Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các khu công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của tổ chức công đoàn trong các khu công nghiệp - qua thực tiễn tỉnh Bắc Ninh (Trang 32 - 34)

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là một thành tố quan trọng của quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật để đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội, nó được xác định trên cơ sở mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và đồng thời xuất phát từ nhu cầu , đặc điểm của đối tượng phổ biến , giáo dục pháp luật . Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định trên cơ sở ba mục đích của phổ biến, giáo dục pháp luật đó là sự hình thành ở đối tượng phổ biến , giáo dục hệ thống tri thức pháp luật; tình cảm, lòng tin và thói quen hành động phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Xác định đúng nội dung của phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ bảo đảm cho chất lượng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm của đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật, người ta phân định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật thành ba mức, cấp độ khác nhau sau đây: Một là, mức độ tối thiểu về phổ biến, giáo dục pháp luật phổ cập cho mọi người, để xã hội được quản lý bằng pháp luật thì mọi công dân, cũng như mỗi người lao động phải có những hiểu biết tối thiểu về pháp luật và có những kỹ năng tối thiểu để sử dụng pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ của mình; Hai là, mức độ phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhu cầu ngành nghề của người lao động hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, các lĩnh vực đặc thù. Họ cần những hiểu biết và kỹ năng sử dụng pháp luật ở mức độ cao hơn, mang tính định hướng rõ hơn thì ngoài những khái niệm pháp lý cơ bản thường gặp trong thực tiễn, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo ngành nghề còn bao gồm một số luật thực định, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của đối tượng; Ba là, mức độ phổ biến, giáo dục chuyên luật, đây là mức độ cao nhất của nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm mục đích đào tạo các luật gia cho bộ máy nhà nước, các lực lượng báo cáo viên pháp luật và các tổ chức mang tính nghề nghiệp về pháp luật. Sự hiểu biết của đối tượng này bao gồm cả những quan điểm, những học thuyết về nhà nước và pháp luật trong lịch sử và hiện tại.

Đối với giáo dục pháp luật trong các khu công nghi ệp, sự đặc thù về nội dung giáo dục pháp luật thể hiện ở chỗ cần, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung đó có thể phân thành các mức độ theo các yêu cầu sau đây:

Một là, yêu cầu tối thiểu về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho

người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Nội dung này bao gồm: (i) Một số hiểu biết, thông tin cơ bản về tổ chức bộ máy Nhà nước thực thi pháp

luật, đặc biệt là cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; (ii) Các quyền và nghĩa vụ pháp lý cơ bản của công dân nói chung và người lao động nói riêng do Hiến pháp và một số đạo luật quy định; (iii) Một số thủ tục, trình tự pháp lý để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và thực hiện các nghĩa vụ của công dân nói chung và người lao động nói riêng; (iv) Các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và gián tiếp của người lao động trong quá trình tham gia hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh tại các loại hình doanh nghiệp.

Hai là, yêu cầu riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật cho mỗi loại đối

tượng. Mỗi người lao động trong từng địa vị, điều kiện, hoàn cảnh và ở mỗi địa bàn, doanh nghiệp khác nhau lại có những nhu cầu hiểu biết pháp luật khác nhau. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ở đây cũng phải cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng.

Từ việc xác định phạm vi, đặc điểm và các mức độ yêu cầu về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật có thể thấy rằng: Không thể có một hình thức hay một chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật riêng biệt có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu, nội dung để đạt tới mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật đặt ra cho mọi đối tượng. Do đó cần phải có sự phối hợp nhiều hình thức, phương tiện, chương trình, mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật của các chủ thể khác nhau để hỗ trợ, bổ sung cho nhau nhằm đạt được mục đích của phổ biến, giáo dục pháp luật mà nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đề ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của tổ chức công đoàn trong các khu công nghiệp - qua thực tiễn tỉnh Bắc Ninh (Trang 32 - 34)