1.2. Cơ sở pháp luật bán đấu giá trong thi hành án dân sự
1.2.1. Cơ sở lý luận của bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
Theo Từ điển Luật học thì: “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân
cư trong xã hội” [44]. Khi xã hội càng phát triển, các lĩnh vực kinh tế, xã hội,
văn hóa thay đổi thì những quy định pháp luật cần thiết phải điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Tại Việt Nam, sau khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa có sự thay đổi đáng kể, nhiều quan hệ kinh tế, xã hội mới ra đời và cần thiết phải được pháp luật điều chỉnh để duy trì trật tự ổn định chung, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia trong quan hệ này và phù hợp với lợi ích của số đông trong xã hội. Bán đấu giá tài sản trong THADS là một trong số đó.
Pháp luật về bán đấu giá tài sản trong THADS ra đời xuất phát từ những nguyên nhân tất yếu khách quan sau:
Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong bán đấu
giá tài sản THADS.
Bán đấu giá tài sản trong THADS liên quan đến quyền lợi ích của nhiều bên đương sự do vậy cần thiết phải có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh về nghĩa vụ ràng buộc của các bên nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức đấu giá và bảo vệ quyền lợi ích của cả người phải thi hành án, được thi hành án cũng như người mua được tài sản bán đấu giá; đồng thời pháp luật ra đời nhằm dự liệu những biện pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình bán đấu giá tài sản...
Thứ hai, bắt nguồn từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của
Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp.
Với chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp nhằm đảm bảo cho Nhà nước không chỉ có đủ pháp luật để quản lý xã hội mà còn tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trên nhiều lĩnh vực và ngày càng sâu rộng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được đổi mới
về cơ bản với nhiều bộ luật, luật quan trọng được ban hành. Cùng với sự thay đổi về tính chất của các quan hệ xã hội thì bên cạnh việc xây dựng mới các văn bản pháp luật, thường xuyên phải rà soát, tổng kết để sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật đã ban hành để đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ nay đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định rõ:
Hoàn thiện pháp luật nói chung không chỉ tạo lập và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đảm bảo xây dựng một nền hành chính dân chủ, sát dân, sát cơ sở, xóa bỏ mọi thủ tục phiền hà, dành thuận lợi cho dân, đáp ứng mọi yêu cầu, quyền lợi, chính đáng, hợp pháp của dân, của doanh nghiệp [2].
Bên cạnh đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng chỉ rõ những hoạt động cải cách tư pháp, trong đó có xây dựng các chế định bổ trợ tư pháp đủ mạnh, đáp ứng với tình hình,… từng bước xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Mặt dù trong Nghị quyết của Đảng không đề cập cụ thể đến hoạt động bán đấu giá tài sản như các hoạt động bổ trợ khác (luật sư, giám định tư pháp, công chứng, thi hành án, chế định thừa hành viên - thừa phát lại), nhưng hiện nay, một trong những hoạt động bổ trợ rất thường xuyên trong công tác thi hành án và xử lý vi phạm hành chính đó chính là hoạt động bán đấu giá tài sản. Về phương diện Nhà nước có thể nói hoạt động bán đấu giá tài sản không chỉ góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước mà ngay cả hoạt động giải quyết các vụ việc của các cơ quan tư pháp (thi hành án) cũng được nhanh chóng, khách quan, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, xét trên phương diện quyền, lợi ích hợp
pháp của công dân, của các tổ chức, doanh nghiệp cũng được bảo vệ một cách hữu hiệu, đem lại những giá trị lợi ích cao nhất.
Thứ ba, pháp luật về bán đấu giá tài sản trong THADS tạo cơ sở pháp
lý cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.
Như chúng ta đã biết Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện mục tiêu này, pháp luật phải trở thành một công cụ không thể thiếu của Nhà nước. [17, tr.132].
Những quy định của pháp luật có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Điều này có nghĩa là các quy định của pháp luật càng đầy đủ, càng rõ ràng thì hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước càng cao và ngày càng chặt chẽ. Vì vậy muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Nhà nước phải thường xuyên hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong tình hình đó, quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản trong THADS ra đời như một tất yếu.