Quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng vay tiền của hộ gia đình tại ngân hàng thương mại 03 (Trang 44 - 48)

a) Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại

Quyền của ngân hàng thương mại là được yêu cầu bên vay trả nợ đúng và đủ (gồm cả tiền gốc và tiền lãi), trả nợ đúng thời hạn theo phương thức đã thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng khi đến kỳ hạn bên đi vay trả nợ. Cùng với quyền trên, ngân hàng thương mại có nghĩa vụ giao tiền cho vay đồng thời cũng là nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu số tiền cho vay sang bên đi vay. Đó là giao tài sản (tiền) cho bên vay đầy đủ, đúng số lượng vào địa điểm đã thỏa thuận. Quy định tại Khoản 1 Điều 473 Bộ luật Dân sự cho thấy rằng đối với các tổ chức tín dụng rất ít khi vi phạm các quy định về nghĩa vụ này.

Thông thường, sau khi được người có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng vay thì bên cho vay luôn giao cho bên vay đầy đủ số tiền đã thỏa thuận và được ghi nhận trong hợp đồng.

Một trong những nghĩa vụ quan trọng của bên cho vay là không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản, tức là trả lại số tiền đã vay trước thời hạn đã được hai bên cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 473 Bộ luật Dân sự có dự liệu trường hợp theo quy định tại Điều 478 Bộ luật Dân sự. Theo quy định tại Điều 478 Bộ luật Dân sự thì việc áp dụng đối với các tổ chức tín dụng là rất hạn hữu. Tuy nhiên, ngoài quy định tại Điều 478 Bộ luật Dân sự, bên cho vay có thể yêu cầu bên vay trả trước thời hạn nếu có thỏa thuận về việc điều kiện vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Nghĩa là trong hợp đồng cho vay hai bên có thỏa thuận bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản vay và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản vay trái mục đích. Quy định trên đây của Điều 475 Bộ luật Dân sự được coi

là điều kiện về sử dụng tài sản vay trong hợp đồng cho vay. Vấn đề là trong hợp đồng mẫu của tổ chức tín dụng phải có điều khoản ghi nhận nội dung này và coi đó là điều kiện của hợp đồng vay nếu có ghi nhận trong hợp đồng.

Nghĩa vụ thông tin và tư vấn: Nghĩa vụ này chỉ được đặt ra đối với bên cho vay chuyên nghiệp (các ngân hàng thương mại) và chỉ được thừa nhận trong thực tiễn chứ chưa được ghi nhận trong văn bản pháp luật. Người cho vay phải lưu ý người vay về sự cần thiết của việc đánh giá mức vay: không nên vay một số tiền quá lớn so với khả năng trả nợ. Trong một số trường hợp, nếu người cho vay dễ dãi chấp nhận các đề nghị vay mạo hiểm còn phải chịu trách nhiệm một khi người vay không có khả năng thanh toán; thậm chí phải chịu cả trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

b) Quyền và nghĩa vụ của Hộ gia đình khi vay *Nghĩa vụ của bên đi vay:

Nghĩa vụ của bên đi vay là trả nợ đủ tiền gốc đã vay cùng với số tiền lãi đã cam kết trong hợp đồng vay. Điều 474 Bộ luật Dân sự quy định khi đến kỳ hạn trả nợ bên vay phải trả nợ tại địa điểm là nơi đặt trụ sở của bên cho vay. Trong trường hợp vay với lãi suất ưu đãi nhưng khi đến hạn bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay còn phải trả khoản lãi đối với số tiền nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ. Điều 474 Bộ luật Dân sự có ghi nhận “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, do vậy về đối tượng là số tiền vay về thời hạn trả nợ, về địa điểm trả nợ hai bên có thể có những thỏa thuận khác cụ thể trong hợp đồng. Vấn đề cần lưu ý là “các thỏa thuận khác” này cũng là cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên khi có tranh chấp xảy ra. Tùy

thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể mà thỏa thuận khác này của các tổ chức tín dụng khác nhau có thể khác nhau và tùy thuộc vào đối tượng vay, số tiền vay, thời hạn vay.

Sử dụng tiền vay đúng mục đích, nếu có thỏa thuận là một nghĩa vụ quan trọng đối với bên đi vay. Các bên có thể thỏa thuận về việc người vay chỉ được sử dụng số tiền vay vào một mục đích nào đó (Điều 475 Bộ luật Dân sự). Nếu có một thỏa thuận như thế, thì người vay chỉ có thể sử dụng và định đoạt số tiền vay đúng mục đích như đã được ghi nhận trong hợp đồng vay. Vay tiền để đóng tầu đi biển thì người vay phải dùng tiền vay thanh toán các công việc liên quan đến đóng tàu; vay tiền để làm vườn, người vay phải đầu tư số tiền vay vào việc khai thác mảnh vườn của mình.

Việc sử dụng tiền vay, trong trường hợp có thỏa thuận về mục đích sử dụng số tiền đó, chịu sự giám sát và kiểm tra của người cho vay. Nếu phát hiện người vay sử dụng số tiền vay trái mục đích thì người cho vay có quyền nhắc nhở; nếu đã nhắc nhở mà người vay vẫn không điều chỉnh mục đích sử dụng cho phù hợp thì người cho vay có quyền đòi lại tài sản trước thời hạn (Điều 475 Bộ luật Dân sự). Việc nhắc nhở có thể thực hiện bằng lời nói hoăc bằng văn bản, nhưng tốt nhất, người cho vay nên nhắc nhở bằng văn bản để tiện cho việc quản lý chứng cứ. Luật không quy định rõ liệu người vay cần được nhắc nhở bao nhiêu lần. Bởi vậy về mặt lý thuyết, người cho vay chỉ cần nhắc nhở một lần. Dẫu sao người cho vay phải dành cho người vay một thời hạn hợp lý để thu hồi số tiền vay nhằm điều chỉnh mục đích sử dụng số tiền đó.

Nghĩa vụ trả lãi: đây là một trong những nghĩa vụ chủ yếu của người vay. Hiện nay pháp luật không có quy định về thể thức trả lãi, đặc biệt là về kỳ hạn thanh toán tiền lãi. Ngân hàng Nhà nước chỉ ấn định lãi suất theo tháng. Do vậy, kỳ hạn thanh toán lãi sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận cụ thể thì lãi được thanh toán mỗi tháng. Theo tập quán giao dịch tại ngân hàng đã thừa

nhận rằng: nếu người vay trả cho người cho vay một số tiền và không xác định rõ ý nghĩa của việc trả tiền thì số tiền đó coi như được dùng để thanh toán lãi.

Pháp luật hiện hành không có quy định riêng về chế tài trong trường hợp người vay không trả lãi đúng hạn. Bởi vậy, nếu có thỏa thuận về việc người cho vay được quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng trong trường hợp người vay không trả lãi đúng hạn thì người cho vay có thể sử dụng quyền đó (ví dụ, nợ được đảm bảo bằng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có ghi trong hợp đồng thì bên cho vay có quyền sử dụng các biện pháp đó); nếu không có thỏa thuận thì người cho vay có quyền yêu cầu cưỡng chế việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi theo quy định của pháp luật. Nếu người vay không trả tiền lãi và người cho vay cũng không đòi, không nhắc nhở thì tiền lãi được tích lũy cho đến thời hạn trả nợ gốc và sau đó nhập vào nợ gốc để làm căn cứ tính lãi suất nợ quá hạn.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 478 Bộ luật Dân sự, đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả nợ gốc trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thỏa thuận khác. Có thể coi việc buộc người vay trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn trong trường hợp đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng vay theo ý chí của người vay như là một biện pháp bù đắp những thiệt hại mà người cho vay phải gánh chịu do phải nhận lại số tiền cho vay ngoài ý muốn của mình. Và cũng bởi vì người cho vay được bồi thường thiệt hại một cách đương nhiên mà người vay có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng vay vào bất kỳ lúc nào và cũng không cần báo trước.

Nợ gốc được hoàn trả vào thời điểm đến hạn trả nợ theo hợp đồng vay bao gồm cả tiền lãi. Người vay chỉ phải trả nợ gốc bằng đúng số tiền đã được ghi trong hợp đồng vay. Nếu đối tượng cho vay là một số vàng, kim khí quý, đá quý hay ngoại tệ thì nợ vay cũng được trả bằng tài sản cùng chủng loại, cùng số lượng. Trong trường hợp các bên thỏa thuận thanh toán nợ vay bằng đồng Việt

Nam thì số tài sản phải trả được quy ra đồng Việt Nam theo thời giá áp dụng tại thời điểm và địa điểm hoàn trả. Nếu hợp đồng vay không ấn định kỳ hạn thì nợ gốc có thể được hoàn trả vào bất kỳ lúc nào, theo ý chí của bên này hay bên kia hoặc cả hai bên.

Địa điểm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ: là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của người cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 3 Điều 474 Bộ luật Dân sự).

* Quyền của bên đi vay:

Cùng với các nghĩa vụ trên, bên vay có quyền sở hữu đối với số tiền vay (quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự) và có quyền sử dụng, định đoạt số tiền đó nếu không có những thỏa thuận hạn chế về mục đích sử dụng và bên cho vay không có quyền can thiệp hoặc phản đối.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng vay tiền của hộ gia đình tại ngân hàng thương mại 03 (Trang 44 - 48)