1.3. Sơ lược sự phát triển của pháp luật Việt Nam về bán đấu giá tài sản
1.3.3. Giai đoạn từ năm 1995 đến trước 2005
Ngày 28/10/1995, Bộ luật dân sự (BLDS) được ban hành. Việc bán đấu giá tài sản, tài sản được quy định tại Điểm 3 Mục I Chương II (từ Điều 452 đến Điều 455) của Bộ luật này. Các vấn đề bán đấu giá tài sản như tài sản đấu giá, trình tự thủ tục đấu giá; tổ chức bán đấu giá với động sản, bất động sản v.v...đã được quy định đầy đủ hơn. Để hướng dẫn việc bán đấu giá theo Điều 454 BLDS năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 về quy chế bán đấu giá tài sản. Đây là văn bản pháp luật có tính chất quan trọng đối với việc thành lập các tổ chức bán đấu giá tài sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một tổ chức bán đấu giá tài sản có
nhiệm vụ chủ yếu là bán đấu giá tài sản để thi hành án. Các quy định về mức tiền đặt trước, mức phí trong trường hợp bán đấu giá không thành, căn cứ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản, chuộc lại tài sản, cơ chế ngăn ngừa, xử lý sự liên kết dìm giá hoặc cản trở cuộc bán đấu giá… lần đầu tiên được đề cập đến.
Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh THADS mới thay thế Pháp lệnh THADS năm 1993. Trong Pháp lệnh này cũng có quy định về việc giao tài sản bán đấu giá để thi hành án cho Trung tâm để tổ chức bán đấu giá. Theo đó thì đối với tài sản kê biên là bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất hoặc động sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày định giá, Cơ quan thi hành án phải làm thủ tục ký hợp đồng uỷ quyền cho tổ chức bán đấu giá để bán tài sản. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá được quyền thu phí dịch vụ từ khoản tiền do Chấp hành viên trích từ khoản thu được từ việc bán đấu giá. Mức phí được tính 50.000 đồng đối với tài sản bán được có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống, 5% giá trị của tài sản từ 1.000.000 đến 100.000.000; 20.000.000 cộng với 2% phần giá trị tài sản bán được vượt quá 1.000.000.000 nếu tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 trở lên nếu việc bán đấu giá thành công. Trong trường hợp bán không thành thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không được thu lệ phí và phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản. Các văn bản cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm chuyển quyền sở hữu tài sản bán đấu giá thành trong thời hạn 15 ngày đối với động sản và 30 ngày đối với bất động sản…
Tính đến hết năm 2004, theo số liệu của Bộ Tư pháp, cả nước có 48 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản ở 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập theo quy định của Nghị
định số 86/CP và giao cho Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Ngoài các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, có 4 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và Nghị định 86/CP (02 doanh nghiệp ở Hà Nội và 02 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhìn chung, hoạt động bán đấu giá tài sản ở đa số các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã ổn định và có hiệu quả. Các loại tài sản qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá chủ yếu là tài sản thi hành án, tài sản cầm cố thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Việc bán đấu giá đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy công tác thi hành án, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.