạt động của một bộ phận đấu giá viên và tổ chức BĐG chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục BĐG, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá giữa những người tham gia đấu giá, có nơi có lúc đã xảy ra hiện tượng chạy theo lợi nhuận hoặc “cạnh tranh không lành mạnh” giữa một số tổ chức BĐG gây ảnh hưởng đến uy tín nghề đấu giá trong xã hội.
Thứ năm, hiện nay hoạt động BĐG tài sản ở nước ta chủ yếu tập trung vào
bán tài sản của Nhà nước, tài sản mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải BĐG. Có rất ít cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn dịch vụ BĐG khi bán tài sản của mình. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đến thời điểm hiện tại các tổ chức BĐG trong cả nước mới chỉ thực hiện được 37 cuộc BĐG tài sản do cá nhân tự nguyện ủy quyền. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội.
Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương còn lỏng lẻo; sự
phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có lúc chưa chặt chẽ, việc hướng dẫn địa phương thực hiện pháp luật BĐG có lúc chưa kịp thời, đôi khi còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành liên quan dẫn đến lúng túng cho địa phương khi thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xử lý vi phạm có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa nghiêm.