7. Bố cục của luận văn
1.4. Tiền đề về chủ trương, chính sách
1.4.2. Chủ trương, chính sách do tỉnh Quảng Nam ban hành về phát triển nông
nông nghiệp, nông thôn (1997-2017)
Ngay từ những ngày đầu chia tách tỉnh, Quảng Nam được xác định là một địa phương có nền sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của tỉnh. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chủ yếu đến năm 2000 là “đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế theo cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ” [21, tr. 8]. Tiếp đến, tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 2 (tháng 01/1998) tiếp tục xác định: “Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở nông thôn, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, con vật nuôi...” [52, tr. 464].
Nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, ngày 12 tháng 01 năm 1998, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chương trình hành động số 08- CTr/TU nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị (1998) về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chương trình hành động nêu rõ, cần phải đảm bảo an toàn lương thực trên địa bàn trong mọi tình huống; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, thương mại du lịch theo hướng CNH, HĐH; bằng mọi biện pháp giải quyêt tốt việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm xã hội, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo; cần đề ra các chính sách phù hợp để huy động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng và trồng rừng; chú trọng phát triển mạnh mẽ nuôi trồng thủy sản ... Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; coi trọng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách về các thành phần kinh tế, về quan hệ sản xuất; tập trung giải quyết tốt các vấn đề đất đai; chú trọng chính sách đầu tư, khoa học - công nghệ và công tác quy hoạch; chú trọng chính sách thị trường cho phát triển sản xuất; giải quyết các vấn đề xã hội gắn với phát triển kinh tế [20, tr. 3].
Nhằm quy hoạch lại đồng ruộng, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, tăng cường hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện máy móc trong sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, ngày 06 tháng 02 năm 2004, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác “dồn điền, đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Chỉ thị nêu rõ, các cấp ủy đảng tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ tầm quan trọng và hiệu quả của việc “dồn điền, đổi thửa”, trên cơ sở đó người dân tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện, góp
phần quy hoạch lại đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong lao động sản xuất nông nghiệp [41, tr. 572].
Ngày 22 tháng 4 năm 2010, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND, về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Đây là một trong những chủ trương của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung cũng như kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng của tỉnh nói riêng. Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất và nâng cao sản lượng nông nghiệp của người dân. Tiếp sau đó, ngày 14 tháng 12 năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 61/2012/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND, ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015.
Ngày 01 tháng 9 năm 2011, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Nghị quyết xác định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hội của tỉnh. Quá trình công nghiệp hóa phải gắn liền với công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn là điều kiện bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh.
Ngày 14/12/2012, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 66/2012/NQ- HĐND, về Cơ chế hỗ trợ phát triển một số cây trồng gắn với kinh tế vườn - kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2013-2016.
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, ngày 11 tháng 12 năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 178/2015/NQ-HĐND, về Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nhất là các ưu đãi về thuế, đất đai... để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh cũng như đối với các huyện đồng bằng Quảng Nam.
Ngoài những chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh đề ra, các huyện đồng bằng cũng có những chủ trương, đường lối trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương mình, như:
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Điện Bàn lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2000-2005) đã đề ra phương hướng chủ yếu trong 5 năm từ 2000-2005 của huyện là “tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn toàn diện, đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội...” [19, tr. 244]. Như vậy, vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp được quan tâm hàng
đầu trong nghị quyết của Đảng bộ huyện, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương lúc bấy giờ.
Đại hội Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XV (nhiệm kỳ 1996-2000) xác định “khai thác tiềm năng, lợi thế về quỹ đất, mặt nước, vốn, ngành nghề truyền thống để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo cơ cấu kinh tế nông - công - dịch vụ, đảm bảo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân”. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2005-2010) cũng khẳng định, từng bước phát triển kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp - nông thôn, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng lực sản xuất kinh doanh hàng hóa của các thành phần kinh tế [17, tr. 264].
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Tam Kỳ lần thứ XVI (1997-2000) đã đề ra 5 mục tiêu lớn cần phải đạt được cho đến năm 2000, trong đó có mục tiêu quan trọng về nông nghiệp, đó là “phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với việc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa” [4, tr. 198].
Như vậy, có thể thấy rằng, việc ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh và các địa phương đã thể hiện sự coi trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với việc phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung và các huyện đồng bằng nói riêng. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành, từng địa phương đã cụ thể hóa, tạo tiền đề cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1997-2017.
Tiểu kết chương 1
Các huyện đồng bằng Quảng Nam có bề dày về lịch sử hình thành và quá trình xây dựng, phát triển. Với những nét tương đồng về khu vực địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hoạt động sản xuất, có thể thấy rằng, các huyện đồng bằng có những tiền đề về điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Ở mỗi địa phương với những đặc điểm riêng về kinh tế - xã hội cũng tạo nên những thuận lợi và khó khăn cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và Phú Ninh, là những vùng có lợi thế nhất định để phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi đó, ngành nuôi trồng thủy hải sản chủ yếu phát triển ở huyện Núi Thành và một phần ở huyện Thăng Bình, Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ.
Trong giai đoạn 1997-2017, với nguồn lực về dân số dồi dào, tốc độ phát triển dân số cơ bản ổn định, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, là điều kiện thuận lợi để các huyện đồng bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam với tiềm năng về nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đó là lực lượng lao động có độ tuổi trung bình trẻ, có sự năng động, sáng tạo, được tiếp cận với nhiều kiến thức mới và những thành tựu khoa học, kỹ thuật trong thời đại mới... Đó là những tiền đề quan trọng để các huyện đồng bằng Quảng Nam khai thác hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cùng với những tiền đề về dân số, nguồn nhân lực, việc ban hành những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế nông nghiệp đã tạo những điều kiện thuận lợi trong việc triển khai phát triển kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng nói riêng, tỉnh Quảng Nam và cả nước nói chung. Trong giai đoạn 1997-2017, các nghị quyết của Trung ương được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với nông nghiệp như Nghị quyết “về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010”, Nghị quyết “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”... là cơ sở về mặt đường lối để các huyện đồng bằng Quảng Nam xây dựng các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với phát triển nông nghiệp của Nhà nước đã khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, ngành nông nghiệp các huyện đồng bằng đã có những cải thiện về nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nhất là việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện đồng bằng Quảng Nam.
Chương 2:
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP CÁC HUYỆN ĐỒNG BẰNG TỈNH QUẢNG NAM (1997-2017)
Nông nghiệp là một ngành sản xuất quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những nước đang phát triển. Nước ta là một quốc gia xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, vì vậy, sản xuất nông nghiệp lại càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), trong bối cảnh chung của cả nước, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nhanh chóng bắt tay vào việc khắc phục hậu quả của chiến tranh, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Trong bối cảnh chung của cả nước và của tỉnh, sản xuất nông nghiệp các huyện đồng bằng6 bị tàn phá nặng nề. Phần lớn đất đai bị hoang hóa. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Cuộc sống của người nông dân gặp muôn vàn khó khăn. Trước thực trạng của nền kinh tế nông nghiệp và yêu cầu cấp bách trong việc khôi phục sản xuất, chính quyền cách mạng các huyện đồng bằng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, nhất là tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội.
Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với sự phấn đấu, nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, sản xuất nông nghiệp các huyện đồng bằng đã từng bước đi vào nề nếp. Diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang trong chiến tranh đã được phục hóa, một số diện tích đất sản xuất mới được mở rộng... Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng trước khi chia tách tỉnh (1976-1996) bước đầu được ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
2.1. Kinh tế nông nghiệp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước năm 1997
Sau khi thống nhất đất nước, để nhanh chóng ổn định sản xuất nông nghiệp, cùng với việc triển khai những chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh, các huyện đồng bằng đã đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cấp bách, như: triển khai việc rà phá bom mìn trên đồng ruộng, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất; đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác; phát động phong trào toàn dân làm làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp... Đến cuối năm 1976, các huyện đồng bằng đã xây dựng được 22/31 hồ chứa nước lớn nhỏ của toàn tỉnh, 26/34 trạm bơm điện, 8 km kè chống xói lỡ và 183 km đê ngăn mặn [44, tr. 273]. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã cũng được chú trọng. Tháng 11 năm 1977, tỉnh tiến hành xây dựng thí điểm 2 HTX nông nghiệp Duy Phước (huyện Duy Xuyên) và Bình
6 Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, đối tượng nghiên cứu được xác định là các huyện đồng bằng trước và sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1997), gồm các đơn vị Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành.
Lãnh (huyện Thăng Bình); đến năm 1978, trên địa bàn các huyện đồng bằng đã xây dựng được 95 hợp tác xã [11, tr. 23].
Từ chủ trương “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” và “phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi” của tỉnh, ngày 23/4/1977, công trình Đại thủy nông Phú Ninh khởi công xây dựng, đã hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng năm 1987, với năng lực tưới 23.000 ha [11, tr. 23]. Đây là sự kiện quan trọng đối với bà con nông dân các huyện đồng bằng, nhất là các huyện đồng bằng phía nam của tỉnh, góp phần quan trọng đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, ngày 10 tháng 4 năm 1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 03-NQ/TV “về kế hoạch hợp tác hóa nông nghiệp”. Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đến năm 1980, cải tạo về căn bản quan hệ sản xuất, bước đầu xây dựng về cơ sở vật chất - kỹ thuật và nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo hướng chuyên canh trên địa bàn cấp huyện, thay đổi lớn về cơ cấu các mặt sản xuất, xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất phát triển có tốc độ nhanh và vững chắc, giải quyết cơ bản nhu cầu về lương thực, thực phẩm, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp và góp phần cho xuất khẩu. Phương châm thực hiện là làm từng bước, tích cực và vững chắc [54, tr. 60].
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã có những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những chủ trương, chính sách đối với kinh tế nông nghiệp. Ngày 28 tháng 7 năm 1988, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 06-NQ/TU về“Đổi mới quản lý kinh tế nông