CHƢƠNG 2 : BÙA CHÚ TRONG ĐỜI SỐNG
2.2. Bùa chú trong đời sống của ngƣời dân
2.2.1: Bùa Trấn Trạch
Bùa trấn trạch là loại bùa dùng để bảo vệ ngôi nhà và vùng đất (thổ trạch) mà ngôi nhà xây dựng trên đó. Công lực chính là bảo vệ cho đất khỏi tà ma, quỷ quái, xua
đuổi kẻ trộm làm cầu bình an, cát lợi. Đây là thứ bùa lớn nhất được sử dụng trong đời sống của người Việt. Bùa trấn trạch thường được dán trên cửa, bốn góc phòng hoặc chôn dưới lòng đất.
Đối với người Việt nhà ở có một ý nghĩa rất quan trọng. Ngay trong ngôn ngữ, từ “nhà” vừa có ý nghĩa là một nơi cư trú, đồng thời cũng có nghĩa là một gia đình, và nó được ví như ba việc lớn nhất trong đời của người đàn ông Việt “Lấy vợ, tạu Trâu, làm nhà”. Thông thường một gia đình sẽ có một ngôi nhà riêng để ở, trong đó các thành viên của gia đình cùng chung sống với nhau. Ngôi nhà được ví là tổ ấm, là cái nôi nuôi dưỡng các thành viên trong cộng đồng gia đình đó. Ngôi nhà có bình yên, có vượng khí thì mới đem lại may mắn bình an cho gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, khi tiến hành xây dựng ngôi nhà thường kèm theo rất nhiều nghi thức phức tạp khiến nó trở thành một thứ nghi lễ tôn giáo hơn là những quy tắc về xây dựng và họ thường có rất nhiều tín ngưỡng kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà trong đó bùa chú là một hiện vật tín ngưỡng không thể thiếu trong một vài nghi lễ quan trọng của ngôi nhà như lễ: Lễ động thổ, dựng cột, lễ cất nóc, và lễ khánh thành ngôi nhà. Pierre Gourou viết:“Sau khi xây dựng xong khung nhà, người ta buộc trên cây xà nóc một mảnh vải đỏ ghi tên thần phù hộ cho việc xây dựng là Khương Thái Công”[74,tr.272], “cũng có nơi để trừ ma quỷ thì họ dán bùa bát quái, hoặc treo cuốn lịch tầu hoặc lịch của triều đình có đóng ấn son đỏ càng tốt. Cũng có nơi lại treo một nhánh Xương Rồng tượng trưng cho rồng xanh hay Thanh Long” [36, tr.178]. Bùa chú được nhắc đến trong các thực hành nghi lễ với ngôi nhà của người Việt là một “vật thiêng” chứa đựng sức mạnh có thể bảo vệ cho ngôi nhà vùng đất của họ và các thành viên sống trong ngôi nhà đó.
Việc sử dụng bùa chú để trấn trạch cho ngôi nhà của người Việt có căn nguyên từ ý thức về điều thiêng, và niềm tin về thuật phong thủy. Theo Nguyễn Đăng Duy:“Căn cứ vào cách giải thích của Đạo giáo con người từ tự nhiên mà sinh ra, nên con người sinh sống không thể tách rời khỏi môi trường tự nhiên bao quanh. Mỗi không gian gắn với con người (kể cả khi sống và khi đã chết) đó là nhà ở (dương cơ) và mồ mả (âm phần) đều có sự tác động của trên dưới bốn bên, làm cho dương cơ hoặc âm phần hưng thịnh hay suy bại. Vì thế đã sinh ra thuật phong thủy để đáp ứng yêu
cầu ấy”[13, tr.110]. Phong thủy, được ông giải thích:“phong là gió, thủy là nước hay cũng có thể coi phong là dương, thủy là âm, sự hòa hợp âm dương (gió, nước) gắn với mỗi không gian mặt đất” [13, tr.110]. Niềm tin ấy đã hình thành nên những quan niệm về thế đất, về hướng về long mạch.Có những thế đất được coi là tốt, là nơi hội tụ của “long mạch”, hay là “huyệt trường” được cho là thích hợp để: Dựng đình chùa, đặt tỉnh lỵ và đặt kinh đô, dựng nhà ở hoặc đặt mồ mả... và có những thế đất xấu không nên xây dựng nhà để ở hay đặt mồ mả tổ tiên.
Chính bởi có niềm tin vào những nguyên lý của thuật phong thủy nên khi xây dựng và thiết kế nhà cửa họ cũng tuân thủ nghiêm ngặc theo những quy luật này. Đối với người Việt “việc chọn đất làm nhà là rất quan trọng, nó quyết định đến hạnh phúc hay tai họa của cả một gia đình”[35, tr.77].Tâm lý của người Việt thường rất chú trọng đến việc chọn những thế đất, hướng đất được tin là tốt lành như các miếng đất vuông vức, nở hậu, gần các ngòi nước hay mô đất (tả Thanh Long, hữu bạch hổ, thế thượng gia hạ trì) [35, tr.77].Về hướng, hướng nam được cho là tốt.Trong đời sống của người Việt vẫn có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” bởi theo quan niệm trong phong thủy “Hướng bắc là hướng hàn thực, luôn phải trực tiếp nhận lạnh lẽo. Hướng dông là hướng Thanh Long (Rồng xanh), hướng mặt trời mọc, mọi sự sinh sôi phát triển. Tốt nhất là hướng Nam hướng này được cho là trời và đất hòa hợp, hướng này đạt mọi sự hòa hợp âm dương” [13, tr.112,113]. Những quan niệm, niềm tin vào thuật phong thủy cũng đã sớm du nhập và thẩm thấu vào những thực hành tín của người Việt. Vì thế nếu không chọn được mảnh đất đẹp về phong thủy được coi là không tốt: Người sống trong ngôi nhà đó thường ốm đau bệnh tật, gia đình không hạnh phúc, không sinh xôi nảy nở được, làm ăn khó khăn...và tất cả khó khăn trong đời sống của con người phần nhiều được quy cho ngôi nhà. Chính vì thế nếu ngôi nhà và vùng đất của họ ở không thể tránh được những điểm xấu về mặt phong thủy họ thường “sợ” sẽ bị một thế lực nào đó “đe dọa tới hạnh phúc cũng như cuộc sống của các thành viên trong gia đình họ đã tìm đến sức sự hỗ trợ của một sức mạnh siêu nhiên, có thể giúp họ hóa giải những điểm xấu về mặt phong thủy và bảo vệ họ. Bùa chú chính là vật “thiêng” chứa đựng sức mạnh như vậy. Vì thế, bùa chú được sử dụng trong các nghi lễ
quan trọng liên quan đến ngôi nhà trong tín ngưỡng của người Việt như: Lễ Động thổ, cất nóc (hay thượng lương) và lễ khánh thành nhà mới.
Pierre Gourou (1936) khi quan sát về thực hành tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến việc xây dựng nhà của người Việt ông đã nhận xét rằng: “Hạnh phúc và an lành của người trong nhà phụ thuộc vào việc xua đuổi tà khí, người ta sử dụng bùa để xua đuổi tà khí, mang lại sự bình yên cho ngôi nhà [74, tr. 286]. Và họ cho rằng: “Một con đường hay một dòng nước chạy thẳng vào ngôi nhà là xui xẻo” [74, tr.286] và ngôi nhà không được hướng vào dòng nước, hay con đường chạy thẳng vào trong nhà, một bộ phận nào đó của ngôi nhà nằm trên trục dài của con đường cũng không tốt và trong những trường hợp như thế, người ta thường bảo vệ “bằng cách dựng lên những vật cản thần bí...thông thường một con Chó Đá được chôn xuống đất để ngăn tà khí đến từ con đường đâm thẳng vào nhà” [74, tr.286]. Toan Ánh, trong cuốn: “Nếp cũ Tín Ngưỡng Việt Nam” khi làm nhà người Việt cũng đã sử dụng bùa chú Thượng lương, hay cất nóc [4]. Paul Giran, viết: “Với mục đích bảo vệ ngôi nhà và những người sống trong ngôi nhà khỏi những linh hồn xấu xa, người ta dán lên cửa ra vào hình ảnh một con gà trống, treo lên mái nhà một bó ngải, trồng trong sân một cây Nêu trên đó đã viết những câu thần chú” [72, tr. 318]. Và thông thường khi xây dựng nhà xong người ta thường sử dụng bùa để trấn trạch cho ngôi nhà của họ. Bùa được sử dụng trong việc trấn trạch ngôi nhà đã quen thuộc đến mức nhiều người họ không còn “cho đó là bùa chú” mà là “ những quy tắc, kiêng kỵ” khi lên nhà mới và dường như đã trở thành một phần nghi lễ không thể thiếu với mỗi nhà của người Việt.
Chúng tôi nhận thấy, hiện nay khi xây dựng nhà cửa người dân thường rất thận trọng trong việc: Xem tuổi chủ nhà, chọn hướng làm nhà, chọn ngày giờ động thổ và không thể thiếu được nghi lễ trấn trạch khi về nhà mới. Đối với những ngôi nhà không được hướng, không hợp với chủ nhà, không chọn được thế đất tốt, hoặc những thế đất phạm với phong thủy như: Áp bối đối diện cao đình, hai nhà đối mặt vào nhau, con đường đâm thẳng vào nhà, nóc nhà đâm vào gian giữa, hay làm nhà trên đất có người chết, ...tất cả những bất ổn này sẽ được họ dùng bùa để trấn trạch, để hóa giải và bảo vệ cho ngôi nhà và các thành viên trong gia đình. Ngay kể đối với những ngôi nhà không bị phạm vào những thế xấu trong phong thủy người dân cũng sử dụng bùa chú
để trấn trạch, bởi “theo quan niệm của dân gian, khi làm nhà đào móng làm đứt long mạch nên phải làm lễ cúng thần đất để hoàn long mạch trở lại như cũ. Mặc khác, trong quá trình làm nhà, người ra, kẻ vào, người thì thân thể không được thanh tịnh hay trên đầu đeo khăn tang hoặc những buổi thắp hương làm lễ, ma quỷ ngửi mùi hương thơm mà đến gần và ở lại, nên phải làm lễ tẩy uế, yểm bùa trấn trạch, trừ đuổi ma quỷ ra khỏi nhà”[59,tr. 245]. Tùy theo từng trường phái mà họ có cách thức làm loại bùa trấn trạch khác nhau. Phần này, chúng tôi xin đề cập đến ở phần sau.