2.2. Pháp luật các nước ASEAN về tương trợ tư pháp hình sự
2.2.10. Vương quốc Campuchia
Tuy không có một Đạo luật riêng về tương trợ tư pháp hình sự, nhưng Vương quốc Campuchia dành một chương với 30 điều khoản trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2007 để quy định chi tiết về dẫn độ. Dẫn độ được thực hiện theo quy định tại các điều ước quốc tế đa phương, khu vực hoặc song phương mà Campuchia là một bên, trường hợp không có công ước quốc tế điều chỉnh thì sẽ áp dụng các điều khoản quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, trừ khi có luật riêng. Luật này quy định trường hợp yêu cầu dẫn độ với Campuchia và yêu cầu dẫn độ từ Campuchia, trong cả hai trường hợp này đều nêu chi tiết các điều kiện, thủ tục thực hiện.
Năm 2011, Bộ Tư pháp nước này đã thành lập Cơ quan trung ương trực thuộc Tổng cục nghiên cứu và phát triển tư pháp để thực hiện tương trợ tư pháp, chuyển giao tù nhân và dẫn độ trong hình sự, dân sự và các vấn đề thương mại. Cơ quan này chịu trách nhiệm:
- Tiếp nhận và xem xét các yêu cầu dẫn độ, chuyển giao tù nhân và thực hiện tương trợ tư pháp trong các vụ án hình sự, dân sự và thương mại;
- Chuyển các yêu cầu tương trợ tư pháp đến cơ quan có thẩm quyền và gửi trả kết quả tương trợ cho các quốc gia yêu cầu;
- Đóng vai trò là đầu mối để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tương trợ tư pháp;
- Liên hệ trực tiếp hoặc qua các kênh ngoại giao với các cơ quan trong nước và quốc tế để tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý lẫn nhau;
- Tổ chức, xem xét và tạo điều kiện cho việc dịch các yêu cầu, hồ sơ vụ án, bằng chứng và các tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp;
- Quản lý dữ liệu của các yêu cầu tương trợ, tổ chức các tài liệu pháp lý, nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu và nộp trực tuyến cho Bộ Tư pháp;
- Giữ bí mật các yêu cầu tương trợ cả về nội dung và tài liệu, cũng như thông tin thực tế của bất cứ yêu cầu nào được đưa ra và bất kỳ hành động nào được thực hiện liên quan đến yêu cầu;
- Đảm bảo thông tin và bằng chứng được bảo vệ khỏi bị mất và sử dụng, thay đổi, hoặc tiết lộ mà không được phép hoặc sử dụng không vì mục đích đúng đắn; - Xây dựng các kế hoạch hành động để tạo điều kiện tham quan học tập, hội thảo và các cuộc họp ở cấp quốc gia và quốc tế;
- Liên hệ với các nhà tài trợ để nhận được hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; - Cải thiện hợp tác với các cơ quan trong nước và quốc tế để tạo điều kiện cho nhau hỗ trợ pháp lý.
Bên cạnh đó, Campuchia cũng là thành viên của một số điều ước quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vào và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ASEAN. Quốc gia này cũng ký nhiều hiệp định song phương về dẫn độ với một số quốc gia như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc tương trợ tư pháp hình sự tại quốc gia này. Trường hợp không có một trong các căn cứ trên, quốc gia này sẽ hỗ trợ pháp lý về dẫn độ thông qua kênh ngoại giao.
Hoạt động tương trợ tư pháp tại Campuchia đang được thực hiện một cách chung nhất từ dân sự, hình sự đến các vấn đề thương mại. Chưa có một luật riêng hay một cơ chế riêng cho lĩnh vực hình sự tại quốc gia này.
Kết luận Chương 2
Các quốc gia trong khu vực ASEAN đều xây dựng cho mình các cơ chế riêng để thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp, là nền tảng hữu hiệu để hợp tác quốc tế và khu vực trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Tuy không phải quốc gia nào cũng có đạo luật riêng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, nhưng trong hệ thống pháp luật quốc gia sẽ luôn chứa đựng các quy định riêng lẻ trong các luật riêng về dẫn độ, phòng chống tham nhũng,… hay các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp, Bộ luật tụng hình sự. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng là thành viên của các hiệp ước song phương, điều ước quốc tế khu vực và đa phương về tương trợ tư pháp hình sự. Và, không dừng lại ở đó, các quốc gia vẫn đang nỗ lực để tạo dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nữa, bằng cách đàm phán, ký kết thêm nhiều hiệp định song phương hay tham gia các điều ước đa phương về tương trợ tư pháp hình sự nói chung và các công ước về các lĩnh vực cụ thể nói riêng.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan thì khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này trong phạm vi ASEAN còn tương đối đơn giản, chưa được đầy đủ và hoàn thiện. Bởi lẽ ASEAN là khu vực có các nền kinh tế trẻ và đang dần vươn mình ra thế giới, các quan hệ xã hội mới sẽ xuất hiện theo đà phát triển đó. Trong khi đó, pháp luật của nhiều quốc gia đã xuất hiện từ lâu đời, mang đậm dấu ấn của các quốc gia đô hộ từ trong quá khứ, nay đã không còn phù hợp và có tính cập nhật với tốc độ phát triển của kinh tế và văn hóa thời đại mới. Ngay cả đối với các quốc gia có sự cập nhật nhanh như Việt Nam, với các đạo luật mới như Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và có hẳn một đạo luật riêng về tương trợ tư pháp năm 2007, nhưng các văn bản hướng dẫn chi tiết cả về căn cứ thực hiện lẫn biện pháp kỹ thuật lại vô cùng ít ỏi.
Chương 3
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP HÌNH SỰ GIỮA CÁC QUỐC GIA
ASEAN