Việc ký kết Hợp đồng tín dụng khi cho vay Hộ Gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng vay tiền của hộ gia đình tại ngân hàng thương mại 03 (Trang 55 - 61)

Trong quan hệ vay vốn với ngân hàng, chỉ các HGĐ có tài sản chung, có hoạt động kinh tế chung mới được phép giao dịch để vay vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định.

Việc phân biệt giao dịch dân sự do Chủ hộ với tư cách là đại diện của HGĐ xác lập, với giao dịch dịch dân sự do Chủ hộ tham gia với tư cách là cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xác định là trách nhiệm của HGĐ hay trách nhiệm cá nhân.

Theo Điều 110 Bộ luật Dân sự, Chủ hộ là người đại diện cho HGĐ xác lập, thực hiện quan hệ dân sự nhân danh HGĐ sẽ phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự cho cả hộ. HGĐ phải chịu trách nhiệm thực hiện những quyền và nghĩa vụ dân sự đó bằng tài sản chung của hộ, nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Nếu chủ hộ tham gia quan hệ dân sự với tư cách cá nhân thì sẽ chỉ cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, rất khó để phân định rạch ròi trách nhiệm của chủ hộ với tư cách là cá nhân, và trách nhiệm của HGĐ do chủ hộ xác lập nhân danh HGĐ. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ.

Ví dụ: Hộ kinh doanh cá thể Hương Thịnh(Bắc Giang) có quan hệ vay vốn với BIDV Bắc Giang từ năm 2004 theo 09 Hợp đồng tín dụng theo món. Trong số 09 món vay của khách hàng tại BIDV thì có 01 món vay của bà Nguyễn Thu Hương với số tiền là 1,2 tỷ đồng và mục đích vay mua nhà. Tuy nhiên, số tiền vay được bà Hương đã chuyển sang Cộng hòa Séc cho con riêng của bà. Hợp đồng tín dụng này chỉ có chữ ký của Hương (chồng bà Hương thời điểm đó là nhân viên của Tập đoàn Viettel đang đi công tác 2 năm tại Lào). Đến tháng 08/2011, HGĐ này không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Toàn bộ số nợ (nợ gốc, lãi, phí phạt) của HKD tại Ngân hàng đến ngày 03/12/2014 là khoảng 12 tỷ đồng (bao gồm khoản vay VNĐ và USD), trong đó: Nợ gốc (quy đổi cả khoản vay USD) là 10,2 tỷ đồng.

Do khách hàng không có nguồn trả nợ vay nên Ngân hàng đã khởi kiện vụ án ra TAND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để thu hồi nợ. Bản án sơ thẩm ngày 15/12/2014 của TAND huyện Việt Yên tuyên vợ chồng bà Hương có trách nhiệm trả nợ cho BIDV Bắc Gianglà 9 tỷ đồng tiền gốc và lãi phát sinh theo 08 Hợp đồng tín dụng đã ký giữa HGĐ bà và Ngân hàng. Cá nhân Bà Hương có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng 1,2 tỷ đồng theo Hợp đồng tín dụng giữa ngân

hàng và cá nhân bà Hương. HĐXX đã xác định Hợp đồng tín dụng bà Hương vay 1,2 tỷ đồng là khoản vay cá nhân của bà Hương, chồng bà và các thành viên trong Hộ không phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới đối với khoản vay trên.

Do có những đặc trưng riêng, nên nội dung của hợp đồng vay tiền của HGĐ tại NHTM ngoài những quy định chung tại BLDS, còn có những điều khoản cụ thể về điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, giá trị tài sản và phương thức trả nợ (bao gồm nợ gốc và nợ lãi). Các quy định trên đã được các NHTM ghi nhận rất cụ thể trong các mẫu hợp đồng. Một mặt, để các bên hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, mặt khác, để xác định cụ thể trách nhiệm của người vay. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, NHTM và các HGĐ vay vốn có thể cam kết, thoả thuận cụ thể khác miễn là “không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội”.

Quan hệ nghĩa vụ của HGĐ với ngân hàng là quan hệ của một người có quyền và nhiều người có nghĩa vụ, người có nghĩa vụ ở đây chính là các thành viên của HGĐ. HGĐ khi hội tụ đầy đủ những yếu tố quy định sẽ được vay vốn của NHTM để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ. Khi đó sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của cả HGĐ, được quy định tại Điều 290, Điều 474, Điều 475, BLDS: nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Pháp luật không có quy định về cách thức trả lãi, đặc biệt là về kỳ hạn thanh toán tiền lãi. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ấn định lãi suất theo tháng. Do vậy, kỳ hạn thanh toán lãi sẽ do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận cụ thể thì lãi được thanh toán mỗi tháng. Theo tập quán giao dịch tại ngân hàng thì nếu người vay trả cho người cho vay một số tiền và không xác định rõ ý nghĩa của việc trả tiền, thì số tiền đó coi như được dùng để thanh toán lãi.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về chế tài trong trường hợp người vay không trả lãi đúng hạn. Bởi vậy, nếu có thoả thuận về việc người cho vay được quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng trong trường hợp người vay không trả lãi đúng hạn, thì người cho vay có thể sử dụng quyền đó (ví dụ: nợ được đảm bảo bằng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có ghi trong hợp đồng, thì bên cho vay có quyền sử dụng các biện pháp đó); nếu không có thoả thuận thì người cho vay có quyền yêu cầu cưỡng chế việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nếu người vay không trả tiền lãi và người cho vay cũng không đòi, không nhắc nhở, thì tiền lãi được tích luỹ cho đến thời hạn trả nợ gốc và sau đó nhập vào nợ gốc để làm căn cứ tính lãi suất nợ quá hạn.

Vấn đề áp dụng lãi suất nợ quá hạn thực tế tại các ngân hàng thương mại đang có nhiều cách vận dụng khác nhau. Theo quy định về Quy chế cho vay của BIDV năm 2013, BIDV sẽ xác định lãi suất trong từng HĐTD cụ thể trong từng thời kỳ. Đối với khoản phí phạt chậm trả lãi quá hạn được áp dụng theo mức thu phí của BIDV trong từng thời kỳ phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, để cạnh tranh thu hút khách hàng với các ngân hàng lớn, chính sách lãi suất cho vay thường thấp hơn các ngân hàng lớn, trong khi đó ngoài việc thỏa thuận lãi suất quá hạn đối với nợ gốc là 150% lãi suất cho vay, trong HĐTD ký với khách hàng, ngân hàng còn áp dụng mức phạt là 5%/tháng/số tiền lãi chậm trả đối với số lãi quá hạn không phù hợp theo quy định của BLDS và Luật Thương mại hiện hành.

“…Theo quy định tại mục 3.3 của HĐTD trung dài hạn ký ngày 30/7/2011 giữa MHB Lào Cai trước đây và Hộ gia đình bà Vũ Hải Anh thì ngoài việc thỏa thuận lãi suất quá hạn đối với nợ gốc là 150% lãi suất cho vay, các bên

còn thỏa thuận áp dụng mức phạt là 5%/tháng/số tiền lãi chậm trả đối với số lãi quá hạn. Việc thỏa thuận điều khoản này không đúng quy định của Hội sở chính MHB tại Khoản 9, Điều 3 Quyết định số 74/QĐ-NHN ngày 21/12/2009 ban hành Quy chế tín dụng đối với khách hàng (quy định tối đa 5%/Số tiền lãi chậm trả). Tiếp theo đó, đến ngày 15/04/2013, Hội sở chính MHB đã có văn bản số 982/NHN-SME&BL tạm ngừng thu loại phí này.

Quy định này không phù hợp với quy định tại Điều 476 quy định về lãi suất của BLDS 2005 (lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng). Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại, mức phạt đối với vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Như vậy, đây là điều khoản phạt vi phạm, không thể coi là lãi suất vay, việc thỏa thuận mức phạt 5%/tháng/số tiền lãi chậm trả như HĐTD là không có cơ sở để pháp luật ghi nhận, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có ý kiến cho rằng thỏa thuận này là trái quy định.”

(Kết luận thanh tra số 12 về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Chi nhánh MHB Lào Cai năm 2013 của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lào Cai).

Khi vay vốn của ngân hàng, HGĐ phải có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng trong Hợp đồng vay vốn của HGĐ với ngân hàng. Trong thực tiễn hoạt động, các bên tham gia HĐTD thường lựa chọn áp dụng những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phù hợp bằng tài sản theo HĐTD.

Những tài sản đã được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì chủ sở hữu bị hạn chế quyền định đoạt. Nghĩa là, những tài sản đã được thế chấp, cầm cố nhưng chưa được tổ chức tín dụng giải chấp, thì chủ sở hữu không được toàn quyền định đoạt tài sản một cách bình thường; hoặc khi chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt nhất thiết phải có sự đồng ý, cho phép và phải thực hiện

dưới sự giám sát của tổ chức tín dụng đã nhận tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Do vậy, đối với hợp đồng vay tài sản của HGĐ thì nhất thiết phải là chủ hộ hoặc người được chủ hộ uỷ quyền hợp pháp; trong trường hợp dùng tài sản thuộc sở hữu của HGĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên (trực tiếp ký vào hợp đồng hoặc có giấy ủy quyền hợp lệ) theo quy định của BLDS.

Ví dụ: Bản án sơ thẩm số 03/2014/KDTM- ST ngày 22/10/2014 về việc tranh chấp Hợp đồng tín dụng của TAND tỉnh Vĩnh Phúc:

Để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của DNTN Cường Đạt (trước đây là HKD cá thể Cường Đạt) tại BIDV Chi nhánh Vĩnh Phúc, ngày 23/5/2010, Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huân bao gồm: ông Nguyễn Văn Huân và vợ là Nguyễn Thị Thì cùng 02 người con Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1980) và Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1985) đã dùng tài sản là QSDĐ 296 m2 đất ở theo Giấy chứng nhận QSDĐ số H 524128 do UBND huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc cấp ngày 15/7/1992 cho Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huân cùng toàn bộ tài sản là nhà ở và công trình phụ trên đất xây dựng năm 2000. Thời điểm ký kết HĐTC trên Hộ khẩu gia đình do ông Nguyễn Văn Huân làm chủ còn có chị Nguyễn Thị Minh Thu (sinh năm 1977) là con gái cả của ông Huân đã kết hôn và định cư bên Úc theo chồng. Do vậy trên HĐTC không có chữ ký của bà Thu với lý do bà Thu đã lấy chồng (mặc dù chưa chuyển đăng ký hộ khẩu) và sinh sống làm ăn ở nước ngoài.

Năm 2014, khi DNTN Cường Đạt không có khả năng trả nợ, ngân hàng đã khởi kiện vụ án ra TAND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị HĐXX tuyên cho Ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp là nhà và đất của HGĐ ông Nguyễn Văn Huân. Tuy nhiên, quá trình xét xử, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản ủy

thác tư pháp dân sự số 24/UTTPDS-TA ngày 12/5/2014 và lấy ý kiến của bà Thu liên quan đến giao dịch thế chấp QSDĐ của HGĐ bà tại BIDV Vĩnh Phúc. Bà Thu đã có ý kiến rằng việc các thành viên trong gia đình bà thế chấp tài sản tại ngân hàng bà không được biết, không được hỏi ý kiến và không ký vào bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc thế chấp tài sản. QSDĐ do UBND huyện Yên Lạc cấp cho cả HGĐ bà nên hiện nay việc ngân hàng đề nghị xử lý tài sản trái với mong muốn của bà. Bà đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét giải quyết theo pháp luật đảm bảo quyền lợi cho bà.

Trên cơ sở văn bản trả lời của bà Thu thông qua ủy thác tư pháp dân sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, HĐXX TAND tỉnh Vĩnh Phúc ngoài những nội dung quyết định nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, đã tuyên hủy HĐTC tài sản ký giữa BIDV Vĩnh Phúc và HGĐ ông Nguyễn Văn Huân do thiếu chữ ký của một thành viên trên 15 tuổi trong Hộ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng vay tiền của hộ gia đình tại ngân hàng thương mại 03 (Trang 55 - 61)