3.2. Giải pháp tăng cƣờng bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực
3.2.1. Nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật
Thực trạng pháp luật với việc bảo vệ quyền trẻ em hiện nay trong các quy định của Luật Nuôi con nuôi còn tồn tại nhiều vướng mắc, cần có những hướng giải quyết tích cực, nhiều quy định chưa được cụ thể, rõ ràng. Như
điều kiện của người nhận nuôi, của người được nhận nuôi, về quyền và nghĩa vụ các bên trong quá trình thực hiện việc nuôi con nuôi còn chưa cụ thể và đầy đủ. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi còn bỏ ngỏ. Các biện pháp xử lý vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi còn mang tính hình thức trong khi hiện tượng mua bán trẻ em, xâm hại, bóc lột dưới hình thức nuôi con nuôi ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của trẻ em.
Qua 8 năm thực thi Luật Nuôi con nuôi cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn dù đã thiết lập hành lang pháp lý cơ sở trong việc giải quyết nuôi con nuôi nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, cần có sự chỉnh sửa và hoàn thiện một cách toàn diện, đồng bộ và thống nhất.
Về điều kiện cho – nhận con nuôi: Pháp luật nước ta cần tham khảo pháp
luật nước ngoài và xây dựng quy định về độ tuổi tối thiểu của người nhận con nuôi kết hợp với giới hạn tuổi giữa hai bên (được phân tích rõ tại chương 2). Theo nghiên cứu nhiều quốc gia lựa chọn độ tuổi tối thiểu của người nhận nuôi là 25 tuổi và khoảng cách giữa người nuôi và con nuôi là từ 20 tuổi. Bên cạnh đó, độ tuổi tối đa của người được nhận nuôi có thể xây dựng theo độ tuổi lao động của người nhận nuôi có thể là không quá 60 tuổi. Luật nuôi con nuôi cần có quy định chi tiết về việc cha mẹ đẻ không được nhận con ngoài giá thú làm con nuôi nhằm hạn chế việc lợi dụng khe hở pháp luật để vi phạm mục đích của việc nuôi con nuôi. Đối với độ tuổi của người được nhận làm con nuôi cần có quy định thêm trường hợp người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm con nuôi của người là bệnh binh, người có công với cách mạng… là phù hợp với đạo đức xã hội, đảm bảo cho những người chưa thành niên có được cơ hội sống dưới mái ấm gia đình. Trong trường hợp này, theo hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn thì toàn bộ quyền và nghĩa vụ đối với gia đình gốc của trẻ kết thúc nhằm tránh tình trạng cha mẹ đẻ hoặc người thân của trẻ vì trục lợi cá nhân mà muốn chiếm đoạt tài sản mà cha mẹ nuôi để lại cho trẻ.
Cần có quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá các gia đình đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi, chú trọng vào vấn đề tâm lý, thái độ nuôi con nuôi dựa trên mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em tránh tình trạng nuôi con nuôi nhằm trục lợi.
Cần có quy định thời gian thử thách trong việc nuôi con nuôi và coi đây là một điều kiện của việc nuôi con nuôi. Bởi để xây dựng quan hệ cha mẹ con hợp pháp không dựa trên cơ sở huyết thống cần dựa trên nhiều yếu tố và chính sự hòa hợp, thích ứng với nhau là yếu tố cơ bản tạo nên sự bền vững, gắn bó trong quan hệ giữa cha mẹ nuôi và trẻ em được nhận nuôi. Theo quy định tại Điều 20 Công ước Lahay thì thời gian thử thách là “khoảng thời gian pháp luật quy định mà trong khoảng thời gian đó, người nhận nuôi sống chung với người được nhận làm con nuôi để cùng thích nghi và xem xét khả năng phù hợp với nhau giữa hai bên”. Sau khoảng thời gian luật định này, nếu thấy hai bên cùng đồng thuận tiếp tục thực hiện việc nuôi con nuôi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận hay không công nhận việc nuôi con nuôi dựa trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi. Thực thi quy định này, nhiều quốc gia thành viên của Công ước Lahay lựa chọn quy định thời gian thử thách là 06 tháng với cả việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài. Quy định về thời gian thử thách này góp phần làm giảm tỷ lệ chấm dứt quan hệ cha mẹ con giữa người nhận nuôi và con nuôi.
Về trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi
Cần có quy định về việc niêm yết, thông báo về việc trẻ em bị bỏ rơi, hoặc trẻ em có nguồn gốc không rõ ràng tại UBND cấp cơ sở và đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi. Các cơ quan có thẩm quyền cần đảm bảo việc thông báo được thực hiện trong thời gian nhất định nhằm hướng tới giúp cho
trẻ em đó tìm được cha mẹ đẻ và có cơ hội được đoàn tụ và sống cùng gia đình gốc hoặc tìm được họ hàng thân thích của trẻ. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Nuôi con nuôi.
Dù nghị định 24 đã có sự điều chỉnh những quy định chưa hợp lý của Nghị định 19 song vẫn còn một số điểm thiếu sót. Cụ thể là, quy định về cơ sở trợ giúp xã hội cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 19 là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định. Song quy định này gây hạn chế quyền của trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài nếu như trẻ em sống ở cơ sở trợ giúp xã hội không được chỉ định. Quy định này vô hình chung không phù hợp với nội dung ghi nhận tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo
quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng và an ninh”,
khoản 2 Điều 59 quy định Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân được hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội trong khi Luật Nuôi con nuôi có phạm vi hẹp hơn khi không quy định bắt buộc cơ sở trợ giúp xã hội cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài phải là cơ sở được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định. Điều này ảnh hưởng trong việc áp dụng các nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước theo Công ước La Hay.
Khoản 2 Điều 48 Nghị định 19 cũng quy định rằng rằng người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định (trẻ em thuộc Danh sách 2) làm con nuôi thì được miễn nộp chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài (50.000.000đ/trường hợp). Quy định này nhằm khuyến khích việc nhận trẻ em thuộc Danh sách 2 làm con nuôi để tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được chữa trị kịp thời. Song trong thực tiễn thực hiện các cha mẹ nuôi phải hỗ trợ khoản được miễn đó cho cơ sở trợ giúp xã hội. Vấn đề này cần sớm được giải quyết để tránh tâm lý lo ngại cho các nước đang có quan hệ hợp tác về
nuôi con nuôi với Việt Nam trong việc minh bạch tài chính các khoản mà cha mẹ nuôi cần phải đóng góp.
Cần nghiên cứu để đơn giản hóa một số thủ tục hành chính về nuôi con nuôi trong nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Một là: chuyển việc đăng ký nhu cầu nhận nuôi con nuôi trong nước từ Sở tư pháp như quy định hiện hành cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Hai là, đăng tải công khai danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế đồng thời ở cấp tỉnh (Sở Tư pháp) và cả cấp Trung ương (Cục con nuôi) để rút ngắn thời hạn 60 ngày. Ba là, chuyển thủ tục ghi chú việc nuôi con nuôi đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài từ cấp tỉnh (Sở Tư pháp) xuống cấp huyện (phòng tư pháp) để được thống nhất với quy định của Luật hộ tịch.
Nghiên cứu, sửa đổi hệ thống hóa thủ tục tìm gia đình thay thế cho trẻ em làm con nuôi trong nước bởi những thủ tục đang được áp dụng hiện nay còn mang tính hình thức, không mang tính kịp thời. Thực tế cho thấy rất ít trẻ em bị bỏ rơi được xin nhận làm con nuôi trong nước. Đối với trẻ em có mẹ đẻ, việc xác minh lấy ý kiến còn gặp nhiều khó khăn do hình thức cho nhận con nuôi bằng hình thức trao tay, che giấu thân phận của cha mẹ đẻ.
Về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi:
Hệ quả của việc nuôi con nuôi bao gồm việc công nhận mối quan hệ pháp lý cha mẹ - con giữa trẻ em và cha mẹ nuôi, đồng thời là trách nhiệm của cha mẹ nuôi đối với trẻ em và công nhận việc chấm dứt hay không mối liên hệ tồn tại trước đó giữa trẻ và cha mẹ đẻ theo pháp luật.
Việc nuôi con nuôi làm phát sinh các vấn đề liên quan trực tiếp tới hộ tịch của trẻ được nhận nuôi. Vì vậy, căn cứ vào Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/ NĐ – CP quy định trình tự, thủ tục thay đổi hộ tịch cho con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện, nội dung thay đổi hộ tịch cho con nuôi để xác định các trường hợp thay đổi hộ tịch với con nuôi
trong nước và con nuôi nước ngoài. Tuy nhiên những quy định này còn khó vận dụng trong thực tế, chẳng hạn như các thông tin thay đổi phần khai về cha mẹ trong trường hợp nhận con riêng của vợ/ chồng, trường hợp trẻ em còn cả cha mẹ nhưng được người độc thân nhận làm con nuôi. Trên thực tế có nhiều trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hoặc trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi thì cha, mẹ nuôi thường có nguyện vọng thay đổi hộ tịch cho con ngay tại Việt Nam nhưng những quy định về thay đổi hộ tịch trong Luật hộ tịch còn chưa có quy định rõ ràng và khó vận dụng để giải quyết. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về việc ghi vào Sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi đã được giải quyết ở cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Cả Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015, Nghị định 19/2011 đều không quy định điều kiện cụ thể để ghi vào Sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi đã được đăng ký ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nên các địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch. Hơn nữa, các trường hợp phát sinh khi công dân nước ngoài có phán quyết của Tòa án nước ngoài về việc cho nhận trẻ Việt Nam cư trú ở Việt Nam hoặc cư trú tại nước đó làm con nuôi thì trường hợp này lại không được Nghị định 19/2011 và Nghị định 23/2015 quy định có được ghi vào sổ hộ tịch hay không.