1.3. Sơ lược sự phát triển của pháp luật Việt Nam về bán đấu giá tài sản
1.3.4. Giai đoạn từ 2005 đến nay
Trong tình hình trên, ngày 18/01/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP để thay thế Nghị định 86/CP. Có thể nói Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay sau khi Nghị định 05/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 34/2005/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà để bán đấu giá. Ngoài các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Công văn hướng dẫn, các tỉnh còn có Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, Quy chế bán đấu giá nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Tình hình tổ chức thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP cho thấy việc thành lập doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đã tăng lên nhanh chóng. Trước thời điểm Nghị định 05/2005/NĐ-CP có hiệu lực trong cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thì trong năm 2005 đã có thêm 43 doanh nghiệp có
chức năng kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản (chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Việc cũng cố, kiện toàn các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được chú ý hơn.
Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã ban hành BLDS năm 2005 thay thế BLDS năm 1995. Bộ luật này đã dành 04 điều (Từ Điều 456 đến Điều 459) quy định việc bán đấu giá tài sản như một phương thức giao dịch, buôn bán trong dân sự. Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý muốn của chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định.
Năm 2008, Nhà nước ban hành Luật THADS có những quy định đặc thù về bán đấu giá tài sản thi hành án như quy định phân định cụ thể về loại tài sản do tổ chức bán đấu giá và do Chấp hành viên thực hiện; những trường hợp hủy kết quả bán đấu giá, giao tài sản bán đấu giá, xử lý trường hợp bán đấu giá không thành. Riêng trình tự, thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Ngày 04/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP để điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản phù hợp với điều kiện tình hình mới. Với 6 chương, 57 điều Nghị định đã quy định toàn diện về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá, đấu giá viên và quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản, nguyên tắc xử lý vi phạm đối với các hành vi của cá nhân, tổ chức liên quan đến tổ chức, hoạt động bán đấu giá…Ngay sau khi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Thông tư số 03/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 về hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá, phí tham gia đấu
giá và lệ phí cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản và Thông tư số 48/2012/TT-BTC ngày 16/3/2012 hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Với việc ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các Thông tư đã nêu thì các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản THADS đã được hoàn thiện hơn, góp phần hạn chế những sai sót, khiếu nại, tố cáo phát sinh từ việc bán đấu giá tài sản trong THADS.
Kết luận Chương 1
Bán đấu giá tài sản là một công đoạn trong quá trình thực hiện cưỡng chế THADS nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ trả tiền trong THADS. Khác với bán đấu giá thông thường, bán đấu giá tài sản thi hành án có nhiều bên có quyền và nghĩa vụ liên quan và người sở hữu tài sản thường không tự nguyện mang tài sản đến cuộc bán đấu giá nên đòi hỏi trình tự, thủ tục quy định hết sức chặt chẽ, các bên phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc bán tài sản. Tài sản thường có giá trị ít nhất bằng hoặc cao hơn giá trị thi hành của bản án, quyết định. Việc bán đấu giá chủ yếu được thực hiện bằng hình thức công khai, trả giá lên.
Với ý nghĩa là một biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm thi hành án dân sự; đảm bảo quyền lợi của các bên; bán đấu giá cũng góp phần hoàn thiện thủ tục THADS. Sau khi Việt Nam thực hiện đổi mới toàn diện năm 1986, với tính ưu việt của mình, bán đấu giá tài sản nhanh chóng được nhìn nhận là phương pháp chủ yếu trong bán đấu giá tài sản đã kê biên để thực hiện THADS.
Quá trình phát triển quy định bán đấu giá tài sản trong THADS từ giai đoạn 1945 đến nay trải qua 04 giai đoạn. Từ chưa có quy định cụ thể đến một số quy định bước đầu và đến nay là những quy định mang tính toàn diện và hệ
thống về bán đấu giá tài sản trong THADS. Đặc biệt giai đoạn từ 1986 đến nay, bán đấu giá tài sản trong THADS đang từng bước được hoàn thiện và nhận được sự quan tâm rất lớn từ Đảng và Nhà nước. Các văn bản pháp luật quan trọng ra đời điều chỉnh về quan hệ bán đấu giá tài sản trong THADS như BLDS năm 1995, BLDS năm 2005; Pháp lệnh THADS năm 1993, Pháp lệnh THADS năm 2004, Luật THADS; Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP…
Chương 2
NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ