1.2. Cơ sở pháp luật bán đấu giá trong thi hành án dân sự
1.2.2. Cơ sở thực tiễn của bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
Trong lịch sử THADS, việc Chấp hành viên cưỡng chế tài sản là vật diễn ra khá phổ biến và có thể được coi là biện pháp nghiệp vụ chủ yếu. Hiệu quả của việc thi hành án chỉ đạt được khi tài sản bị kê biên, cưỡng chế bán được thành công. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động bán tài sản trong THADS cho thấy, nếu để Chấp hành viên tự bán tài sản kê biên, cưỡng chế như thông thường thì sẽ dẫn đến một số hậu quả tiêu cực.
Thứ nhất, khó bán được những tài sản có giá trị lớn. Do cơ quan
thông báo mua bán tài sản THADS khó có thể công khai rộng rãi cho nhiều người biết, nhất là những người có tỉnh, thành phố khác. Đối với những tài sản có giá trị lớn, không phải người dân nào ở địa phương đó cũng có đủ tiền để mua, do đó sẽ có những tài sản không thể bán được.
Thứ hai, không đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan trong quan hệ
mua bán tài sản thi hành án. Do Chấp hành viên thường chỉ quan tâm đến việc bán được tài sản mà không quan tâm đến giá của tài sản bán được. Vì vậy, có trường hợp tài sản được bán không đúng với giá trị thực của nó và cũng không có cơ sở đối chiếu, kiểm chứng.
Thứ ba, Chấp hành viên là người vừa kê biên cưỡng chế, vừa là người
bán tài sản, dễ dẫn đến sự lạm quyền khi thi hành công vụ. Chấp hành viên thích kê biên tài sản nào thì kê biên, thích bán như thế nào thì tùy. Không kể đến việc Chấp hành viên thông đồng với người mua tài sản để bán với giá rẻ nhất để vụ lợi hoặc tìm cách để không bán được tài sản nếu cấu kết với người phải thi hành án. Và cho dù như thế nào, thì quyền lợi của những người tham gia trong quan hệ thi hành án và mua bán tài sản THADS cũng không được bảo đảm; đạo đức công vụ của Chấp hành viên cũng dễ bị ảnh hưởng.
Với tính chất công khai, đại chúng, khách quan của mình, bán đấu giá hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm của bán tài sản theo cách thông thường trong THADS. Thông qua biện pháp bán đấu giá sẽ bảo đảm tài sản của người thi hành án được bán với giá cao nhất, tránh được tình trạng dìm giá, trục lợi. Cùng với đó, bản án được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật góp phần bảo vệ trật tự, kỷ cương của xã hội.
Do đó, sau khi Việt Nam thực hiện đổi mới toàn diện năm 1986, với tính ưu việt của mình, bán đấu giá tài sản nhanh chóng được nhìn nhận là phương pháp chủ yếu trong việc bán tài sản đã kê biên để THADS. Pháp lệnh
THADS năm 1989 ra đời với một số quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên và một điều quy định riêng về bán đấu giá nhà. Sau đó được tiếp tục kế thừa quy định trong BLDS, Luật THADS và đến nay thủ tục bán đấu giá tài sản đã cụ thể hơn trong Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ. Từ những quy định ban sơ đầu tiên đến nay hành lang pháp lý để điều chỉnh quan hệ phát sinh trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản THADS khá đầy đủ.
Nội dung của pháp luật bán đấu giá tài sản trong THADS bao gồm các nhóm quy phạm sau đây:
- Nhóm quy phạm điều chỉnh về tài sản bán đấu giá và trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án, bao gồm các quy phạm pháp luật quy định các loại tài sản bán đấu giá và thủ tục bán đấu giá tài sản.
- Nhóm quy phạm điều chỉnh về chủ thể bán đấu giá (người bán đấu giá). Nhóm quan hệ này là tổng hợp các quy phạm pháp luật xác định tổ chức thực hiện bán đấu giá; quyền và nghĩa vụ của tổ chức bán đấu giá; quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên.
- Nhóm quy phạm điều chỉnh về quản lý nhà nước đối với bán đấu giá tài sản. Nhóm quan hệ này gồm tổng hợp các quan hệ pháp luật xác định quyền hạn, nhiệm vụ, nội dung quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.
Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản trong THADS trong những năm qua cho thấy việc bán đấu giá tài sản trong THADS có nhiều ưu điểm, giúp cho cơ quan THADS bán được tất cả các tài sản, bán tài sản với giá cao nhất và tránh được sự lạm quyền, tiêu cực trong bán tài sản THADS. Vì vậy, chỉ có thể bán đấu giá tài sản THADS thì mới
khắc phục được những hạn chế nêu trên và mới bảo đảm được quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án.