1.3. Sơ lược sự phát triển của pháp luật Việt Nam về bán đấu giá tài sản
1.3.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước 1975
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả dân tộc lại phải đứng lên dốc sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài 9 năm. Với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, hoà bình được lập lại nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc bắt đầu thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Từ năm 1958, miền Bắc thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa về kinh tế, hình thành mô hình phát triển kinh tế tập trung và công hữu hoá tư liệu sản xuất, kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân từ trung ương. Do vậy, trong thời kỳ này các quan hệ kinh tế ít được chú trọng. Việc mua bán tài sản không phát triển do đó bán đấu giá tài sản không được thực hiện tại miền Bắc.
Tại miền Nam, dưới chế độ của Việt Nam cộng hòa, ngày 20/12/1972 có ban hành Sắc luật số 029-TT/SLU về Bộ luật thương mại. Tiếp đó là Bộ luật Dân sự và Thương sự tố tụng có điều chỉnh về vấn đề bán đấu giá tài sản. Trong đó Bộ luật thương mại có quy định nội dung liên quan đến việc phát mại cửa hàng thương mại, sai áp và phát mại tàu biển, việc đấu giá bất động sản. Bộ luật Dân sự và Thương sự tố tụng quy định đến trình tự, thủ tục việc bán đấu giá các tài sản nêu trên. Tuy nhiên, những quy định này chỉ nằm một cách rải rác, chưa có tính hệ thống. Thủ tục đấu giá cũng chưa quy định chặt chẽ, đầy đủ mà chỉ dừng lại ở những bước sơ khai, ban đầu.