2.1. Chủ thể bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
2.1.1. Tổ chức bán đấu giá tài sản và Đấu giá viên
Thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hoá, chuyên nghiệp hóa tổ chức bán đấu giá tài sản, Nghị định 17/2010/NĐ-CP xác định rõ các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp gồm có: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Các Trung tâm và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc bán đấu giá các tài sản.
Để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường, Nghị định cũng giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp xây dựng đề án về lộ trình chuyển đổi các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp đối với tỉnh, thành phố có từ 02 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trở lên và trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt (Điều 53).
Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định khá rõ ràng về điều kiện đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Để hoạt động trong lĩnh vực
bán đấu giá tài sản doanh nghiệp phải “có ít nhất một đấu giá viên và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá
viên; có trụ sở, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động bán đấu giá tài sản” [5]. Việc quy định người đại diện theo pháp
luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên nhằm tạo sự bình đẳng giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Ngoài ra, Nghị định quy định bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp về việc thông báo cho Sở Tư pháp sau khi doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh.
Đấu giá viên là người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá. Là chủ thể tham gia quan hệ bán đấu giá tài sản THADS thì đấu giá viên phải làm việc trong tổ chức hành nghề đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản).
Muốn trở thành đấu giá viên, điều kiện đầu tiên là người đó phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc kinh tế và đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề đấu giá tại cơ sở đào tạo nghề đấu giá. Thời gian của khóa đào tạo nghề đấu giá là ba tháng. Trong 03 tháng đó, học viên được đào tạo kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề đấu giá và thực tập tại tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo chương trình Bộ Tư pháp quy định. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp Chứng chỉ đào tạo nghề đấu giá. Khi đăng ký tham gia một tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, họ được Giám đốc Trung tâm, doanh nghiệp cấp thẻ đấu giá viên để sử dụng trong thời gian làm việc tại đó. Cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; người đang
bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Ngoài ra, khi đã được cấp Chứng chỉ đấu giá nhưng người đó không làm việc thường xuyên tại tổ chức bán đấu giá tài sản; không còn hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản hoặc không điều hành cuộc bán đấu giá nào trong vòng một năm, trừ trường hợp có lý do chính đáng sẽ bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá không thời hạn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc nếu họ có hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 13 Nghị định 17/2010/NĐ-CP thì bị tước Chứng chỉ bán đấu giá. Khi phát hiện trường hợp người thuộc diện bị thu hồi chứng chỉ bán đấu giá, chậm nhất 07 ngày làm việc Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ và trong thời hạn 15 ngày (30 ngày với trường hợp phức tạp) Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá. Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thì người bị thu hồi phải nộp lại Chứng chỉ hành nghề [5].
Chấp hành viên đang thực thi nhiệm vụ kê biên, cưỡng chế được trở thành người bán đấu giá tài sản thi hành án vụ án mình đang thụ lý trong một số trường hợp cụ thể như động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc tổ chức bán đấu giá tại địa phương từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản [37]. Có thể hiểu rằng, Chấp hành viên chỉ bán tài sản trong trường hợp tài sản giá trị nhỏ hoặc bán đấu giá trong trường hợp bất khả kháng (không còn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp nào đúng ra thực hiện việc bán đấu giá tài sản). Pháp luật không yêu cầu đội ngũ Chấp hành viên phải đáp ứng điều kiện nào như tham gia học qua lớp đấu giá thì mới được thực hiện bán đấu giá tài sản thi hành án.
Khi tham gia bán đấu giá tài sản THADS, Chấp hành viên cần phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản (niêm yết công khai, trưng bày tài sản, địa điểm bán đấu giá, trình tự tiến hành đấu
giá…) thì mới bảo đảm hiệu lực của việc bán đấu giá. Nếu vi phạm các quy định này, có thể việc bán đấu giá sẽ dẫn đến tranh chấp và bị Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản.