Địa bàn xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùa chú trong đời sống tâm linh của người Việt (Nghiên cứu trường hợp xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) (Trang 38 - 49)

1.3.1 .Đồng Bằng sông Hồng

1.3.2. Địa bàn xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Điều kiện tự nhiên

Ngũ Kiên là xã đồng bằng nằm ở phía đông nam của huyện Vĩnh Tường, là một trong 29 xã của huyện Vĩnh Tường nằm ở đỉnh tam giác của Đồng Bằng Bắc Bộ có nền văn minh lúa nước phát triển, nằm ở tả ngạn sông Hồng về phía Tây của tỉnh Vĩnh Phúc. Phía bắc của Xã tiếp giáp với Thị Trấn Tứ Trưng, phía nam tiếp giáp với xã Đại Tự huyện Yên Lạc, phía Tây nam tiếp giáp với xã Phú Đa, phía Đông tiếp giáp với xã Yên Đồng huyện Yên Lạc.

Tổng diện tích tự nhiên của xã là 4,9 km2

. Toàn xã có 14 thôn xóm là: Thôn Xám, Thôn Dầu, Thôn Chùa, Thôn Ven, Thôn Mới, Thôn Tân An, Thôn Cẩm Vực, Thôn Hồi Cương, Thôn Đông, Thôn Chung 1, Thôn Chung 2, Thôn Thượng 1, Thôn Thượng 2, Thôn Yên thọ. Dân số của toàn xã là 7.794 khẩu với hơn 2045 hộ, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 4.466 người, mật độ dân số 1446 người/km². 3

Ngũ Kiên có vị trí địa lý địa lý khá quan trọng trong xu thế phát triển của huyện Vĩnh Tường. Trên địa bàn xã có đê sông Hồng và đường liên huyện chạy qua địa bàn xã, cách Quốc lộ 2C khoảng 4 km, có đường tỉnh lộ 304 dài 1,8 km chạy qua địa bàn xã, và cách quốc lộ 2A khoảng 6 km. Với vị trí địa lý như vậy đã tạo cho Ngũ Kiên có nhiều lợi thế về giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các vùng lân cận. Đặc biệt, năm 2014 cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng nằm trên quốc lộ 2C nối thị xã Sơn

Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường hoàn thành càng có ý nghĩa quan trọng hơn để người dân địa phương tiếp cận, giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với các vùng lân cận.

Về địa hình của xã là một bộ phận của huyện Vĩnh Tường, nằm trong đỉnh tam giác của châu thổ đồng bằng Bắc Bộ bởi vậy có địa hình khá bằng phẳng, và được phân thành thành hai miền: Miền trên và miền dưới bởi một nhánh cụt của Sông Hồng là Đầm La Thủy. Ngày nay, nhân dân địa phương gọi đầm ấy là đầm: Đầm Rưng4 (đầm Dài) và Đầm Bưởi. Ngoài ra trên địa bàn xã còn nhiều hồ, đầm lớn nhỏ như: đầm Đông, đầm Chua, đầm Kè, đầm Khuất. Ở ngay giữa vùng đồng bằng mà có hồ nước rộng mênh mông vừa tạo cho Ngũ Kiên có một “hình thể” đẹp mà ít nơi sánh kịp, vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi tôm, cá, vừa là một yếu tố quan trọng để cân bằng sinh thái trong vùng.

Về thổ nhưỡng Ngũ Kiên là xã nằm trong vùng đất phù sa châu thổ bên trong đê, nối liền miền đất phù sa cổ, kéo dài xuống phía nam giáp với huyện Yên Lạc. Cho nên địa hình của xã khá bằng phẳng, thuận lợi cho điều tiết thủy lợi tạo điều kiện để nhân dân thâm canh cây lúa ở trình độ cao, sớm ổn định đời sống và phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước là chính.

Về Khí hậu: Ngũ Kiên nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nắng lắm mưa nhiều thuộc kiểu khí hậu của vùng đồng bằng Bắc bộ.Nhiệt độ trung bình trên địa bàn là 230C, cao nhất là vào tháng 7 (280C), thấp nhất vào tháng 1 (160C); vùng có mưa phùn nhiều vào tháng 1 và tháng 2, độ ẩm trung bình trong năm là 80%. Lượng mưa trung bình năm là 1.500mm – 2000 mm, số ngày mưa trung bình năm là 133 ngày. Mùa mưa thường từ tháng 4 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình là 189 mm/tháng; mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau với lượng mưa trung bình là 55 mm/tháng. Khí hậu trên địa bàn mang đặc trưng chung của khí hậu nhiều bắc: Mùa hạ nắng lắm mưa nhiều, mùa đông không quá lạnh đây chính là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp với cây trồng chính là

cây lúa nước, có khả năng thâm canh tăng vụ, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú.

Quá trình thành lập xã

Trên mảnh đất huyện Vĩnh Tường, đỉnh tam giác của đồng bằng sông Hồng phì nhiêu màu mỡ có vị thế của Ngũ Kiên. Trong thời kỳ các Vua Hùng theo như các tác giả Nguyễn Xuân Lân [36] và Nguyễn Quang Ân [6] có đề cập đến: Trong Việt Sử Lược [64]; và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [39], thì đất đai của cả tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay nói chung và mảnh đất của huyện Vĩnh Tường nói riêng nằm trong bộ Văn Lang của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc.

Sang thời kỳ Bắc Thuộc kéo dài 1000 năm trải qua các triều đại: Triệu, Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường địa giới hành chính của vùng đất này cũng liên tục được thay đổi: Thời Hán thuộc huyện Mê Linh quận Giao Chỉ. Từ thời Tam Quốc đến nhà Tùy thuộc huyện Gia Ninh quận Giao Chỉ. Đời Đường thuộc huyện Tân Xương quận Phong Châu Thừa Hóa.

Thời kỳ nhà Lý (1009 -1225) vùng đất thuộc lộ Quốc Oai (bao gồm Sơn Tây Cũ, Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay). Thời Trần thuộc huyện Yên Lạc Châu Tam Đới, lộ Đông Đô nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Theo vị trí của các huyện này thì địa phận châu Tam Đới thời kỳ bấy giờ ở phía bắc sông Hồng, gồm phần tây bắc tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời Kỳ nhà Minh đô hộ nước ta trong sách Đại Nam nhất thống chí[20]có viết: “Xưa là đất Phong Châu…thời thuộc Minh là châu Tam Đái, đời Lê làm phủ (Vĩnh tường)…”. Đến thời nhà Lê, trong tập bản đồ Hồng Đức được hoàn thành vào năm Hồng Đức thứ 21(1490) dưới triều Lê Thánh Tông thì địa bàn của xã thuộc huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái ( hay còn gọi là Tam Đới), Thừa tuyên Sơn Tây.

Đến đầu thế kỷ XIX, sách Các tổng trấn xã danh bị hãm(1981)5 vùng đất của địa bàn xã nằm trong tổng Kiên Cương, huyện Bạch Hạc (một trong 8 tổng của huyện Bạch Hạc6), phủ Tam Đới trấn Sơn Tây. Tổng Kiên Cương thời kỳ này gồm có 9 xã:

5Tác giả tham khảo lại của sách “ Địa Chí Vĩnh Phúc”, Nxb Khoa học Xã Hội , 2012, trang 44.

Kiên Cương, Đông Cương, Yên Thọ, Văn Trưng, Hiến trưng, Lăng Trưng, Bảo Trưng, Hồi Cương, Cẩm Vực [19,tr.98].

Đến cuối Sách thế kỷ XIX trong Địa chí Vĩnh phú có đề cập huyện Bạch Hạc thuộc Phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây bao gồm 8 tổng7, 69 xã, thôn, phường. Vị trí của Ngũ Kiên ngày nay nằm trong tổng Kiên Cương, trong thời kỳ này tổng Kiên Cương bao gồm 10 xã: Kiên Cương, Yên Thọ, Cẩm Vực, Đông Cương, Bảo Trưng, Hồi Cương, Văn trưng, Lăn Trưng, Thế Trưng, Phường Vạn Cát.

Ngày 6/1/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 20/10/1890 Thực dân Pháp lập đạo Vĩnh Yênthì địa bàn của Ngũ Kiên thuộc huyện Bạc Hạc Đạo Vĩnh Yên. Đến 12/4/1891, Toàn Quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo Vĩnh Yên thì vùng đất của xã lại thuộc huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây. Theo tác giả Ngô Vi Liễn trong: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ [40,tr.7],vào năm 1927 phủ Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Yên gồm có 10 tổng: Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Lương Điền , Mộ Khu, Yên Nghĩa, Tang Đố, Thượng Trưng, Tuân Lộ, Kiên Cương. Địa bàn của xã Ngũ Kiên ngày nay nằm trong tổng Kiên Cương. Tổng Kiên Cương ngày đó bao gồm 9 xã: Bảo Trưng, Cẩm Vực, Đông Cương, Hồi Cương, Kiên Cương, Thế Trưng, Văn Trưng, Vĩnh Trưng, Yên Thọ. Trước cách mạng tháng 8/1945 địa bàn của xã Ngũ Kiên nằm trong cương vực của ba xã: Cẩm Vực, Hồi Cương, Yên Thọ của tổng Kiên Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên [19,tr.145].

Xã Ngũ Kiên được ra đời vào tháng 5/1945 khi phong trào cách mạng của nhân dân lên cao. Để phù hợp với tình hình chung, ngày 18/4/1945 tại Lều Sen (Đầm Chua) nơi đã ra đời hội cứu tế, những hội viên trong hội đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Việt Minh này ra đời đảm nhiệm vai trò là hạt nhân lãnh đạo phong trào của 5 xã nhỏ là: Kiên Cương, Hồi Cương, An Thọ, Tân An, Cẩm Vực. Cũng vào thời điểm này khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân dâng lên mạnh mẽ ngày 20/5/1945 đã thành lập Ủy ban Đấu tranh trên địa bàn 5 xã nhỏ này. Ủy ban đấu tranh giữ vai trò như một chính quyền trong khu vực. Do đó, Ủy ban đã họp quyết

định hợp nhất 5 xã nhỏ là: Kiên Cương, Hồi Cương, An Thọ, Tân An, Cẩm Vực thành một xã lấy tên là xã Ngũ Kiên. Mỗi xã Cũ là một thôn thuộc xã mới.

Sau cải cách ruộng đất: Ngũ Kiên là một trong 29 xã của huyện Vĩnh Tường, trong xã có 3 thôn: Kiên Cương, Tân An và Cẩm Vực với dân số là 3.197 người [19,128]. Hiện nay Ngũ Kiên là một trong 29 xã của huyện Vĩnh Tường. Trong xã có 14 thôn là: Xám, Dầu, Chùa, Ven, Mới, Tân An, Cẩm Vực, Hồi Cương, Đông, Chung 1, Chung 2, Thượng 1, Thượng 2, Yên Thọ. Địa vực của xã Ngũ Kiên ngày nay nằm trên địa vực của 5 xã nhỏ của tổng Kiên Cương ngày trước là: Kiên Cương, An Thọ, Hồi Cương, Cẩm Vực, Tân An [87,tr.22].

Tình hình kinh tế của Ngũ Kiên

Ngũ Kiên là xã thuần nông, nên ngành nghề chính của người dân trong xã là sản xuất nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Các ngành nghề dịch vụ thương mại, xây dựng, vận tải tại địa phương nhìn chung đều với quy mô nhỏ.

Kinh tế nông nghiệp:

Dựa trên điều kiện thuận lợi của địa hình, đất đai của địa bàn, đặc biệt diện tích đất nông nghiệp đã chiếm 75% diện tích đất tự nhiên trên địa bàn, đất đai khá màu mỡ, nước tưới tiêu thuận lợi cho nhân dân sớm canh tác cây lúa nước. Hệ thống mương máng trên các cánh đồng ngày càng được nạo vét, xây dựng hoàn thiện bảo đảm nước tưới và tiêu nước. Người dân trong xã cần cù chịu khó bằng mồ hôi nước mắt qua nhiều thế hệ theo dòng thời gian đã tạo lập nơi đây trở thành vựa thóc, cây thực phẩm và rau quả rất phong phú. Nơi đây có khả năng thâm canh tăng vụ cao mỗi năm cấy hai vụ chính: Vụ Chiêm và vụ mùa, còn vụ đông từ tháng 10 đến tháng 12 trồng nhiều loại cây (Ngô, Đỗ, Khoai…) diện tích canh tác hàng năm tương đối ổn định: Vụ chiêm xuân 261,59 ha; vụ mùa 216,59 ha, vụ đông 160 ha. Sản xuất lương thực ngày càng phát triển: Năng suất lúa bình quân của xã đạt 60,6 tạ/ha/vụ.Tổng thu từ trồng trọt đạt 22,3 tỷ đồng[88]

Trong cơ cấu cây trồng của địa phương ngoài cây lúa là cây trồng chủ yếu mang lại năng suất cao, còn có các loại cây trồng khác rất đa dạng và phong phú: Ngô, Đậu Tương, Khoai Tây, Khoai Lang, Khoai sọ, Lạc, các loại rau để phục vụ nhu cầu của chính người dân địa phương ngoài ra còn xuất sang các địa phương khác, ngoài ra

còn có một só cây trồng khác như: Cây Dâu để nuôi tằm, Cỏ Voi để nuôi bò. Trong những năm gần đây tại địa phương đã có những chuyển đổi mạnh mẽ: Đối với những chân ruộng chũng vùng đất thấp ngập úng được chuyển sang mô hình chăn nuôi thủy sản hoặc thực hiện canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ cá; Còn những vàn ruộng cao được các hộ gia đình chuyển sang trồng: Cà Chua, rau cải Thái Lan, đậu tương lai và mở rộng diện tích cây vụ đông. Chính nhờ những chuyển đổi này đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại địa phương.Chăn nuôi

Được thiên nhiên ưu đãi, trên địa bàn xã có diện tích mặt nước lớn có nhiều có nhiều ao, hồ, đầm, phá lớn nhỏ: Đầm Đông, Đầm Bưởi, Đầm Chua, Đầm Kè, Đầm Khuất và nhiều đầm nhỏ bên trong các làng xóm. Với diện tích mặt nước lớn (hơn 102 ha) vừa giúp điều hòa không khí cho địa phương vừa tạo thuận lợi để người dân trên địa bàn phát triển nghề nuôi thủy sản. Đặc biệt, trên địa bàn còn có nhiều chân ruộng chũng trong những năm gần đây người dân cũng đã chuyển đổi sang nuôi thủy sản.Người dân trên địa bàn không chỉ giỏi nghề lúa, mà còn giỏi nghề cá. Hàng năm sản lượng cá thịt cung cấp cho thị trường là 160 tấn, cá giống 21 tấn[88].

Ngoài ra người dân trên địa bàn còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Trâu, bò, lợn, gà, chim bồ câu…Trong năm 2012 đàn Lợn của địa phương có 2.429 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 495,3 tấn. Đàn bò có 247 con; tổng đàn gia cầm của địa phương đạt 58,1 tấn; đàn chim Bồ câu là 860 con; đàn chó có 867 con. Tổng giá trị thu nhập trong chăn nuôi đạt 39,3 tỷ đồng. Đến nay, tại địa phương có 30 trang trại vừa và nhỏ chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản đồng thời kết hợp với nuôi gà, vịt, chim bồ câu mỗi nơn cũng thu lãi trên 70 triệu đồng.

Kinh tế tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ

Cùng với phát triển nông nghiệp, hoạt động dịch vụ, thương mại, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương cũng ngày càng phát triển, đến nay đã chiếm 57% giá trị sản xuất trong cơ cấu kinh tế của xã.

Tại địa phương hiện nay vẫn duy trì được các ngành nghề thủ công truyền thống của mình như: Làm bánh, làm bún, làm đậu. Thôn Tân An, thôn Mới nổi tiếng với nghề làm bún từ rất lâu đời. Nghề làm đậu tồn tại xen kẽ trong các làng xóm. Ngoài ra còn có các nghề: Nấu Rượu, làm mỳ sợi, xay sát gạo, chế biến thức ăn lương

thực, thực phẩm…Các nghề khác như: Cơ Khí, gò hàn, làm xưởng mộc cũng được địa phương chú trọng phát triển tuy nhiên quy mô còn nhỏ.

Về thương mại và dịch vụ: Trên địa bàn xã có chợ Chùa là trung tâm buôn bán chao đổi hàng hóa của nhân dân trong xã và các xã lân cận. Chợ có từ lâu đời và cũng là chợ nổi tiếng từ thời xưa đến nay. Ngày xưa chợ họp theo phiên: “Chợ chùa một tháng 6 phiên, nếu không có chợ cũng phiền cho ta”. Các cụ già tại địa phương vẫn còn lưu truyền về chợ: “Chợ Chùa chợ của ông cha; Xưa kia để lại cho bà con chung”. Ngày nay, chợ cũng được xây dựng lại với quy mô ngày càng được mở rộng để đáp ứng với nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân tại địa phương và các vùng lân cận, một mặt thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngoài ra, tại địa phương các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến đường chính của địa phương đều mở rộng kinh doanh, phát triển dịch vụ thương mại như: Vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải, hàng tạp hóa, cửa hàng sách, in ấn phô tô, dịch vụ xây dựng, hàng ăn, nước giải khát, dịch vụ giải trí, của hàng thời trang… vừa tạo công ăn việc làm của người dân trong xã, và nguồn thu nhập trong lĩnh vực này ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2012, thu nhập trong lĩnh vực này đạt 76,8 tỷ đồng.

Trong cơ cấu kinh tế của địa phương, thu nhập từ các ngành thương mại dịch vụ, vận tải ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương (46,7%); tiểu thủ công nghiệp và xây dựng (15,8%); nông nghiệp (36,5%)8. Trong cơ cấu kinh tế của địa phương đang có sự chuyển biến tích cực theo chiều hướng tăng tỷ trọng của lĩnh vực thương mại, dịch vụ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt: 21,5 triệu đồng/người/năm9.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùa chú trong đời sống tâm linh của người Việt (Nghiên cứu trường hợp xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) (Trang 38 - 49)