7. Bố cục của luận văn
2.4. Những hạn chế trong phát triểnkinh tế nông nghiệp các huyện đồngbằng
tỉnh Quảng Nam (1997 - 2017)
Sau 20 năm chia tách tỉnh (1997-2017), kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực. Từ nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự cung, tự cấp, chỉ đảm bảo cơ bản lương thực, thực phẩm phục vụ cho đời sống, sinh hoạt, kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của địa phương và cả nước, hướng đến xuất khẩu, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được sau 20 năm chia tách tỉnh là nhờ có quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, thông qua việc đề ra những chủ trương, chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung và các huyện đồng bằng nói riêng với tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, đã từng bước ổn định nền sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội các huyện đồng bằng trong tỉnh.
Tuy nhiên, từ những kết quả của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 1997-2017 cho thấy, sản xuất nông nghiệp mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, song sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương và chưa theo kịp sự phát triển chung của nền nông nghiệp cả nước. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đáng chú ý là những vấn đề sau:
Thứ nhất, việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của các huyện đồng bằng diễn ra chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân của vấn đề này là quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Hộ nông dân không có động lực chuyển đổi, vì sản phẩm nông nghiệp làm ra đem lại thu nhập thấp. Việc chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi có nguy cơ phải đối diện với nhiều rủi ro như dịch bệnh, mất mùa, giá cả sản phẩm đầu ra thấp và không ổn định... Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của người nông dân có hạn, vốn đầu tư cho các hoạt động tái sản xuất không đảm bảo, tạo tâm lý lo ngại khi chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi.
Mặt khác, việc tiếp cận và áp dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả. Chính nền sản xuất với quy mô nhỏ lẻ là trợ ngại lớn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như việc cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn tạo ra trở ngại cho quá trình thu gom sản phẩm, chi phí vận chuyển cao, làm cho chi phí sản xuất lớn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực lao động trong nông nghiệp ngày càng già hóa, lại hạn chế về chuyên môn và sức lao động, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều công nghệ hiện đại, không đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất mới. Chính vì vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở các huyện đồng bằng cần phải có những chính
sách phù hợp, nhất là việc xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn. Đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi đối với những tổ chức, cá nhân có nguyện vọng và tâm huyết, mong muốn đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chưa thực sự phát triển và ít nhiều còn mang tính tự cung, tự cấp. Đây là một hạn chế không chỉ đối với nông nghiệp các huyện đồng bằng, mà còn là hạn chế của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam trong những năm qua. Hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân chính của vấn đề này là sản xuất của nông nghiệp các huyện đồng bằng Quảng Nam ở xuất phát điểm thấp; trong giai đoạn đầu, sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong nhân dân; năng suất lao động thấp, sản phẩm nông nghiệp làm ra chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, chưa đủ dư thừa để phát triển thành các sản phẩm hàng hóa.
Công tác dồn điền đổi thửa ở các huyện đồng bằng Quảng Nam giai đoạn 1997- 2017 chưa tạo ra những đột phá để tập trung cho việc quy hoạch vùng chuyên canh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Việc tìm đầu ra ổn định và đảm bảo doanh thu cho sản phẩm nông nghiệp chưa được thực hiện quyết liệt. Ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa hình thành, do nguồn nguyên liệu cung ứng không đảm bảo tính ổn định cũng như chất lượng sản phẩm. Chính sự tác động qua lại giữa hai lĩnh vực này đã làm cho sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa chậm phát triển.
Một trong những vấn đề đặt ra đối với sản phẩm nông nghiệp của các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam hiện nay là thị trường đầu ra cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa vẫn thiếu và yếu kém. Có thể thấy đây là một yếu tố khách quan, do các huyện đồng bằng nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung có xuất phát điểm về kinh tế thấp; các tiềm năng về tự nhiên và xã hội như nguồn lao động, đất đai, các loại tài nguyên thiên nhiên khác… chưa được khai thác hợp lý phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Điều này dẫn đến chủng loại hàng hóa từ nông nghiệp chưa nhiều, khối lượng hàng hóa chưa lớn, chất lượng chưa cao để chiếm lĩnh được thị trường. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, thị trường đầu ra yếu kém cũng do nhân tố chủ quan quyết định. Việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo thị trường chưa được quan tâm đúng mực. Tình trang tư thương chi phối gần như toàn bộ thị trường nông thôn. Do đó, người nông dân một mặt vừa tập trung cho hoạt động sản xuất, mặt khác phải lo tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp làm ra, nên thường bị ép giá, thu nhập kinh tế cũng như lợi ích của người sản xuất nông nghiệp chưa được bảo vệ, khuyến khích.
Thứ ba, mô hình hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa thật sự hiệu quả, chưa huy động được đông đảo hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã nhằm liên kết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những hạn chế không chỉ đối với các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam, mà còn là vấn đề chung của cả tỉnh và ngành nông
nghiệp của nước ta. Nguyên nhân chính là chưa có cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động của các mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Một số quy định về mặt pháp lý còn chưa được hướng dẫn cụ thể như xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể hợp tác xã, đã tạo tâm lý lo ngại đối với người nông dân khi tham gia xã viên.
Các hợp tác xã nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị máy móc cũ kỹ… Đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa năng động trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Công tác điều hành, quản lý yếu kém của đội ngũ cán bộ dẫn đến việc tự chủ của các hợp tác xã chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào chính quyền các cấp, ngay cả việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phân công quản lý hoạt động của hợp tác xã còn nhiều chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các ngành liên quan. Chính những vấn đề này đã làm cho các hợp tác xã hội nghiệp ở các huyện đồng bằng Quảng Nam trong giai đoạn 1997-2017 hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Vì thế đã tạo tâm lý lo ngại của người nông dân, không tích cực tham gia vào hợp tác xã để liên kết trong quá trình sản xuất.
Thứ tư, hạ tầng cơ sở nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, mang tính dàn trải, thường xuyên bị hư hỏng do chất lượng kém và bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong giai đoạn 1997-2017, hạ tầng cơ sở nông thôn các huyện đồng bằng đã có những tiến bộ trong việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình xây dựng như hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, kênh mương… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn lực kinh phí hạn chế nên việc đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn chưa được triển khai đồng bộ. Trong khi đó hoạt động sản xuất của các địa phương chưa được quy hoạch thành vùng tập trung, việc đầu tư phải mang tính dàn trải đồng đều giữa các khu vực. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cơ quan quản lý chưa thực hiện tốt công tác giám sát, đơn vị thi công thực hiện không đảm bảo các quy trình kỹ thuật… Chính điều này làm cho nguồn kinh phí giảm, chất lượng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp thấp.
Công tác quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư chưa thực sự đem lại hiệu quả. Chưa huy động được các nguồn lực xã hội và người nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nguồn vốn đầu tư cho quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại chưa được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp, nên năng suất lao động chưa cao, chưa cắt giảm được nhân công và thời gian phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Thứ năm, mặc dù tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa tha thiết và tâm huyết vì hiệu quả
đầu tư mang lại không cao, hoặc trong cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa tạo được hành lang thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặc dù đã có những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng vẫn còn không ít rào cản, nhất là hệ thống thủ tục rườm rà, nhiều tầng nấc. Việc đầu tư vào nông nghiệp mang nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, tạo ra những thách thức ngành nông nghiệp trước sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chính sách chưa thật sự “mở” để các doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều nguồn lực trong sản xuất, phát triển kinh tế chưa được khai thác và huy động triệt để, vẫn còn tình trạng để nguồn vốn trong dân nhàn rỗi, lãng phí.
Việc khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nhằm hình thành chuỗi giá trị chưa được quan tâm đúng mức. Các sản phẩm khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu. Vì vậy mà giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản các huyện đồng bằng chưa đủ mạnh để chiếm ưu thế trên thị trường nông sản của cả nước.
Trong giai đoạn 1997-2017, phần lớn các mặt hàng nông sản chủ yếu giao dịch theo hình thức truyền thống, chưa phát triển mạnh trên sàn giao dịch điện tử, nên việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm, kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Chính những vấn đề này cũng là trợ ngại trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các huyện đồng bằng nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Thứ sáu, cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp cấp huyện và cấp tỉnh còn bộc lộ nhiều mặt khiếm khuyết nhất định, như năng lực quản lý, điều hành và việc đề ra chính sách nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Việc cải cách thủ tục hành chính nói chung và trong nông nghiệp nói riêng còn nhiều bất cập, nhiều tầng nấc; nguồn lực, con người phục vụ cho việc thực thi các chính sách về phát triển nông nghiệp không đảm bảo…
Hạn chế của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai đồng bộ, chưa hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản. Điều này đã gây trở ngại không nhỏ đối với quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp của người nông dân và các doanh nghiệp.
Việc xác định vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế của các huyện đồng bằng chưa có sự thống nhất. Vì vậy, việc quy hoạch và hoạch định chính, thực thi các chủ trương, chính sách đối với phát triển nông nghiệp các huyện đồng bằng trong giai đoạn 1997-2017 gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là chính sách giao đất sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư…
Một trong những hạn chế của công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện, mà còn là vấn đề chung của cả nước. Đó là việc điều chỉnh chính
sách bảo hộ sản xuất nông nghiệp đang được tiến hành theo lộ trình cam kết giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, làm tăng khó khăn cho nhiều ngành nông nghiệp và nông dân. Trong khi đó, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 1997-2017 năng suất lao động còn ở mức thấp, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cao, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng nông sản của các nước tiên tiến được nhập khẩu vào nước ta.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp phân tán cũng gây trở ngại không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước đối với nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ không những khó khăn cho hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, mà còn khó khăn đối với việc triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, hình thành các hoạt động dịch vụ, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Những hạn chế, khiếm khuyết quản lý nhà nước về nông nghiệp ở các huyện đồng bằng chưa có giải pháp hợp lý để khắc phục. Trong khi đó, yêu cầu của hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những thành tựu quan trọng, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Thứ bảy, chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa 4 “nhà”: Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp, Nông dân. Mối liên kết thiếu chặt chẽ đã làm cho quá trình hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất không đồng bộ; người nông dân, doanh nghiệp không an tâm đầu tư, sản xuất.
Trong giai đoạn 1997-2017, sự liên kết giữa Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp ở các huyện đồng bằng nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung vẫn còn rất lỏng lẻo. Người nông dân vẫn còn tự thân huy động nguồn vốn đầu tư, cũng như việc liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường sản phẩm trong xu thế cạnh tranh. Trong khi đó, năng lực của cán bộ quản lý nhà nước về nông nghiệp các cấp và các hợp tác xã chưa theo kịp xu thế phát triển trong tình hình mới. Việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp còn ở phạm vi hẹp, chưa có tính dự báo để có phương án