Người có tài sản bán đấu giá và người sở hữu tài sản bán đấu giá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự theo pháp luật việt nam (Trang 45 - 46)

2.1. Chủ thể bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự

2.1.2. Người có tài sản bán đấu giá và người sở hữu tài sản bán đấu giá

Người có tài sản bán đấu giá trong THADS, khác với người có tài sản bán đấu giá thông thường. Người có tài sản bán đấu giá trong THADS không phải là chủ sở hữu tài sản hoặc được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản. Người có tài sản bán đấu giá là Chấp hành viên, cơ quan THADS. Chấp hành viên là chức danh do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp. Khi Chấp hành viên được giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực và quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là vật thì họ trở thành người có tài sản bán đấu giá trong quan hệ bán đấu giá tài sản THADS và do vậy, họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ giống như chủ sở hữu tài sản trong đấu giá tài sản thông thường.

Sau khi kê biên tài sản, Chấp hành viên có quyền ký hợp đồng thẩm định giá trị tài sản với tổ chức thẩm định giá nếu hai bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá trị tài sản và tổ chức định giá. Trên cơ sở giá trị tài sản đã được định giá, Chấp hành viên ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá. Chấp hành viên có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản đấu giá, thỏa thuận về mức phí khấu trừ cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp trong trường hợp bán đấu giá thành và trong trường hợp bán đấu giá không thành thì thay mặt cơ quan thi hành án có trách nhiệm thanh toán chi phí bán đấu giá tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Trường hợp bán đấu giá thành, Chấp hành viên, cơ quan THADS được nhận lại số tiền bán tài sản và dùng số tiền này để thi hành đúng theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.

Người sở hữu tài sản bán đấu giá trong THADS tham gia với vai trò bị động trong quan hệ bán đấu giá tài sản (họ không muốn bán tài sản nhưng vẫn phải bán, quyền quyết định thuộc về Chấp hành viên của cơ quan THADS theo quy định của pháp luật), người sở hữu tài sản tuy không phải là một bên trong hợp đồng bán đấu giá tài sản nhưng việc bán đấu giá ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Người sở hữu tài sản thường là người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp họ chỉ là người có tài sản chung với người phải thi hành án mà tài sản đó đang bị dùng để cưỡng chế THADS.

Pháp luật dành cho họ quyền thỏa thuận với người được thi hành án trong việc quyết định tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá. Do có quyền lợi trực tiếp, liên quan nên người này được quyền biết tất cả những thông tin về cuộc bán đấu giá. Nếu có vấn đề phát sinh trong cuộc đấu giá ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, họ có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy kết quả đấu giá. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, họ còn có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Họ có quyền nhận lại số tiền thừa từ việc bán đấu giá tài sản sau khi đã thanh toán các chi phí (chi phí thi hành án, chi phí đấu giá…) theo quy định của pháp luật.

Người sở hữu tài sản phải bàn giao tài sản cùng tất cả các giấy tờ có liên quan cho người mua được tài sản đấu giá nếu cuộc bán đấu giá thành công. Nếu không bàn giao thì họ bị áp dụng thủ tục cưỡng chế giao tài sản theo quy định tại các điều 114, 115, 116 và 117 của Luật THADS.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự theo pháp luật việt nam (Trang 45 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)