Lĩnh vực chăn nuôi

Một phần của tài liệu Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 42 - 44)

7. Bố cục của luận văn

2.1.2. Lĩnh vực chăn nuôi

Lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 1976-1996 đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Với lợi thế của vùng đồng bằng, điều kiện tự nhiên ưu đãi nên chăn nuôi đạt được những kết quả quan trọng. Việc phát triển chăn nuôi những năm sau giải phóng chủ yếu nhằm cung ứng nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ chăn nuôi của nhân dân các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, các loại vật nuôi như trâu, bò còn được sử dụng để làm sức kéo phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động chăn nuôi trong những năm đầu chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Hoạt động chăn nuôi chưa được tổ chức theo hướng xuất khẩu hàng hóa, chưa được quy hoạch, khoanh vùng, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đầu tư về con giống. Chăn nuôi trong thời kỳ này chủ yếu theo hình thức kinh tế cá thể hộ gia đình và mang tính tự phát.

Mặc dù vậy, với điều kiện tương đối thuận lợi về khí hậu, môi trường, hoạt động chăn nuôi trong giai đoạn 1976-1996 đã từng bước được hình thành và tương đối phát triển. Số lượng gia súc, gia cầm các huyện đồng bằng chiếm tỷ lệ cao. Năm 1976 đạt 537.186/988.766, chiếm 54,32% tổng số gia súc, gia cầm toàn tỉnh [7, tr. 130]. Năm 1996 đạt 2.325.635/3.392.099, chiếm 68,56% tổng số gia súc, gia cầm toàn tỉnh [11, tr. 222]. Từ số liệu thống kê trên, có thể thấy rằng, chăn nuôi các huyện đồng bằng chiếm tỷ lệ khá cao trong toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đóng góp của ngành chăn nuôi vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã tăng lên đáng kể qua từng năm.

Tính đến cuối năm 1996, tổng đàn lợn các huyện đồng bằng đạt 281.261/440.098 con của toàn tỉnh, tăng 150.163 con so với năm 1976. Đàn trâu đạt 23.283/50.703 con của toàn tỉnh, tăng 12.451 con so với năm 1996. Đàn bò đạt 118.521/176.315 con của toàn tỉnh, tăng 54.926 con so với năm 1976 (Bảng 2.3). Sản lượng thịt của ngành chăn nuôi gia súc đảm bảo cung cấp nhu cầu thực phẩm tại chỗ của người dân các địa phương trong tỉnh và một phần cung ứng cho các tỉnh lân cận.

Bảng 2.3: Số lượng gia súc, gia cầm ở các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1976-1996

Đơn vị tính: Con

TT Năm Đơn vị

1976 1980 1990 1996

Gia súc Gia cầm Gia súc Gia cầm Gia súc Gia cầm Gia súc Gia cầm

1 Tam Kỳ 76551 90250 103806 102850 68200 202753 81135 384920 2 Hội An 7331 28904 11687 32657 10303 40589 96382 47560 3 Điện Bàn 42539 62400 95569 95275 92166 157943 103079 235939 4 Duy Xuyên 24332 56887 43937 73856 60123 86258 69129 465820 5 Thăng Bình 54772 93220 35270 155286 89937 201175 102240 534822 6 Núi Thành - - - - 51148 62186 52759 151850 7 Phú Ninh - - - - Tổng cộng 205525 331661 290269 459924 371877 750904 504724 1820911 Nguồn: [11, tr. 112, 114-116].

Ngoài việc chăn nuôi các loại gia súc truyền thống như trâu, bò, lợn, một số địa phương đã phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, nguồn thức ăn trong tự nhiên để phát triển chăn nuôi như dê, cừu như Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình, song quy mô chăn nuôi và số lượng không đáng kể.

Chăn nuôi gia cầm là một trong những thế mạnh của các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, môi trường, khí hậu… chăn nuôi gia cầm đã từng bước phát triển. Năm 1976, đàn gia cầm các huyện đồng bằng đạt 331.661/607.225 con trên tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh, năm 1996 tăng lên 1.820.911/2.724.997 con (Bảng 2.3). Việc chăn nuôi gia cầm được hầu hết các hộ nông

dân các huyện đồng bằng triển khai rộng khắp với hình thức tự phát theo mô hình kinh tế cá thể hộ gia đình, chi phí và công lao động đầu tư vào chăn nuôi không nhiều… Mặc dù là chăn nuôi nhỏ lẻ, song đã góp phần quan trọng vào việc phát triển đàn gia cầm của các huyện đồng bằng nói riêng, cũng như đối với toàn tỉnh nói chung.

Có thể nói, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế. Hoạt động chăn nuôi được tổ chức kết hợp với trồng trọt hoặc sau mùa vụ nông nhàn và tận dụng các sản phẩm từ ngành trồng trọt như lúa gạo, khoai, sắn… để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, lĩnh vực chăn nuôi đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực chăn nuôi các huyện đồng bằng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tỷ lệ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh cao, nhưng chưa có những biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Các huyện đồng bằng trong tỉnh vẫn chưa chú trọng đầu tư thỏa đán cho ngành chăn nuôi về con giống, chuồng trại, thuốc thú y phòng dịch… Chính vì vậy, hiệu quả trong hoạt động chăn nuôi ở các huyện đồng bằng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các địa phương. Chăn nuôi còn đặt nặng các loại vật nuôi truyền thống như trâu, bò, lợn, gà, vịt… chưa chú trọng những con vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Một phần của tài liệu Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)