Bùa chữa bệnh:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùa chú trong đời sống tâm linh của người Việt (Nghiên cứu trường hợp xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) (Trang 67 - 69)

CHƢƠNG 2 : BÙA CHÚ TRONG ĐỜI SỐNG

2.2. Bùa chú trong đời sống của ngƣời dân

2.2.4. Bùa chữa bệnh:

Bùa chữa bệnh: Sử dụng với mục đích chữa những căn bệnh từ thông thường đến nan y và thậm chí là cả bệnh dịch. Loại bùa này được sử dụng dưới nhiều hình thức có thể là loại bùa uống, xông hơi, xoa bóp, hoặc cũng có thể đeo, tùy theo từng loại bệnh và tính chất nghiêm trọng của bệnh mà có những cách làm bùa khác nhau.

Trong đời sống tín ngưỡng của người Việt từ trước tới nay, chữa bệnh bằng bùa vốn không phải là việc hiếm thấy, họ đã tin và sử dụng bùa để chữa bệnh. Tuy nhiên, người ta thường sử dụng bùa chú để chữa những căn bệnh vốn không phải là bệnh lý (theo y học) mà là những căn bệnh được cho là liên quan đến một sức mạnh “siêu nhiên” nào đó. Hoặc những cách chữa mà dân gian gọi là “chữa mẹo” chữa “dấu”.

Trong đời sống tín ngưỡng của người Việt có rất nhiều căn bệnh được cho là do:Tà, ma, quỷ, thánh, trêu ghẹo, quấy phá…gây ra bởi vậy họ phải làm bùa để tống trừ con ma đó ra khỏi cơ thể. L.Cadière có viết trong tín ngưỡng của người Annam rằng:“Người ta phải tống khứ một con ma nào đó đã nhập vào người làm anh ta sinh bệnh”[34, tr.115]. Paul Giran [72] đã mô tả về việc thực hành bùa chú chữa bệnh trong đời sống của người Annam như sau:

“Để xua đuổi một tà ma ra khỏi người bị ma ám, thầy phù thủy nói:“Nhân danh Đức Phật, Ngọc Hoàng, Tam Danh, Độc Cước và các vị thánh thần khác, tôi ra lệnh người bệnh này phải được cứu chữa, những linh hồn tốt sẽ bảo vệ người này và những linh hồn xấu xa hãy biến đi”[72, tr.420].

Hay“Khi một người phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp, để xua đuổi những tà mà chiếm hữu cố ấy, thầy phù thủy làm một tượng nhỏ bằng gỗ vàng, gọi là “ngộ độc”, tượng

trưng vị thần ba đầu Tam danh; một hình khác của vị thần này được vẽ trên giấy, người ta gọi đó là Tam danh cầu tự: Cầu vị thần Tam Danh để có con. Sau đó, lá bùa này được đặt lên bụng của bức tượng nhỏ và người ta mang chôn bức tượng này ở đầu giường của người phụ nữa bị ma ám” [72, tr.420].

“Để chữa bệnh tiêu chảy,cần phải nuốt tro tàn của một lá bùa mà trên các hình vẽ và ký tự được vẽ bằng thần xa.

Hay để chữa một vết cắn, vẽ lên trên vết cắn 5 lần chữ “hổ”, đồng thời đọc câu thần chú:“Chúa sơn lâm hùng mạnh! Chúa sơn lầm hùng mạnh! Một con chó đã cắn người đàn ông khốn khổ này.Con viết những chữ này để dòng máu độc trong người đàn ông này biến mất đi” [72, tr.420].

Bên cạnh đó, trong dân gian Việt Nam vẫn truyền tụng nhiều cách chữa những bệnh linh tinh thông thường như: Hóc xương, nấc cụt, bụi vào mắt…kết hợp với những kinh nghiệm dân gian còn có sự phụ trợ của những lá bùa để chữa các chứng bệnh này. Lê Văn Lân [36] có đề cập tới bùa chữa hóc xương:“Bùa hóc xương: Viết với chữ Hổ trên giấy bản rồi đốt lấy tro hòa nước uống thì hết hóc. Một lá bùa hóc xương khác là Tam sinh phù, viết với chữ phượng ở giữa, cách dùng như bùa trên. Lý do người ta viết hai chữ này, chắc Cọp và Phượng là hai linh vật không bao giờ bị hóc xương”[36,tr111]. Bên cạnh đó, Lê Văn Lân cũng đã đề cập đến nhiều loại bùa trị ngoại thương cấp cứu như: Bùa cầm máu, bùa trị rắn cắn, độc trùng, chữa sáng mắt được ông đề cập tới trong “phù thuật Việt Nam”[36].

Có thể nói, sử dụng bùa chú để chữa bệnh cũng là một loại bùa được sử dụng phổ biến trong đời sống của người Việt, nghe thì có vẻ thật mâu thuẫn. Bởi ngay trong thế kỷ XXI, khi con người làm chủ những tiến bộ vượt bậc của y học mà lại nói chuyện bùa chú chữa bệnh thật “nực cười” nhưng tâm lý của người Việt “có bệnh thì vái tứ phương” chữa bệnh theo y học họ vẫn chữa nhưng đồng thời họ cũng tìm kiếm sự trợ giúp này từ các sức mạnh khác trong đó có bùa chú. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy: Những người đến xin bùa chữa bệnh tại nhà thầy cúng thường là những người có các triệu chứng: Mất ngủ nhiều, ngủ mơ ác mộng, hay những người mọi người gọi là “điên, hoặc bị ma nhập”, có nhiều người có thai nhiều lần bị xẩy họ cũng tìm đến thầy cúng để xin bùa.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùa chú trong đời sống tâm linh của người Việt (Nghiên cứu trường hợp xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) (Trang 67 - 69)