Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH

Một phần của tài liệu Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 46 - 50)

7. Bố cục của luận văn

2.2. Giải pháp phát triểnkinh tế nông nghiệp các huyện đồngbằng tỉnh Quảng

2.2.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH, trong đoạn 1997-2017, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp mang tính chiến lược như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thực hiện triển khai công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp...

Đối với lĩnh vực trồng trọt, quy hoạch lại ngành trồng trọt theo hướng giảm dần diện tích cây lương thực, tăng diện tích các loại cây rau đậu, cây công nghiệp hằng năm, cây công nghiệp lâu năm. Trên cơ sở khảo sát các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường tự nhiên, các huyện đồng bằng đã tiến hành quy hoạch ngành trồng trọt theo phương châm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng loại giống cây trồng. Trong đó,

ưu tiên những diện tích đất màu mỡ, liền vùng, liền thửa, chủ động được nguồn nước tưới để phục vụ cho việc trồng lúa. Đối với các loại cây rau đậu, cây công nghiệp hằng năm, là những giống cây trồng chịu hạn, chú trọng phân bổ ở những diện tích đất không chủ động được nguồn nước tưới. Đối với cây công nghiệp lâu năm, triển khai trồng ở những vùng đồi và vùng cát ven biển.

Cùng với việc quy hoạch lại diện tích sản xuất trong ngành trồng trọt, công tác chuyển đổi mùa vụ trong sản xuất lúa cũng được chú trọng. Ngay từ những năm đầu chia tách tỉnh, các huyện đồng bằng đã đẩy mạnh tuyên truyền việc chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ “ăn chắc”. Đây được xem là cuộc “cách mạng” chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam nói chung và các huyện đồng bằng nói riêng. Nông dân các huyện đồng bằng Quảng Nam từ lâu vốn quen với việc sản xuất lúa 3 vụ truyền thống, khi chuyển sang làm 2 vụ lo ngại sẽ thiếu lương thực, dẫn đến đói nghèo. Chính vì vậy, các cấp, các ngành đã quyết tâm tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Đến năm 2002, việc chuyển đổi mô hình sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ trên địa bàn tỉnh được hoàn thành [72]. Các địa phương đã tiến hành đưa vào trồng trọt những giống lúa mới có khả năng chịu hạn, ít bị sâu bệnh và cho năng xuất cao. Nhờ đó, hiệu quả và năng suất trồng lúa ở các huyện đồng bằng Quảng Nam không ngừng được cải thiện, tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất 3 vụ.

Trên cơ sở Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 [66], Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX đã đề ra chủ trương giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 31% (năm 2005) xuống còn 25,1% (năm 2008) [53, tr. 13]. Trên cơ sở đó, các huyện đồng bằng đã triển khai thực hiện các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, đồng thời phát triển theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp các huyện đồng bằng Quảng Nam đã tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người nông dân chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng giảm diện tích canh tác, nhưng vẫn đảm bảo nâng cao sản lượng và năng suất cây trồng trên cơ sở áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nội bộ ngành trồng trọt ở các huyện đồng bằng đã có sự chuyển dịch theo xu hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng diện tích các cây trồng như rau, đậu, gia vị và thực phẩm, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày. Một số đơn vị như thành phố Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình đã hình thành vùng sản xuất rau xanh, rau sạch với quy mô hợp lý vùng. Huyện Phú Ninh đã chuyển đổi một số diện tích trồng lúa không chủ động được nước tưới, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như dưa hấu, bắp, mè... góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân. Đồng thời, các địa phương cũng chú trọng đến việc xây dựng hệ thống dịch vụ thu mua, cung cấp cho nhu

cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm thị trường lớn để tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH là các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã triển khai công tác quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, chú trọng phát triển cây ngô, cây lạc giống mới có năng xuất cao, tập trung ở các địa phương như Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, cung cấp cho thị trường tiêu thụ lớn của công nghiệp và ngành du lịch, dịch vụ. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, mô hình phát triển kinh tế trang trại được các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại vườn - ao - chuồng (VAC) và các hình thức kinh tế hợp tác liên kết đầu tư phát triển ở vùng nông thôn được ưu tiên tạo điều kiện và khuyến khích phát triển thông qua việc hỗ trợ thủ tục vay vốn, thủ tục về đất đai.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong giai đoạn 1997-2017, để chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng CNH, HĐH, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như triển khai quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, thiết bị cung cấp thức ăn tự động; sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, đưa vào chăn nuôi một số con giống mới có giá trị kinh tế cao. Ngành chăn nuôi tại các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và Phú Ninh đã đẩy mạnh chuyển cơ cấu từ chăn nuôi bò thông thường sang chăn nuôi các đối tượng bò lai, bò thịt chất lượng cao, phát triển chăn nuôi bò sữa. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng lợn nạc thay thế lợn móng cái và lợn cỏ truyền thống. Các địa phương như Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi nuôi gà theo hướng chăn nuôi trang trại và nông trại, tăng số lượng đàn gà thịt, gà lấy trứng... Việc triển khai các giải pháp trong chăn nuôi ở các huyện đồng bằng đã từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng CNH, HĐH, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn các huyện đồng bằng nói riêng và tỉn Quảng Nam nói chung.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam nuôi trồng thủy hải sản chủ yếu là loại tôm sú, tập trung ở ven biển các địa phương như Hội An, Thăng Bình và Núi Thành. Tuy nhiên, do môi trường nuôi ngày càng bị thoái hóa, ô nhiễm, giá trị và chất lượng nuôi tôm sú đã giảm sút nhiều. Để chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng thủy hải sản theo hướng CNH, HĐH, các địa phương đã chuyển đổi một số diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh...

Để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy hải sản theo đúng định hướng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án “Quản lý nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng dựa vào cộng đồng tại Quảng Nam đến năm 2015” [58]. Theo đó, các địa phương đã tập trung triển khai phát triển nuôi thủy sản nước lợ theo hướng bền vững, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề nuôi thủy sản nước lợ. Xây dựng

quy chế tổ chức nuôi trồng thủy sản theo hướng cộng đồng, các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng các hương ước, cụ thể như Tổ chức thông tin tuyên truyền nêu rõ sự cần thiết phải gia nhập vào tổ cộng đồng để người dân tự nguyện gia nhập, Hướng dẫn, xúc tiến thành lập các tổ cộng đồng trong vùng theo từng điều kiện sinh thái, Xây dựng các mô hình nuôi theo hướng bền vững, tạo đa dạng sinh học cao như nuôi tôm, nhuyễn thể, trồng rong biển, nuôi cá… Ngoài ra, các địa phương đã triển khai hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng để tổ chức nuôi có hiệu quả như nghiên cứu thị trường đầu vào và thị trường đầu ra để có kế hoạch phát triển nuôi, xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin, hỗ trợ các thiết bị đo môi trường chủ yếu, hỗ trợ chi phí xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi và xét nghiệm mẫu tôm giống định kỳ trong chu kỳ nuôi.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu trong nuôi trông thủy hải sản ở vùng nước mặn và nước lợ, một số địa phương cũng tập trung chuyển đổi và phát triển nuôi trồng ở vùng nước ngọt. Trong đó, các địa phương như Duy Xuyên, Phú Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi các giống nuôi trồng truyền thống sang phát triển nuôi cá lồng bè nước ngọt như cá dìa, cá diêu hồng, cua... ở những hồ chứa thủy lợi và ở dọc các con sông. Mô hình nuôi cá lồng bè ngày càng được nhân rộng, thay dần cho hình thức ao nuôi ở những nơi khó khăn về nguồn nước và hiệu quả cao hơn gấp 2-3 lần.

Tăng cường công tác khuyến nông cũng là một trong các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các chương trình hỗ trợ vốn vay sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi và trang bị, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp... người nông dân đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước tiếp cận được với những kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao trình độ sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người nông dân. Nhìn chung, trong giai đoạn 1997-2017, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh triển khai một số giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Ngành nông nghiệp các địa phương đã tích cực vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Nhờ đó, sản xuất nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bằng nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể thấy rằng, so với yêu cầu phát triển trong thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng Quảng Nam diễn ra chậm, chưa thật sự tạo ra những đột phá. Hoạt động sản xuất trên một số lĩnh vực chưa được cải tiến, nâng cao về trình độ, nhất là vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhiều công đoạn sản xuất còn phụ thuộc vào sự tham gia trực tiếp của con người, chưa được thay thế bởi các phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại để giảm thiểu sức lao động.

Một phần của tài liệu Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)