2.3. Bảo vệ quyền trẻ em khi chấm dứt việc nuôi con nuôi
2.3.3. Hệ quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi
Việc nuôi con nuôi bị chấm dứt khi có Quyết định của Tòa án có hiệu lực và đồng thời các quyền và nghĩa vụ về nhân thân, tài sản giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt. Kể từ thời điểm này, các bên không có quyền và nghĩa vụ với nhau. Giữa con nuôi và cha mẹ nuôi không có quyền thừa kế đối với di sản của nhau. Việc giải quyết vấn đề liên quan đến tài sản sau khi chấm dứt quan hệ cha mẹ và con dựa trên nguyên tắc nếu con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó của mình. Nếu con nuôi đã có công đóng góp xây dựng khối tài sản chung của gia đình cha mẹ nuôi thì được trích một phần tài sản chung đó trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Nếu cả hai bên không thỏa thuận được việc phân chia thì tài sản này có thể yêu cầu Tòa án giải quyết trên cơ sở xác định công sức của người con nuôi đã đóng góp vào khối tài sản chung.
Khi quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt, các quyền và nghĩa vụ giữa trẻ em và cha mẹ đẻ của mình được khôi phục. Trẻ em được giao trả về gia đình gốc hoặc giao cho các nhân, tổ chức có thẩm quyền giám hộ và được quyền lấy lại tên họ gốc của mình trước đây khi việc nuôi con nuôi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ theo Khoản 3, Điều 27 Luật nuôi con nuôi trong trường hợp con nuôi được giao lại cho cha mẹ đẻ thì “các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt… được khôi phục”. Nghĩa là việc nuôi con nuôi không làm chấm dứt hoàn toàn quan hệ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con đẻ.
Trong trường hợp con nuôi đã thành niên, sau khi chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì họ có quyền được sống tự lập, tự quyết định cuộc sống riêng của bản thân. Nếu con nuôi là trẻ chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự và không có khả năng lao động hay không có tài sản để tự nuôi bản thân thì Tòa án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức khác thực hiện việc trông nom, nuôi
dưỡng. Xét thấy đây là quyết định đúng đắn đảm bảo cho người chưa thành niên có điều kiện được chăm sóc, và giáo dục. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi trước khi thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi đã có thỏa thuận cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ về pháp lý đối với cha mẹ đẻ thì khi quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt liệu có đương nhiên khôi phục quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con hay không? Xét thấy việc có khôi phục quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ có thể được thực hiện nhưng chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định giống như pháp luật Hôn nhân và gia đình của Nga cho rằng việc khôi phục quyền chỉ áp dụng nếu lợi ích của trẻ đòi hỏi. Còn theo Điều 29 Luật nuôi con nuôi Trung Quốc thì quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của cha mẹ đẻ với con đẻ sẽ tự động khôi phục nếu người con nuôi đó chưa trưởng thành hoặc nếu con nuôi đã trưởng thành thì cần được thông qua thảo luận. Ở Pháp, Bộ Luật dân sự Pháp quy định việc nuôi con nuôi đơn giản chỉ được xem xét thực hiện khi con nuôi trên 15 tuổi. Pháp luật của nhiều quốc gia quy định về việc hỏi ý kiến của người được nhận làm con nuôi khi chấm dứt hay hủy việc con nuôi. Độ tuổi của trẻ em được hỏi ý kiến giao động từ 10 – 13 tuổi, nhưng pháp luật của nước ta lại chưa có quy định về việc hỏi ý kiến của trẻ em trong việc chấm dứt nuôi con nuôi.
Ngoài ra, Luật Nuôi con nuôi của nước ta chưa có quy định về hủy việc nuôi con nuôi khi thực tế xét xử lại xảy ra nhiều trường hợp. Vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi có thể bao gồm vi phạm độ tuổi, thiếu sự tự nguyện của cha mẹ đẻ, có hành vi gian lận, làm giả giấy tờ, nguồn gốc trẻ… hoặc nhận con nuôi với mục đích trái pháp luật như sử dụng con nuôi vào mục đích mại dâm, buôn bán ma túy, thí nghiệm sinh học… Những trường hợp này không thuộc các trường hợp chấm dứt nuôi con nuôi được nêu ở Điều 25 Luật Nuôi con nuôi nên không thể áp dụng để giải quyết. Vì vậy, với những quy
định hiện nay khó có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm điều kiện nuôi con nuôi khi xác lập quan hệ này. Mặt khác, Luật Nuôi con nuôi hiện hành đang đồng nhất căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi và hủy việc nuôi con nuôi, vậy có nên bổ sung các trường hợp cụ thể cho phù hợp với thực tiễn xử lý việc hủy nuôi con nuôi hay không?