7. Bố cục của luận văn
2.1.3. Nuôi trồng thủy hải sản
Ngành nuôi trồng thủy hải sản các huyện đồng bằng trong giai đoạn 1976-1996 đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở các huyện đồng bằng. Với lợi thế của vùng đồng bằng, hệ thống sông ngòi phân bổ rộng khắp, các hồ, đập chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tương đối nhiều, cùng với đó là diện tích mặt nước khoảng 30 ngàn ha (cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn), trong đó có 10 ngàn ha bãi triều, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản [12, tr. 6]. Sản lượng thủy sản các huyện đồng bằng năm 1996 đạt 30.115 tấn, tăng 1,7 lần so với năm 1976, bình quân tăng mỗi năm 6,2% [11, tr. 125].
Nuôi trồng thủy sản giai đoạn đầu chủ yếu được triển khai đối với vùng nước ngọt, nuôi trồng ở các ao, hồ đập, sông, suối... với diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 1976 là 35 ha, năm 1996 là 2.979 ha. Nuôi trồng thủy hải sản nước lợ và nước mặn năm 1976 chưa được chú trọng, đến năm 1996 mới khai thác sử dụng với diện tích 1.073 ha [11, tr. 119]. Hoạt động nuôi trồng thủy hải sản thời kỳ này còn manh mún, nhỏ lẽ, chủ yếu là khai thác nuôi trồng ở những diện tích mặt nước ao, hồ, sông, suối vùng nước ngọt tự nhiên, chưa được quy hoạch vùng chuyên canh và đầu tư về con giống, kỹ thuật. Nguồn thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản từ các sản phẩm tự nhiên là chính, chưa có thức ăn công nghiệp...
Các loại giống nuôi trồng ở vùng nước ngọt chủ yếu như cá mè, cá rô phi, cá trắm cỏ, cá lóc và tôm nước ngọt. Một số địa phương đã hình thành các mô hình nuôi giống
ba ba, ếch như Điện Bàn và Thăng Bình, nhưng còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ ở mức kinh tế hộ gia đình, chưa được quy hoạch vùng và mở rộng sản xuất.
Vùng đồng bằng Quảng Nam, nhất là khu vực ven biển với chiều dài khoảng 125 km bờ biển, có ngư trường rộng lớn và nhiều cửa sông, cửa biển với diện tích mặt nước tương đối lớn. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ở vùng nước lợ và nước mặn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả, mà chỉ tập trung vào việc khai thác, đánh bắt nguồn thủy hải sản trong tự nhiên. Vì vậy, đóng góp của ngành nuôi trồng thủy hải sản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt tỷ lệ không cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của các địa phương vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Nhìn chung, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1976-1996 chưa được chú trọng, ở giai đoạn sau mới hình thành các mô hình nuôi trồng thủy sản nhưng chủ yếu canh tác ở những vùng nước ngọt, chưa khai thác, nuôi trồng ở các vùng biển, cửa sông và vùng nước lợ. Kết quả từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản đem lại không cao, chỉ mới dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân các huyện đồng bằng cũng như nhân dân trong tỉnh, chưa hướng nền sản xuất hàng hóa nhằm tăng hiệu quả kinh tế của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.