1. Hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam về sở hữu công nghiệp
1.1 Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật về SHCN tại Việt Nam trưỡc năm
Việt Nam trưỡc năm 1996
Gắn liền với các giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, pháp luật SHCN Việt Nam đã có những cột mốc đáng ghi nhớ đánh đấu sự ra đời và phát triển của mình. Căn cứ vào những chính sách bảo hộ SHCN mà Đảng và Nhà nước ta theo đuổi, có thể tạm chia quá trình hình thành và phát triển của pháp luật trong lĩnh vực này ra những giai đoạn sau:
a. Giai đoạn 1945-1981
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời ngày 2/9/1945, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến các hoạt động sáng tạo kỹ thuật, thể hiện bằng các cuộc vận động thi đua cải tiến kỹ thuật mà Hồ Chủ tịch phát động ngay trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, mà kết quả tiêu biểu là những vũ khí mới đã ra đời, phục vụ cuộc kháng chiến.
Sau ngày giải phóng thủ đô, nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng về hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, một số các văn bản pháp luật đã được ban hành như:
- Thông tư số 04/LĐTT ngày 8/3/1958 của Bộ Lao động quy định về vấn đề khen thưởng các tác giả sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh; - Nghị quyết số 175/TTg ngày 3/4/1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định về
nhãn hiệu thương phẩm;
- Chỉ thị 105/TTg ngày 11/3/1959 của Thử tướng Chính phủ về tổ chức lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh của quần chúng;
- Nghị định ngày 8/2/1965 của Hôi đồng Chính phủ về khen thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến nghiệp vụ công tác.
Các văn bản trên thể hiện chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo kỹ thuật ở Việt Nam cả về tinh thần và vật chất. Tuy vậy, chưa hình thành một hệ thống bảo hộ các quyền SHCN tại Miền Bắc. Giai đoạn này thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận bảo hộ quyền tư hữu các đối tượng SHCN mà cho rằng các sáng tạo của trí tuệ con người thuộc sở hữu chung của toàn xã hội. Các tác giả, đồng tác giả có thể
được hưởng một số khuyến khích về tinh thần và vật chất mang tính tượng trưng nhưng không có quyền độc quyền đói với các đối tượng do họ sáng tạo ra.
Đối với Miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975 khi đất nước tạm thời bị chia cắt, chính quyền nguỵ quyền Sài Gòn đã ban hành một số văn bản liên quan đến SHCN như:
- Luật 12/57 ban hành ngày 1/8/1957 bảo hộ sáng chế; - Luật 13/57 ban hành ngày 1/8/1957 bảo hộ nhãn hiệu;
- Luật 14/59 ban hành ngày 11/6/1959 về chống sản xuất hàng giả;
Như vậy chính quyền Sài Gòn đã bước đầu bảo hộ quyền SHCN của các chủ sở hữu theo quan điểm tư hữu.
b. Giai đoạn 1981-1989
Giai đoạn này được đánh dấu bởi một cột mốc quan trọng trong hoạt động SHCN của Việt Nam, đó là sự ra đời của Nghị định 31/CP ngày 23/1/1981 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế. Đây là giai đoạn có tính chất thử nghiệm của hệ thống bảo hộ quyền SHCN ở Việt Nam.
Tiếp theo Nghị định 31/CP bảo hộ sáng chế, Nhà nước đã ban hành thêm một số văn bản quan trọng sau:
- Nghị định số 197/HDBT ngày 14/12/1982 ban hành Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá,
- Nghị định số 85/HDBT ngày 13/5/1988 ban hành Điều lệ về KDCN - Nghị định số 200/HDBT ngày 28/2/1988 ban hành Điều lệ về GPHI
- Nghị định số 201/HDBT ngày 28/12/1988 ban hành Điều lệ mua bán li-xăng Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn ban hành một số văn bản pháp lý có liên quan đến SHCN như Chỉ thị số 201/TTg ngày 23/1/1981 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Điều lệ 31/CP ngày 23/1/1981, Lệnh số 10LCT/HDNN8 ngày 10/12/1988 của Chủ tich Hội đồng Nhà nước công bố Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam và còn rất nhiều những thông tư, thông tư liên bộ của ủy ban khoa học và Kỹ thuật Nhà nuớc với các Bộ, các cơ quan trong việc hướng dẫn thi hành các Nghị định, các quyết định của cơ quan Nhà nuớc có thẩm quyền liên quan đến các hoạt động SHCN.
Như vậy, chỉ trong một thời gian khoảng 8-9 năm, sau khi các hoạt động SHCN đi vào đời sống, số lượng và chất lượng các văn bản có liên quan đến SHCN đã tăng đột biến, lên đến 21 văn bản. Trong giai đoạn này, việc bảo hộ SHCN áp dụng theo mô hình phổ biến ở các nuớc xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, mà sự bảo hộ chủ yếu nhằm vào các quyền tinh thần hơn là các quyền tài sản của những người sáng tạo. Đặc điểm này thể hiện rõ nét ở việc bảo hộ Bằng tác giả sáng chế, một dạng văn bằng bảo hộ không độc quyền đối với sáng chế, văn bằng bảo hộ quyền sở hữu sáng chế của Nhà nước và quyền tác giả của sáng chế. Trên cơ sở văn bằng được cấp, mọi đơm vị kinh tế thuộc thành phần kinh tế nhà nước đều có quyền sử dụng và có nghĩa vụ trả thưởng cho tác giả theo quy định của pháp luật. Tác giả sáng chế chủ yếu hưởng lợi ích về tinh thần (thông qua việc nhà nước công nhận là tác giả sáng chế) và sáng chế được coi như thuộc sở hữu của toàn xã hội. Mặc dù việc bảo hộ SHCN chủ yếu mang tính chất hành chính, tuy nhiên chúng đã thể hiện các định hướng mới:
- Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu của các tổ chức và cá nhân đối với các đối tượng SHCN;
- Có hoạt động cấp bằng độc quyền SC, GPHI, KDCN;
- Khuyến khích các hoạt động sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như chuyển giao công nghệ;
- Chú trọng hơn đến các quan hệ SHCN có yếu tố nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế mà bằng chứng là việc có các quy định cụ thể về quan hệ SHCN có yếu tố nước ngoài như Điều 26 Điều lệ 31/CP ngày 23/1/1981, Khoản 2, Điều 1 Điều lệ về GPHI, khoản 2 Điều 1, Khoản1,3 Điều 3 Điều lệ mua bán li-xăng.
c. Giai đoạn 1989-1996
Đây là giai đoạn chuyển tiếp của chính sách bảo hộ quyền SHCN theo quan điểm phù hợp với nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN ban hành ngày 28/1/1989 được công bố theo Lệnh số 13LCT/HDNH8 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngày 11/2/1989 là văn bản pháp luật về SHCN có hiệu lực pháp lý cao nhất tính đến thời điểm đó.
Điều 60 Hiến pháp 1992 cũng chính là cơ sở Hiến pháp của việc bảo hộ quyền SHTT và SHCN.
Ngoài Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nêu trên, chúng ta đã ban hành khá nhiều các văn bản pháp lý quan trọng khác có liên quan đến các hoạt động SHCN như:
- Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989
- Thông tư số 03/NCPN ngày 22/7/1989 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử một số tranh chấp về quyền SHCN.
- Nghị định số 84/HĐBT ngày 20/3/1990 của HĐBT về việc sửa đổi Nghị định 31/CP, Điều lệ về NHHH, điều lệ về KDCN, Điều lệ về GPHI nhằm thi hành pháp luật về bảo hộ quyền SHCN.
- Nghị định số 140/HĐBT ngày 25/4/1991 của HĐBT về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995
Ban hành kèm theo các văn bản này còn có nhiều thông tư, thông tư liên bộ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành các văn bản nêu trên, Ngoài ra, Cục Sáng chế cũng ban hành nhiều qui định, qui chế có liên quan đến lĩnh vực hoạt động SHCN như qui định số 545,546 ngày 26/11/1991 của Cục Sáng chế về hình thứcvà nội dung đơn yêu cầu bảo hộ SC, GPHI, KDCN, Qui chế xét ngiệm KDCN số 391/XNKD ngày10/10/1992 của Cục Sáng chế; Qui chế xét nghiệm NHHH số 191/QCXN ngày 6/4/1994 của Cục SHCN Việt Nam
Trong giai đoạn này và trở về trước, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam đã ban hành trên dưới 50 văn bản pháp lý qui định đối tượng cụ thể, đầy đủ và toàn diện về phạm vi, nội dung quyền SHCN, trình tự và thủ tục xác lập và bảo hộ quyền SHCN tại Việt Nam. Các văn bản nay đã hình thành hệ thống pháp luật về SHCN tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ ở Việt Nam. Chúng thể hiện được định hướng mới của pháp luật trong bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Pháp luật giai đoạn này đã công nhận và bảo hộ quyền SHCN của cá nhân, tổ chức như là một quyền tài sản và cho phép tự do khai thác, chuyển giao quyền SHCN, coi đây như là một đối tượng của giao dịch dân sự.