7. Bố cục của luận văn
2.2. Giải pháp phát triểnkinh tế nông nghiệp các huyện đồngbằng tỉnh Quảng
2.2.2. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn
Nhằm đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp quan trọng như đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu và Sở KH&CN trong việc chuyển giao, tiếp nhận kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng khuyến khích người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đưa khoa học công nghệ vào triển khai trong hoạt động sản xuất.
Trong lĩnh vực trồng trọt, để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, các huyện đồng bằng Quảng Nam đã khuyến khích các cơ quan chuyên môn của địa phương tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, liên kết với các viện nghiên cứu, Sở KH&CN trong việc tiếp nhận, bàn giao những kết quả nghiên cứu để áp dụng vào sản xuất.
Trong giai đoạn 1997-2017, các huyện đồng bằng Quảng Nam đã triển khai áp dụng một số kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, như tưới nước tiết kiệm cho lúa “ướt khô xen kẽ”, giảm phát thải khí nhà kính cho đối với một số vùng thiếu nước trồng lúa từ năm 2014, ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài “Xác định liều lượng phân bón hợp lý cho các chân đất lúa chính tại Quảng Nam” tại các cánh đồng của thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình [35].
Ngoài ra, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong lĩnh vực trồng trọt như sản xuất lúa, rau quả, dưa, hoa cây cảnh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình sản xuất rau thủy canh, sử dụng nhà kính đối với trồng rau màu, hoa cây cảnh, hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống theo dõi giám sát tự động, công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn hay hệ thống nuôi tôm tự động… cũng được áp dụng ngày một phổ biến.
Trong sản xuất cây lương thực ngắn ngày, các huyện đồng bằng đã tích cực du nhập các giống cây trồng mới như: giống lạc mới, năng suất cao (L14, L23, LDH 01, TB25), giống ngô lai F1, giống ngô ngắn ngày, các giống chịu hạn tốt để ứng phó với biến đổi khí hậu (như CP 333, CP 888, PAC 339, PAC 999), măng tây xanh giống Thái Lan nhập nội, hạt giống lai F1… [56, tr. 3]. Một số loại cây trồng ngắn ngày cũng được du nhập nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất như hoa Lily nhập nội từ Hà Lan, giống keo lai nuôi cấy mô… Ngoài các loại cây lương thực, cây rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, các địa phương như Hội An, Thăng Bình còn đẩy mạnh trồng các loại cây cảnh, cây hoa cho giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học về các giống cầy trồng cho năng suất cao, ứng dụng các kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, ngành trồng trọt đã được chú trọng đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy cày, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp, máy sấy… Việc lắp đặt các hệ thống tưới tự động cũng được chú trọng, nhất là đối với lĩnh vực trồng các loại cây hoa màu, hoa cây cảnh… góp phần giảm chi phí và nhân công lao động. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất rau thủy canh đã được đầu tư triển khai rộng rãi, hiệu quả và năng suất trồng rau ngày càng tăng, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhằm khuyến khích người nông dân đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm, ở giai đoạn 1997-2017, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã triển khai một số giải pháp quan trong, như: giải pháp về đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất các giống nuôi mới có sức đề kháng dịch bệnh tốt và cho năng suất cao. Giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp và người nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay trong phát triển chăn nuôi, nhất việc đầu tư cho phát triển mô hình trang trại, trang bị phương tiện kỹ thuật cho chuồng trại, chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tự động hóa chuồng nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Trong giai đoạn 1997-2017, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chăn nuôi đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó tập trung nghiên cứu vào một số lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng các tiên bộ khoa học mới trong sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng tập trung nhiều lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi.
Từ những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của các cơ quan chuyên môn, các huyện đồng bằng đã triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, như ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, lợn, chăn nuôi bằng chuồng lạnh, trang bị hệ thống làm mát, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng hệ thống biogas xử lý chất thải và gần đây đã phát triển hệ thống biogas bằng công nghệ composite, chế biến thức ăn tại chỗ và giảm giá thành phục vụ cho chăn nuôi bò thâm canh.
Trong chăn nuôi lợn, ngành nông nghiệp các huyện đồng bằng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nông dân đưa vào nuôi các giống lợn thế hệ F1 (được lai từ móng cái thuần chủng và ngoại nhập thuần chủng) có trọng lượng và hàm lượng thịt nạc cao, đã chiếm chỗ và thay thế gần như hoàn toàn giống lợn cỏ truyền thống, tạo ra bước phát triển mới trong chăn nuôi lợn, thúc đẩy việc hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp.
Trong nuôi bò, các giống bò có trọng lượng lớn được ngành chăn nuôi các huyện đồng bằng nhập con giống và triển khai nuôi thử trên diện rộng, như bò U, giống lai Sind, là các giống bò có trọng lượng cao gấp 1,5 đến hơn 2 lần giống bò địa phương, lại dễ nuôi do khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi của thời tiết.
Việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên các giống vật nuôi như bò, heo được áp dụng và nhanh chóng cho thấy hiệu quả so với phương pháp phối giống truyền thống trong chăn nuôi. Nhờ vậy, công tác tạo giống đã đảm bảo chọn lọc được những con giống tốt cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích người dân ngày càng hướng đến các phương pháp sản xuất mới ngày một phổ biến hơn.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, ngành nuôi trồng thủy hải sản các huyện đồng bằng tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy hải sản, nhất là đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá lăng nha đuôi đỏ, thát lát cườm, cua xanh từ giống cua bột sản xuất nhân tạo, cá đối mục. Áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, công nghệ sinh học mới, hình thức nuôi thâm canh, trong nhà lưới, theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó, việc đưa giống cua xanh từ giống cua bột sản xuất nhân tạo là một trong những đột phá trong ngành nuôi trồng thủy hải sản ở các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp các huyện đồng bằng đã khuyến khích và vận động người nông dân đưa vào nuôi trồng, góp phần nâng cao hiệu quả và sản lượng thu hoạch hằng năm [56, tr. 3]. Việc áp dụng thành công một số công nghệ mới, công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản đã khắc phục được tình trạng dịch bệnh do tác động của môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của sản phẩm nuôi trồng.
Cùng với việc áp dụng khoa học công nghệ, các huyện đồng bằng đã hướng dẫn người dân chuyển đổi, đa dạng hóa đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị. Trong đó, chú trọng việc nuôi xen canh (nuôi ghép) một số loại thủy sản nước lợ như tôm, cua, cá kết hợp trồng rong câu tại khu vực vùng triều (huyện Núi Thành), đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường. Nuôi cá nước ngọt lồng bè trên hồ thủy lợi, thủy điện (hồ Phú Ninh và hồ đập Vĩnh Trinh) và nuôi các đối tượng ở vùng nước mặn và nước lợ bằng lồng bè trên sông, liên kết doanh nghiệp đầu tư nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Trên lĩnh vực sơ chế nông sản, các hộ nông dân đã từng bước được đầu tư trang bị các phương tiện kỹ thuật theo hướng hiện đại như máy sấy, máy xắt lát, máy ép, máy đóng gói sản phẩm… nhằm đáp ứng nhu cầu sơ chế nông sản tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển và tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sơ chế nông sản ở các huyện đồng bằng Quảng Nam không những góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, mà còn giảm thiểu ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường. Một trong những quy trình sơ chế nông sản không thể thiếu chính là sấy khô sản phẩm. Quy trình này đòi hỏi công nghệ, thiết bị phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, diệt trừ mầm bệnh, đồng thời giữ được độ tươi ngon của nông sản sau khi chế biến và đưa vào thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, trong những năm qua, các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đưa công nghệ sấy vào hoạt động sơ chế nông sản. Các địa phương như thị xã Điện Bàn, huyện Thăng Bình và Núi Thành
đã đầu tư trang bị một số loại máy sấy công suất lớn nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sơ chế các sản phẩm nông nghiệp từ ngành trồng trọt.
Ngoài việc sơ chế các sản phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, việc sơ chế các sản phẩm nông nghiệp từ ngành chăn nuôi cũng được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Các huyện đồng bằng đã chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng các lò mổ tập trung nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh các giải pháp nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện đồng bằng giai đoạn 1997-2017 đã có những chuyển biến tích cực, nhất là việc ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật nhân tạo… nhờ đó, ngành nông nghiệp các huyện đồng bằng đã từng bước cải thiện và nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.