Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản chỉ quy định tài sản thi hành án là một trong sáu nhóm đối tượng được bán đấu giá tài sản chứ không có liệt kê cụ thể các tài sản nào được bán đấu giá, tài sản nào không dùng bán đấu giá và hạn chế dùng bán đấu giá. Luật THADS cũng không quy định cụ thể loại tài sản nào dùng để bán đấu giá thi hành án. Tuy nhiên, căn cứ quy định của BLDS và Luật THADS có thể hiểu rằng: Đối tượng đấu giá tài sản thi hành án chính là tài sản bị kê biên, cưỡng chế thi hành án. Tài sản đó có thể là vật hữu hình (có thể dùng giác quan nhận biết được hoặc dùng đơn vị cân đo đong đếm được) và trị giá được bằng tiền, có thể trở thành tài sản trao đổi trên thị trường. Đó có thể là động sản (phương tiện giao thông, đồ đạc khác…) hoặc bất động sản (đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai và các tài sản khác gắn liền với đất đai) hoặc quyền sở hữu trí tuệ có giá trị ít nhất từ 2.000.000 đồng trở lên.
Quy định các loại tài sản không được bán đấu giá hoặc đấu giá hạn chế thì tản mát trong các luật chuyên ngành như các loại ma túy theo quy định của Luật phòng chống ma túy năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2008; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008…
Sau khi có đơn yêu cầu thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế
của địa phương, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản, Chấp hành viên sẽ phải lựa chọn loại tài sản dùng để cưỡng chế thi hành án. Tài sản đó phải có giá trị tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án. Ngoài ra, đối với những tài sản đã bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình nhưng xác định được thời điểm chuyển nhượng, tặng cho… là thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên, xử lý tài sản để thi hành án.
Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó. Trong trường hợp các bên đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ thì Chấp hành viên có quyền ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Nếu việc ký hợp đồng dịch vụ như trên cũng không thực hiện được thì sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan Chấp hành viên được tự xác định giá của tài sản kê biên. Đối với tài sản
kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc tại thời điểm xác định giá, sản phẩm cùng loại chưa qua sử dụng có giá bán trên thị trường không quá 2.000.000 đồng Chấp hành viên cũng được xác định giá trị tài sản dùng để bán không qua thủ tục đấu giá.
Tài sản được mang ra bán đấu giá thi hành án nhưng trong trường hợp sau hai lần niêm yết, thông báo công khai theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản mà không có người tham gia đấu giá, trả giá thì Chấp hành viên phải thông báo cho đương sự biết về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá. Nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá tối đa không quá 10% giá trị tài sản để tiếp tục đưa ra bán đấu giá.