1.1 Đòi hỏi, thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với hoạt
động bảo hộ SHCN của Việt Nam
Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ và và ngày càng sâu sắc, cuốn theo ngày càng nhiều các nền kinh tế tham gia. Hội nhập khu vực và hội nhập thế giới đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tổ chức Thương mại Thế giới đã có 144 thành viên và chiếm tới trên 90% tổng kim ngạch ngoại thương thế giới. Bên cạnh đó đã có tới hơn 50 tổ chức liên kết khu vực dưới dạng khu vực mậu dịch tự do hoặc khu vực hợp tác kinh tế để phát triển được hình thành ở mọi châu lục. Đứng trước tình hình này, đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược hội nhập mang tính chủ động và tổng thể để tránh khỏi hai bất lợi, đó là hoặc bị đứng ngoài rìa “cuộc chơi”, hoặc bị cuốn theo một cách bị động. Hội nhập kinh tế sẽ mang lại nhiều lợi ích, cụ thể là: mở được thị trường cho hàng xuất khẩu, tiếp nhận vốn và công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp, qua đó tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến... Nói tóm lại, hội nhập là để phát triển đất nước. Ngày nay, không một nước nào có thể đứng ngoài xu thế này nếu không muốn bị tụt hậu xa hơn [21].
Tuy nhiên, đối với những nước đang phát triển như nước ta, nền kinh tế còn lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, các doanh nghiệp còn nhỏ bé và lực lượng lao động chưa được đào tạo, hệ thống pháp luật còn nhiều khiếm khuyết và bất cập thì hội nhập quốc tế và khu vực không chỉ là cơ hội, mà còn có nhiều khó khăn và thách
thức, thậm chí những khó khăn, thách thức là lớn. Mặt khác, hội nhập kinh tế mới chỉ tạo ra cơ hội, mới chỉ là điều kiện cần, yếu tố quyết định vẫn là các nhân tố bên trong. Sự lựa chọn đúng đắn ở đây là chủ động hội nhập gắn liền vói chủ động điều chỉnh cơ cấu kinh tế, pháp luật theo hướng phát huy lợi thế so sánh, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý, tiến hành cải cách hành chính quốc gia trên cơ sở đó phát huy nội lực, vượt qua các khó khăn và tận dụng cơ hội để phát triển đất nước. Pháp luật SHTT nói chung và pháp luật SHCN nói riêng, trong những năm gần đây, đã trở thành một trong các mối quan tâm hàng đầu và trong không ít trường hợp đã trở thành các thách thức với nhiều quốc gia. Tình hình đó cũng xảy ra đối với chúng ta. Có thể thấy rằng, trong hầu hết các Hiệp định song phương về kinh tế và thương mại mà Việt Nam mới ký kết gần đây (Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Ucraina, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Indonesia, Hiệp định về sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thụy Sĩ), vấn đề SHTT đều được đề cập tới với các mức độ khác nhau. Đặc biệt, vấn đề SHTT trở thành một trong ba trụ cột trong hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Một cách tổng quát, có thể nói rằng cuộc hội nhập kinh tế với quốc tế đã đặt ra nhiều đòi hỏi có tính chất thách thức đối với hệ thống SHTT bao gồm cả SHCN của Việt Nam. Vượt qua những thách thức đó là yêu cầu có tính chất bắt buộc và chúng ta không có cách lựa chọn nào khác [4].
Trong quá trình Việt Nam hội nhập nền kinh tế thế giới và khu vực, đối với lĩnh vực SHTT nói chung và SHCN nói riêng, chúng ta có thể nhận thấy một số xu hướng và yêu cầu đặt ra như sau: