Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ vay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng vay tiền của hộ gia đình tại ngân hàng thương mại 03 (Trang 48 - 50)

Các bên tham gia hợp đồng tín dụng thường lựa chọn áp dụng những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phù hợp bằng tài sản theo hợp đồng tín dụng. Các biện pháp này theo quy định của Bộ luật Dân sự bao gồm:

- Cầm cố tài sản: là việc bên vay cam kết với ngân hàng sẽ dùng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình hoặc của bên thứ ba giao cho ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ tiền vay theo hợp đồng tín dụng. Biện pháp cầm cố được thực hiện thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng cầm cố. Đối với hộ gia đình thì chủ hộ sẽ đại diện cho hộ trong việc thực hiện việc cầm cố tài sản. Hiện nay, Điều 326 Bộ luật Dân sự 2005 không có quy định cầm cố chỉ là động sản như Bộ luật Dân sự 1995 nên đối tượng của cầm cố tài sản đã được mở rộng hơn. Hợp đồng cầm cố bắt buộc phải được giao kết dưới hình thức văn bản (gọi

là văn bản cầm cố). Việc công chứng, đăng ký cầm cố tại cơ quan có thẩm quyền do các bên tự thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Dân sự, cầm cố tài sản có thể được ghi trong hợp đồng chính. Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao tài sản thực tế cho ngân hàng thương mại là bên nhận cầm cố. Việc xử lý tài sản cầm cố trước hết theo phương thức do các bên thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ (quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự).

- Thế chấp tài sản: là việc bên vay cam kết với ngân hàng sẽ dùng các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình hoặc của bên thứ ba để bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả tiền vay theo hợp đồng tín dụng. Giống như cầm cố tài sản, biện pháp thế chấp tài sản cũng được thực hiện thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng thế chấp. Hợp đồng thế chấp cũng phải được giao kết bằng văn bản và có thể được các bên thoả thuận về việc công chứng/chứng thực và đăng ký thế chấp, hoặc trong một số trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng/chứng thực và đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền thì phải thực hiện theo quy định đó.

Đối với việc bảo đảm bằng biện pháp thế chấp của Hộ gia đình khi vay vốn thì những người có tên trong “Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng” phải cùng nhau trực tiếp ký vào hợp đồng hoặc là bằng giấy ủy quyền hợp lệ. Tuy nhiên, hiện các cách thức thực hiện quy định này của mỗi TCTD lại khác nhau, quan điểm của mỗi Công chứng viên thực hiện công chứng các giao dịch bảo đảm mà bên thế chấp là hộ gia đình cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Việc thế chấp cũng phải được lập thành văn bản hoặc ghi trong hợp đồng chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 343 Bộ luật Dân sự). Khi phải xử lý tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ cũng được thực hiện theo

phương thức do các bên thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật (quy định tại Điều 355 Bộ luật Dân sự).

- Bảo lãnh: là việc pháp nhân, cá nhân cam kết với ngân hàng sẽ dùng tài sản hoặc khả năng tài chính của mình để bảo đảm nghĩa vụ của người vay đối với ngân hàng, nếu người này không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng khi đến kỳ hạn trả nợ. Bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm khá phổ biến trong các quan hệ vay tại ngân hàng thương mại.

Việc giao kết hợp đồng bảo lãnh cũng phải bằng văn bản và tùy từng trường hợp, pháp luật quy định bắt buộc phải đăng ký bảo lãnh hay chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Nếu pháp luật không quy định thì việc đăng ký hay chứng thực hợp đồng bảo lãnh sẽ do các bên tự thỏa thuận.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2005 còn quy định một số biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng khác như: Đặt cọc, ký cược, ký quỹ, tín chấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng vay tiền của hộ gia đình tại ngân hàng thương mại 03 (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)