Tiền đề về dân số và nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 26 - 29)

7. Bố cục của luận văn

1.3. Tiền đề về dân số và nguồn nhân lực

1.3.1. Tiền đề về dân số

Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, dân số các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam thời điểm năm 1997 là 853.841 người; trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 498.532 người, chiếm 50,2% dân số [12, tr. 227-236].

Đến năm 2017, dân số các huyện đồng bằng Quảng Nam là 951.484 người, mật độ dân số trung bình là 163 người/km², trong đó, dân số trong độ tuổi lao động là 594.922 người [15, tr. 170]. Mật độ dân số ở các đô thị như thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn vượt quá 1,000 người/km², trong khi ở những vùng nông thôn thì dân cư thưa thớt [14, tr. 67-69].

Qua số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tăng dân số các huyện đồng bằng là tương đối thấp, từ năm 1997 đến 2017, dân số các huyện đồng bằng tăng thêm 97.643 người. Tỷ lệ dân số có tác động rất lớn đến tốc độ phát triển dân số. Từ năm 1997 đến năm 2017, tỷ lệ sinh tự nhiên đã giảm mạnh và dần đến mức sinh thay thế (trung bình người phụ nữ khi hết độ tuổi sinh đẻ chỉ còn 2 con). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giảm tốc độ tăng dân số các huyện đồng bằng, cũng như trên địa bàn toàn tỉnh. Tỷ lệ sinh giảm nhanh, nhưng có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ sinh giữa đô thị và nông thôn. Ở khu vực đô thị, ngoài nguyên nhân công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình được tăng cường, dân cư có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, cùng với mức sống hưởng thụ ngày càng cao, đã góp phần làm cho tỷ lệ sinh tự nhiên ở khu vực đô thị giảm nhanh. Trong khi đó, khu vực nông thôn với mức sống thấp hơn khu vực đô thị, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng hạn chế hơn, cùng với đó là nhu cầu về lực lượng lao động phục vụ trong sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ sinh tự nhiên ở khu vực nông thôn cũng cao hơn.

Có thể thấy rằng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động năm 1997 chiếm 60,9% dân số, trong đó có 68,9% lao động nông nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động [12, tr. 80]; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động năm 2017 chiếm 62,5% dân số, trong đó có 69,8% lao động nông nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động [15, tr. 175].

Với quy mô dân số trung bình, cơ cấu dân số trẻ và đa phần trong độ tuổi lao động, đây được xem là nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho hoạt động kinh tế nông nghiệp của các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, với cơ cấu dân số và nguồn nhân lực dồi dào sẽ đặt ra nhu cầu lớn về lao động việc làm, vấn đề lương thực, hàng tiêu dùng và nhà ở của người dân. Chất lượng nguồn lao động các huyện đồng bằng trong giai đoạn 1997-2017 thường xuyên được cải thiện và nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nông nghiệp đối với lực lượng lao động trong nông nghiệp được chú trọng thực hiện.

Như vậy, có thể thấy rằng, tiền đề về dân số ở các huyện đồng bằng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là tương đối lớn, trong đó lực lượng tham gia trực tiếp vào

hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Đây là một trong những tiền đề quan trọng góp phần vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của các huyện đồng bằng trong giai đoạn 1997-2017.

1.3.2. Tiền đề về nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là lực lượng sản xuất nòng cốt của hoạt động kinh tế nông nghiệp. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đối với quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra. Với đặc điểm của lao động nông nghiệp không đòi hỏi cao về chuyên môn, nghề nghiệp, mà chủ yếu dựa vào sức lao động, kinh nghiệm trong sản xuất và chỉ làm việc theo thời vụ. Vì vậy, nguồn nhân lực trong lao động sản xuất nông nghiệp thường là những người có độ tuổi trung bình cao và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nguồn nhân lực lao động trong nông nghiệp không ngừng được đào tạo về chuyên môn, nghề nghiệp, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng trong quá trình lao động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, lực lượng này có trình độ, khả năng tiếp cận, nắm bắt các quy trình sản xuất, canh tác, sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với các huyện đồng bằng Quảng Nam, nguồn nhân lực phục vụ trong sản xuất nông nghiệp tương đối dồi dào. Trong giai đoạn 1997-2017, lao động nông nghiệp các huyện đồng bằng luôn có sự biến động, năm 1997 là 343.808 người, năm 2005 là 399.618 người, năm 2010 là 400.415 người, năm 2017 là 415.295 người (Bảng 1.1). So với ngành công nghiệp và dịch vụ, lao động nông nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao hơn. Đây được xem là nguồn nhân lực khá dồi dào đảm bảo phục vụ quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam.

Mặc dù vậy, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quá trình đô thị hóa và quá trình CNH, HĐH, lực lượng lao động trong nông nghiệp có xu hướng giảm dần so với tỷ lệ tăng dân số hằng năm. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng tác động làm cho lực lượng lao động xã hội cũng có sự chuyển dịch cơ cấu về ngành nghề. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong cả giai đoạn 1997-2017 thì tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn tăng.

Bảng 1.1: Dân số trong độ tuổi lao động ở các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1997-2017

Đơn vị tính: Người TT Năm Đơn vị 1997 2005 2010 2017 Độ tuổi lao động Lao động nông nghiệp Độ tuổi lao động Lao động nông nghiệp Độ tuổi lao động Lao động nông nghiệp Độ tuổi lao động Lao động nông nghiệp 1 Tam Kỳ 97058 57080 103565 59120 108255 58214 102446 82748 2 Hội An 43358 14880 44218 15357 46173 15136 71530 16220

3 Điện Bàn 103375 80223 114365 82610 120952 81565 142788 101232 4 Duy Xuyên 62490 40724 67017 41154 68172 42128 88754 59744 5 Thăng Bình 126668 98715 131428 99015 138225 100412 13886 10862 6 Núi Thành 65583 52186 65857 53085 67023 53742 114533 95566 7 Phú Ninh4 - - 56238 49277 60725 49218 60985 48923 Tổng cộng 498532 343808 582688 399618 609525 400415 594922 415295 Nguồn: [15, tr. 160-161].

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng, trong giai đoạn 1997-2017, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, kiến thức cho các đối tượng lao động phổ thông, trong đó có lao động nông nghiệp được các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm. Trong 5 năm (1997-2002) có 32.470 lao động nông nghiệp khu vực các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Nam được bồi dưỡng, tập huấn tại các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư [57,tr. 5]. Trong giai đoạn 2016-2017, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ5 đối với các huyện đồng bằng là 3.742 người [63, tr. 5].

Như vậy, từ những phân tích trên cho thấy, tiền đề về nguồn nhân lực đối với lao động nông nghiệp ở các huyện đồng bằng Quảng Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 1997-2017. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quá trình đô thị hóa sẽ làm giảm dần lực lượng lao động trong nông nghiệp do chuyển sang lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng làm giảm lao động trực tiếp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tóm lại, những tiền đề về dân số và nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Với xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, các huyện đồng bằng có lực lượng lao động nông thôn dồi dào, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 1997-2017, góp phần triển khai thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

4 Giai đoạn này chưa thành lập huyện Phú Ninh.

5 Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Một phần của tài liệu Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)