2.1. Chủ thể bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
2.1.3. Người tham gia đấu giá tài sản
Người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, nhu cầu tham gia đấu giá. Những người này phải đáp ứng yêu cầu về năng lực hành vi
dân sự chung theo quy định của BLDS năm 2005. Một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, không có năng lực hành vi dân sự hoặc những người chưa đủ năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định từ Điều 19 đến Điều 23 BLDS năm 2005 hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (Khoản 1 Điều 30 Nghị định 17/2010/NĐ-CP) mà tự mình tham gia giao dịch dân sự nói chung và giao dịch bán đấu giá tài sản trong THADS nói riêng thì giao dịch của họ không có giá trị. Tuy nhiên, nếu họ có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật thay mặt họ thực hiện giao dịch bán đấu giá tài sản thì việc mua bán vẫn có hiệu lực.
Đối với pháp nhân việc tham gia giao dịch đấu giá phải thông qua người đại diện hợp pháp hoặc người đại diện theo pháp luật và việc mua bán tài sản này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của pháp nhân theo quy định của BLDS năm 2005.
Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp người tham gia đấu giá tài sản là người mua được tài sản bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu người đăng ký tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó hoặc Chấp hành viên đang trực tiếp thực hiện vụ việc có tài sản được bán đấu giá cùng cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó thì không được quyền tham gia mua tài sản bán đấu giá vì việc tham gia của họ không đảm bảo tính khách quan, trung thực, bình đẳng cho phiên đấu giá, cho lợi ích của chủ sở hữu tài sản và những người tham gia đấu giá khác.
Quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ bản án, quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì Chấp hành viên, cơ quan THADS chịu trách nhiệm bồi thường tất cả những thiệt hại đã xảy ra còn tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá.