2. Vai trò của SHCN trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, kinh nghiệm của một số quốc gia về bảo hộ SHCN
2.1 Bảo hộ SHCN trong việc phát triển kinh tế
Bản thân tài sản SHTT (bao gồm cả SHCN) mang một giá trị rất lớn. Bảng dưới đây cho thấy giá trị tri thức ở một số công ty lớn (tính theo tỷ USD) [34]:
Giá trị trên giấy Giá trị trên thị trường Vốn tri thức (bao gồm tài sản SHTT) Merck 12,6 139,9 48,0 Bristol-Myers Squibb 7,2 107 30,5
Johnson & Johnson 12,4 92,9 29,7
DuPont 11,3 87,0 26,4
Dow Chemical 7,7 21,8 10,2
Từ bảng trên, có thể thấy rằng giá trị của một doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ cao, ngày càng ít nằm trong các tài sản vật chất hay tài chính thể hiện trên các bản quyết toán, mà nằm trong số những tài sản vô hình: tên tuổi, bằng sáng chế, nhãn hiệu, phần mềm, chương trình nghiên cứu, sáng kiến, v.v. các tài sản vô hình này nhiều khi lại quyết định thành bại của một doanh nghiệp. Theo lời Chủ tịch tập đoàn Microsoft, Bill Gate, (Tạp chí Chiến lược Thương mại của Trường Thương mại London - số tháng 8/1999) thì “Những tài sản cơ bản đầu tiên của chúng tôi là phần mềm và kỹ năng phát triển phần mềm không hề xuất hiện trên bản quyết toán. Điều nay chẳng sáng tỏ lắm xét từ góc độ kế toán thuần tuý” [34]. Như vậy, là một đối tượng tài sản, quyền SHCN phải là một đối tượng bảo hộ của pháp luật.
Nhưng việc bảo hộ SHCN sẽ mang lại cho xã hội những lợi ích gì ? Xét từ góc độ kinh tế, các nhà kinh tế thường đo tình trạng phát triển kinh tế của một quốc gia bằng GDP tính theo đầu người: tổng sản phẩm quốc nội chia cho toàn bộ dân số. Nó thường gọi là thu nhập tính theo đầu người. Thu nhập trên đầu người thấp là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của việc chậm phát triển và việc nâng cao thu nhập trên đầu người là một trong những ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng đây chỉ là một tiêu chí đánh giá rất sơ khai vì nó đã bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng khác, như việc phân bổ thu nhập, sức mua thực của thu nhập hay tình trạng ô nhiẽm môi trường do sản xuất gây ra, v.v. Việc tăng năng suất (sản phẩm đầu ra tính trên một đơn vị đầu vào) chính là một thước đo tiến bộ kinh tế chính xác hơn và cũng là biện pháp nâng cao thu nhập trên đầu người. Cải tiến kỹ thuật hiện nay được coi là yếu tố quan trọng nhất đối với việc nâng cao năng suất lao động và sử dụng hiệu quả hơn lao động, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên [10, 52]. Năng suất tăng lên sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và giải phóng các nguồn lực để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Để có tiến bộ về kinh tế đòi hỏi phải liên tục đưa ra sáng kiến và sản phẩm mới và đó chính là kết quả của các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy chỉ khi các quốc gia có những bảo đảm về luật pháp và bảo hộ cho các quyền SHCN thì mới khuyến khích được sự sáng tạo. Đó chính là vai trò quan trọng nhất của việc bảo hộ SHCN nói riêng và bảo hộ SHTT nói chung.
Rõ ràng là công việc nghiên cứu và sáng tạo sẽ không thể dừng lại khi vắng mặt các quyền SHTT. Tuy nhiên, tốc độ tiến triển có thể bị giảm xuống rất nhanh chóng. Rất không thực tế khi cho rằng nhà nước có thể bao cấp để cải thiện sự thiếu
hụt các quyền SHTT. Hình ảnh một công ty dược chỉ đưa ra các loại thuốc chữa trị cho sinh mệnh con người khi có lợi nhuận thật đáng ghê tởm. Tuy nhiên đó lại là một thực tế rất khắc nghiệt rằng rất ít người lao động từ thiện và nếu không có yếu tố khuyến khích lợi nhuận thì không thể làm ra thuốc được. Tương tự như vậy, thử tưởng tượng tại sao một công ty lại phải bỏ ra hàng triệu đô la để phát triển và khuếch trương một kiểu ôtô mới nếu như bất kỳ ai cũng có thể sao chép nó. Sự tư lợi này thực sự có thể chứng minh được khi nó có một ảnh hưởng về mặt lợi nhuận đối với xã hội. Như là một ý kiến chung, tại các nước công nghiệp phát triển, SHTT nói chung và SHCN nói riêng đã phát triển tới mức hiện nay nó được coi là một bộ phận không thể thay thế được của cơ sở hạ tầng kinh tế. Việc liên tục đầu tư và phát triển thành công các nỗ lực sáng tạo có giá trị về mặt kinh tế đã tự chứng minh cho việc bảo hộ sự đầu tư đó.
Chúng ta có thể nhìn vào những thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ II để xem xét những ví dụ về thành công và thất bại của một số quốc gia. Năm 1950, nền kinh tế của Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Singapore có cùng mức độ phát triển hoặc thậm chí kém hơn so với mức độ phát triển của các quốc gia khác ở châu Á và châu Phi, những nền kinh tế này vừa thoát khỏi chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, ngày nay có một sự khác biệt hoàn toàn về sức mạnh kinh tế của những quốc gia này và các nước đang phát triển khác. Các công ty của Hàn Quốc hiện đang xây những nhà máy bán dẫn tại Anh, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng máy tính cá nhân và Internet cao nhất thế giới. Malaysia đang xây dựng một “xa lộ thông tin” ở một mức độ nhất định cho khu vực công nghệ cao của nước này. Điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa nền kinh tế của các nước này và nền kinh tế của các nước khác. Câu trả lời có lẽ một phần là do các nước này đã có một con số cao hơn hẳn về hồ sơ các bằng sáng chế từ các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, và Châu Âu
[40]. Các quốc gia này không chỉ có những hệ thống SHTT đang vận hành tốt để hỗ trợ cho sự phát triển của sự sáng tạo trong nước mà còn sử dụng một cách hữu hiệu các hệ thống pháp luật để có được những công nghệ tiên tiến cần thiết để đuổi kịp các quốc gia phát triển nhất thế giới thông qua những thoả thuận li-xăng và chuyển giao công nghệ.
Tài sản SHCN nói riêng và SHTT nói chung có những đóng góp rất to lớn cho xã hội. Việc bảo hộ SHCN đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội mà cụ thể là:
- Khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo trí tuệ của con người, tạo điều kiện thuận lợi để chủ sở hữu hoặc người được phép của chủ sở hữu có
điều kiện sử dụng, khai thác các lợi ích trực tiếp hoặc lợi ích thương mại từ các đối tượng SHCN.
- Khuyến khích việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển về văn hoá, khoa học kỹ thuật đồng thời tăng cường sự giao lưu văn hoá giữa các nước.
- Tạo điều kiện thu hút các hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm có được các công nghệ cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội
- Tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh thông qua đó góp phần tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh để thu hút các luồng vốn đầu tư, kể cả dầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
- Tạo ra những tiến bộ cho y tế, công nghiệp, nông nghiệp, sức khoẻ và an toàn công cộng.
Nói tóm lại, trong một thế giới mà nhà triết học Pháp Proudhon cho rằng mọi tài sản đều có thể bị ăn cắp thì việc phát triển của kinh tế ngày càng làm tăng thêm nhu cầu bảo hộ tài sản SHTT nói chung và SHCN nói riêng [33]. Ngày nay, SHCN chính là một sự thoả hiệp giữa các giới cạnh tranh với nhau, giữa nhu cầu của xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng với nhu cầu của nhà sản xuất. Một điều rõ ràng là khi đất nước phát triển và các công dân của họ ngày càng trở nên có trình độ hơn thì SHCN sẽ là một hoạt động ngày càng quan trọng. Việc thiếu hoặc bảo hộ không hiệu quả các đối tượng SHCN sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới việc phát triển công nghệ và thương mại của đất nước cũng như làm giảm thiểu việc thu hút các công nghệ mới, các luồng đầu tư đi vào một nước. Cho nên, việc quản lý hoạt động SHCN một cách hiệu quả là một trong những nhiệm vụ cơ bản mà các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam phải đương đầu và khi có thể được, phải rút ra những bài học cần thiết, tránh những thiếu sót mà các nước khác đã mắc phải, hội nhập vào ngôi nhà chung toàn cầu.
Cũng vì vai trò ngày càng tăng của SHTT, ngày 26/4 hàng năm đã được WIPO và Liên hiệp quốc chọn làm ngày sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tôn vinh tất cả những người sáng tạo và những người góp phần thúc đẩy sáng tạo khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật và kinh doanh.