1.3. Bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi
1.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con nuôi
Việc bảo vệ trẻ em trong việc nhận nuôi con nuôi bị chi phối, chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố bao gồm cả yếu tố chủ quan và cả yếu tố khách quan.
1.3.3.1. Các yếu tố khách quan
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc nuôi con nuôi bao gồm yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội.
Yếu tố tự nhiên: là sự tác động của các hiện tượng tự nhiên tác động
tới cuộc sống của con người gây ra hậu quả trực tiếp tới cuộc sống của con người, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em. Có thể là các thảm họa tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh,… khiến cho cuộc sống của trẻ em lâm vào tình thế cùng cực, mất đi cha mẹ, không còn người thân thích, cuộc sống của các em không còn nơi nương tựa, không nhà cửa, không có cơm ăn, áo mặc, các em không thể sống cuộc sống bình thường như các trẻ em khác do bị tàn tật, bệnh dịch… Các em sinh ra đã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là nạn nhân của những thảm họa thiên nhiên, vì vậy, việc nuôi con nuôi là nghĩa cử cao đẹp, là biện pháp tối ưu để giúp các em có mái ấm gia đình, được quan tâm, bảo vệ như những trẻ em khác.
Yếu tố xã hội: bao gồm những yếu tố cơ bản sau đây: Điều kiện chính trị, kinh tế xã hội:
Chính trị là một khái niệm rộng, bao gồm các vấn đề không chỉ liên
quan tới tổ chức thực hiện quyền lực, và điều hành bộ máy nhà nước của mỗi quốc gia mà còn là mối liên hệ đa quốc gia. Chính trị đóng vai trò cơ bản, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người. Một chế độ chính trị thiên về chuyên chế, độc tài thường xâm hại nghiêm trọng tới quyền con người cơ bản. Một chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ sẽ có xu hướng tôn trọng và đề cao quyền con người, hướng hệ thống pháp luật lấy con người làm trung tâm để đảm bảo tối đa những quyền con người được thực hiện.
Lĩnh vực nuôi con nuôi là lĩnh vực nhạy cảm và liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền trẻ em, và có mối liên hệ với pháp luật chuyên ngành khác. Vì vậy, để đảm bảo việc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi được thực hiện toàn điện thì trước hết điều kiện chính trị phải được mở rộng hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật mang lại lợi ích tốt nhất cho người được nhận làm con nuôi, cũng như việc trẻ em được tiếp cận tới quyền được nhận làm con nuôi của mình và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực thi trách nhiệm của mình trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi một cách minh bạch.
Kinh tế cũng là một yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nuôi con
nuôi bởi kinh tế cung cấp cơ sở vật chất để đảm bảo thực thi quyền con người. Trong xu thế phát triển hiện nay, điều kiện kinh tế được đảm bảo, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, an sinh xã hội được nâng cao, chất lượng cuộc sống ổn định,… quyết định nhiều tới việc đảm bảo thực thi quyền con người nói chung và quyền trẻ em được nhận làm con nuôi nói riêng.
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường là tác động tiêu cực tới hành vi của con người trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Khi lợi ích cá
nhân được đưa lên hàng đầu, lợi ích vật chất làm mờ đi những giá trị nhân văn của con người, lòng nhân ái, sự khoan dung, tình người dần mờ nhạt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được sống trong gia đình hạnh phúc trở thành đối tượng thỏa mãn lợi ích của người khác trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi. Nếu xét ở phạm vi rộng hơn, thì các quốc gia không có tiềm lực kinh tế sẽ là nước cho con nuôi, còn các nước giàu là nước nhận con nuôi. Người nước ngoài đến với tiềm lực kinh tế mạnh thì có nhiều khả năng nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi nhiều hơn là chính công dân Việt Nam trong nước. Vì thế, ở nước ta đã có hiện tượng nhiều cơ sở nuôi dưỡng, cá nhân có thẩm quyền vì lợi ích vật chất đó mà thực hiện việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, vi phạm nguyên tắc cơ bản của việc nuôi con nuôi đảm bảo quyền được sống trong gia đình nhận nuôi ở trong nước.
Chiến tranh, xung đột vũ trang, sự bất ổn về chính trị xã hội cũng là
yếu tố ảnh hưởng tới việc nhận nuôi con nuôi. Việt Nam là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh khiến nhiều trẻ em mất đi cha mẹ, người thân, thất lạc gia đình, không nơi nương tựa; nhiều trẻ em chịu ảnh hưởng của di chứng chiến tranh vẫn còn đeo bám như chất độc màu da cam, tật nguyền… Các em sinh ra bản thân đã chịu thiệt thòi về tinh thần và cả thể chất nên việc tìm kiếm một gia đình thay thế có thể mở ra cơ hội được chữa bệnh, phục hồi chức năng, để các em được bảo đảm quyền sống của mình là điều vô cùng cần thiết.
Phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống
góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận nuôi con nuôi và hòa nhập môi trường sống mới của người được nhận nuôi con nuôi. Người Việt Nam ta sống trọng tình nghĩa, tương thân tương ái, với truyền thống văn hóa “lá lành đùm lá rách” mà nhiều gia đình đã mở rộng vòng tay cưu mang, nuôi dưỡng, đùm bọc những trẻ em lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa. Tuy nhiên,
một bộ phận không nhỏ người dân vẫn quan niệm rằng: “một giọt máu đào hơn ao nước lã” dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa con nuôi và con đẻ. Có những gia đình lợi dụng việc nuôi con nuôi để tăng thêm nhân lực lao động, nhằm bóc lột sức lao động, trẻ em nhận nuôi thường không được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng với mục đích. Hiện tượng này thường xảy ra trong các trường hợp nuôi con nuôi thực tế không qua đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì vậy mà quyền trẻ em bị xâm phạm nghiêm trọng và khó phát hiện, xử lý kịp thời.
Có thể nêu một vài phong tục, tập quán ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi trong nước như:
Người Thái ở Điện Biên có phong tục, khi đứa trẻ không có cha, mẹ nuôi dưỡng, thì anh chị lớn trong gia đình, trong dòng họ hoặc ông, bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, cha dượng nuôi dưỡng. Những người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ đều được gọi là bố, mẹ (không kể trước đó về quan hệ họ hàng với đứa trẻ có thể là anh, chị hay ông, bà) và con nuôi sẽ mang họ của người nuôi dưỡng. Còn theo phong tục của người Thái, người anh cả trong gia đình có trách nhiệm chăm sóc các em khi cha mẹ không còn và các em đều tôn trọng người anh cả như cha. Đối với dân tộc Mông nếu anh hoặc em chết, con của họ sẽ được các anh, em của mình nuôi dưỡng như con.
Luật tục của các dân tộc thiểu số ở Phú Yên lại cho phép mọi người có quyền nhận người khác làm con nuôi mà không phân biệt họ hàng, dân tộc với người con nuôi. Chỉ cần có thoả thuận giữa họ hàng, bà con hai bên (người nuôi với người được nhận nuôi) là mặc nhiên được buôn làng chấp nhận.
Đối với người dân tộc Tày ở Lạng Sơn, thì việc cho và nhận con nuôi chủ yếu là do đứa trẻ khó nuôi. Người Tày cũng vậy, hình thức nuôi con nuôi lục so là hình thức nhận nuôi chính con mình sinh ra do đứa trẻ khó nuôi, nên phải nhờ thày cúng về làm lễ nhận con nuôi, sau khi làm lễ xong cho người
đàn bà khác địu đứa trẻ ra ngoài đường, sau đó quay trở lại, cha đứa trẻ đứng đầu ngõ nhận đứa con trở lại và coi như con nuôi. Sau nghi thức nhận làm con nuôi, đứa trẻ đi lại thăm hỏi cha mẹ nuôi như con cái trong gia đình [24].
Phong tục của người dân tộc Thái ở Lai Châu thường nhận cha mẹ nuôi trong trường hợp đứa trẻ khó nuôi, gầy yếu, chậm lớn… gia đình đi xem bói phải tìm cho con cha mẹ nuôi. Chọn được tuổi cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ chủ động đến gia đình cha mẹ nuôi đặt vấn đề, nếu cha mẹ nuôi đồng ý, cha mẹ đẻ dẫn con đến (làm lý) làm thủ tục thắp hương, lạy tổ tiên cha mẹ nuôi xin mọi quyền lợi, nghĩa vụ của con nuôi được ngang bằng quyền lợi, nghĩa vụ của con đẻ.
Truyền thống các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều có phong tục nhận nuôi con nuôi. Trước hết là nhận nuôi con của người ruột thịt (anh, chị, em…) do chẳng may bố mẹ đứa trẻ qua đời hoặc bị một hoàn cảnh khó khăn nào đó; sau nữa là con cháu trong dòng họ, hiếm thấy việc nuôi con nuôi ngoài dòng họ, ngoài dân tộc (việc cho và nhận con nuôi ngoài dòng họ, ngoài dân tộc chỉ xảy ra khi người nhận nuôi có một mối quan hệ nào đó, như biết nhau từ nhỏ. Sự kết nghĩa này cũng chỉ dừng lại ở mức độ như là đỡ đầu.
Tập tục giống nhau của hai cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar ở Gia Lai là trong trường hợp đứa trẻ không còn cha, mẹ, anh, chị, em, họ hàng hoặc còn nhưng những người này không đủ khả năng nuôi, thì thông báo trước dân làng để mọi người biết và nhận làm con nuôi.
Chính sách pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nuôi con nuôi. Bởi
lẽ, nhà nước đề ra chính sách, khung pháp lý có thể kìm hãm hoặc khuyến khích việc cho, nhận nuôi con nuôi. Ở Việt Nam, nhận thức rõ ý nghĩa của việc nuôi con nuôi mà Nhà nước ta đã thay thế luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 bằng Luật Nuôi con nuôi 2010, có giá trị áp dụng lâu dài, để thu hút sự quan tâm, ủng hộ giúp đỡ các trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự giúp
đỡ của xã hội. Đặc biệt, tinh thần của Luật Nuôi con nuôi thể hiện rõ việc cho nhận nuôi không phải bằng mọi giá mà việc cho nhận con nuôi phải đảm bảo tôn trọng quyền trẻ em, bảo đảm cho trẻ em lợi ích tốt nhất và khuyến khích cho trẻ em được làm con nuôi trong nước và thực hiện việc con nuôi nước ngoài khi: “không thể tìm gia đình thay thế ở trong nước” [48, Điều 4, Khoản 3].
Pháp luật còn là hình thức giáo dục thể hiện qua các chương trình tập huấn, hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi cho cán bộ chuyên môn được cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn làm việc. Khi chế tài xử phạt chưa được thắt chặt, năng lực cán bộ còn yếu kém, sự hướng dẫn còn hời hợt, quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi còn nhiều vướng mắc hay quyền trẻ em bị xâm phạm nghiêm trọng không được xử lý nghiêm ngặt thì việc bảo vệ quyền trẻ em được nhận nuôi vẫn chưa được thực thi triệt để.
1.3.3.2. Các yếu tố chủ quan
Những yếu tố chủ quan về ý chí, tình cảm, đạo đức, lối sống ý thức, trách nhiệm, hoàn cảnh gia đình… của các cá nhân có liên quan đến việc cho và nhận con nuôi có ảnh hưởng tới việc bảo vệ quyền trẻ em trong quan hệ nuôi con nuôi.
Việc cha mẹ đẻ cho con làm con nuôi thông thường vì hai lý do cơ bản sau: Một là, vì cha mẹ đẻ không có đủ điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng con đẻ của mình do ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, sinh con ngoài giá thú… Hai là, cha mẹ gây lỗi nghiêm trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, thân thể của con; đối xử tệ bạc với con… nên cha mẹ đẻ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tước bỏ quyền làm cha mẹ với con đẻ. Trường hợp gần đây dậy sóng cộng đồng mạng khi chị Đoàn Thúy Hà (tên gọi khác: Bella) sau khi ra viện điều trị bệnh tâm thần vào cuối tháng 8/2018 lại tiếp tục đưa con trai là cháu Peter đi phiêu bạt khắp nơi với chiếc xe đẩy. Bà mẹ đơn thân Bella có những
hành vi gây nguy hại đến cháu bé như hút thuốc lá trong phòng có trẻ nhỏ, đưa con trai nhỏ tuổi đi phiêu bạt, không có đủ khả năng, nhận thức tỉnh táo để nuôi dưỡng con. Trong trường các hợp này, việc nuôi con nuôi là việc làm cần thiết đảm bảo cho trẻ em được nuôi dưỡng, trưởng thành. Vì vậy mà hành động của bà mẹ 4 con Hằng Túi (tên thật là Nguyễn Bích Hằng) đã có hành động quyết liệt để đưa bé Peter thoát khỏi cảnh lang bạt và giúp em có một môi trường phát triển tốt nhất.
Việc nhận con nuôi trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích nhất
định của người nhận nuôi và đây là nhân tố quyết định trực tiếp tới hành vi
thiết lập mối quan hệ cha mẹ và con lâu dài, bền vững. Hơn nữa, việc bảo vệ quyền trẻ em trong quan hệ nuôi con nuôi thực sự thành công thì người nhận nuôi đóng vai trò to lớn tới việc đảm bảo các điều kiện cơ bản của quyền trẻ em nhận nuôi được thực hiện. Người nhận nuôi chủ động, tự nguyện thực hiện các thủ tục để được nhận con nuôi và hơn ai hết họ phải ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình với trẻ được nhận nuôi. Nhưng trên thực tế, vẫn còn không ít cha mẹ nuôi chưa được tập huấn về cách làm cha mẹ, nên chưa xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình với con nuôi. Thêm vào đó, hiện tượng vụ lợi cá nhân mà lợi dụng trẻ em cho con làm con nuôi của người có công với cách mạng để hưởng chính sách của nhà nước vẫn tồn tại. Vì vậy mà quan niệm về nuôi con nuôi đã bị hiểu sai lệch, trái với tôn chỉ ban đầu như nuôi con nuôi lập tự, nuôi con nuôi để có thêm nhân lực lao động trong gia đình… Thực chất những hành vi này đi ngược lại với mục đích mang lại cho trẻ em một mái ấm gia đình thực sự.
Người được nhận làm con nuôi dù ở trong trường hợp nào vẫn luôn
ở thế bị động trong quan hệ cho – nhận con nuôi. Mặc dù Luật Nuôi con nuôi có quy định: “…trẻ em đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó” và các em hoàn toàn có quyền thể hiện tình cảm, tiếng
nói, mong muốn của mình khi được hỏi về việc nhận nuôi. Nhưng trên thực tế, dường như việc nhận nuôi con nuôi chủ yếu dựa trên sự chủ động quyết định của người lớn.
Tóm lại, việc bảo vệ quyền trẻ em trong quan hệ nuôi con nuôi chịu sự tác động của cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, yếu tố khách quan đóng vai trò thiết yếu, mang tính chi phối đến tính thực thi của quan hệ nuôi con nuôi. Đây là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về quan hệ nuôi con nuôi ở nước ta.