3. Ảnh hưởng của hội nhập và toàn cầu hoá đến các xu hướng phát triển của bảo hộ SHCN
3.4 Xu hướng khu vực hoá để bảo hộ và thực thi các quyền SHCN
Một hệ quả tất yếu của hai xu hướng quốc tế hoá chế độ bảo hộ quyền SHCN và xu hướng chú trọng việc thực thi các quyền SHCN đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế mang tính khu vực thực hiện nhiệm vụ thực thi một chế độ bảo hộ thống nhất.
Ý tưởng tìm kiếm một sự bảo hộ chung thống nhất đã và đang được hiện thực hoá qua sự xuất hiện một số khu vực các quốc gia trên thế giới thực hiện chế độ bảo hộ chung theo đó văn bằng bảo hộ có hiệu lực trong toàn khu vực. Tính đến nay, đã
có 6 cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực SHCN mang tính khu vực thực hiện hình thức bảo hộ chung này:
- Tổ chức SHTT Châu Phi (OAPI) thành lập năm 1962 gồm 14 nước thành viên là các nước nói tiếng Pháp thuộc Châu Phi. Cơ quan này cấp patent cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Tổ chức SHCN thuộc khu vực châu Phi (ARIPO) thành lập năm 1976 gồm 14 nước thành viên là các nước nói tiếng Anh thuộc châu Phi. Cơ quan này cấp patent cho sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
- Cơ quan Patent Châu Âu (EPO) thành lập năm 1973 gồm các thành viên là các quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu và một số nước khác;
- Cơ quan Nhãn hiệu và Kiểu dáng Châu Âu (OHIM) thành lập năm 1993 gồm 15 nước thành viên là các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu;
- Cơ quan Nhãn hiệu hàng hoá Benelux (BBM) thành lập năm 1962 bao gồm Cơ quan Nhãn hiệu hàng hoá của Bỉ, Hà lan và Lucxambua;
- Cơ quan Kiểu dáng Benelux (BBDM) thành lập năm 1962 bao gồm Cơ quan Nhãn hiệu hàng hoá của Bỉ, Hà lan và Lucxambua;
Việt Nam nằm trong khu vực ASEAN và vấn đề bảo hộ SHTT trong khu vực cũng đã được đặt ra mà bằng chứng là việc ký kết Hiệp định khung về Sở hưũ trí tuệ của tổ chức ASEAN ngày 15/12/1995 tại Bangkok, Thailand giữa 7 nước thành viên lúc đó gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam. Hiệp định này là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng của tổ chức ASEAN, đặt nền móng cho việc bảo hộ SHTT giữa các nước thành viên trong khu vực, theo đúng xu hướng phát triển của pháp luật SHTT.
Như vậy, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, toàn cầu hoá về thương mại và đầu tư thì xu hướng toàn cầu hoá, quốc tế hoá trong lĩnh vực bảo hộ SHCN là một đòi hỏi mang tính tất yếu khách quan. Mọi nỗ lực trong lĩnh vực này của các quốc gia và nhiều tổ chức trên thế giới đang hướng tới mục đích chung đó. Việc tham gia của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng vào các xu hướng chung này, không phụ thuộc vào chế độ chính trị, là một điều kiện trong quá trình hội nhập và phát triển nếu mỗi quốc gia không muốn rơi vào tình trạng tụt hậu.