Giá trị văn hóa – lịch sử kiến trúc của thành nhà Hồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thương hiệu du lịch cho di sản thế giới thành nhà hồ ở thanh hóa (Trang 42 - 45)

7. Bố cục của luận văn

2.1. Tổng quan về thành nhà Hồ

2.1.2. Giá trị văn hóa – lịch sử kiến trúc của thành nhà Hồ

Với những dấu tích còn lại, thành nhà Hồ là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa phương Đông. Đó là việc lấy kiến trúc để thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chí cải cách theo xu hướng thời đại, khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một thành quân chủ tập quyền kiểu Đông phương vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.

Thành nhà Hồ ra đời vào thời điểm hệ thống đế chế được xây dựng bởi các triều đại Lý – Trần đang đi đến chỗ suy vong, không chống đỡ nổi với các nguy cơ đe dọa từ bên trong và bên ngoài. Là một người từng bước dành được quyền lực dưới triều Trần Nghệ Tông và tin tưởng vào các nguyên tắc Tân Nho giáo (hay Nho giáo thực hành), Hồ Quý Ly với tư tưởng cải cách mạnh mẽ, đã đưa ra quyết định dời đô táo bạo. Vị trí của kinh đô mới không chỉ thể hiện sự lớn mạnh về quyền lực của các dòng họ ở Thanh Hóa, mà còn là biểu tượng của những cải cách mà Hồ Quý Ly và triều đại do ông sáng lập thực

hiện trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.

Vị trí của tòa thành đặt trong bối cảnh tự nhiên được lựa chọn phù hợp với các yếu tố phong thủy chính là một biểu tượng nhằm đề cao vị trí duy nhất độc tôn của nhà vua. Quy hoạch của thành nhà Hồ được thiết kế theo mô hình xây dựng kinh đô mang tính chất kinh điển của Trung Hoa, từng được ghi trong “Khảo công ký” và cho là soạn vào thời nhà Chu. Tuy nhiên, có thể thấy các nguyên tắc xây dựng kinh thành truyền thống được kết hợp với các điều kiện thực tế, như yếu tố phòng thủ rất được quan tâm. Một yếu tố khác là, việc tận dụng nguồn đá vô tận của vùng Vĩnh Lộc để xây dựng trường thành nội to lớn, có thể đã khiến cho các nhà thiết kế thấy một vòng cấm thành thường thấy là không cần thiết. Cũng như vậy, mô hình Nam Giao của thành nhà Hồ (Nam Kinh – Trung Quốc) nhưng kiểu thiết kế lại phản ánh một đặc điểm chung của nhiều ngôi đền núi thờ thần ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ví dụ rõ nhất là di sản thế giới Vạt Phu (Lào). Như vậy, Thành nhà Hồ rõ ràng là sản phẩm văn hóa của thời đại, phản ánh sự kết tinh các tinh hoa văn hóa và sự giao lưu các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và nhiều quốc gia phương Đông khác.

Nhờ các giá trị văn hóa và lịch sử nổi bật, ngày 27/06/2011, thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đáp ứng tiêu chí ii và iv.

Thứ nhất, thành nhà Hồ “Bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị

nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” (Tiêu chí ii). Có thể thấy, thành nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng Vương quyền tập trung ở thời kì cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kĩ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và

Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình, cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á.

Tuy được xây dựng trong giai đoạn lịch sử của đất nước có nhiều biến động và trong một thời gian ngắn, nhưng kinh thành Tây Đô vẫn hội tụ đầy đủ trong mình những công trình quan trọng để phục vụ cho sự hoạt động của bộ máy triều đình, quan lại. Hàng loạt các công trình trong nội thành được xây dựng, như: Cung Nhân Thọ, điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu,…

Bên cạnh đó, thành nhà Hồ “là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại” (Tiêu chí iv).

Trong lịch sử Việt Nam, trước và sau thành nhà Hồ có các kinh đô Cổ Loa (thế kỷ III trước CN), Hoa Lư (Thế kỉ X), Thăng Long (Thế kỉ XV – XVIII), thành Hoàng Đế (Cuối thế kỉ XVIII), kinh thành Huế (Thế kỉ XIX – XX). Tất cả các tòa thành này đều chủ yếu xây dựng bằng đất và gạch. Không có tòa đô thành nào được xây dựng bằng vật liệu đá. Nếu có thì đá chỉ được sử dụng ở một số vị trí xung yếu nhất như chân tường thành và cửa thành ở Đoan Môn (Thăng Long thời Lê), thành Hà Nội (Cửa Bắc thời Nguyễn). Cũng theo các tư liệu hiện biết, mặc dù đá là nguyên liệu khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Nam Á có vòng Hoàng thành được xây bằng các khối đá lớn như thành nhà Hồ.

Trong khi đó, thành nhà Hồ nổi bật lên với tòa thành nội bằng đá lớn chắc chắn, uy nghiêm, cho thấy sức mạnh tổ chức, huy động nhân lực và khả năng sáng tạo đáng khâm phục trong quy trình khai thác, chế tác, vận chuyển, nâng và xếp các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn từ mặt đất lên tới độ cao hàng chục mét. Ngoài ra, những công trình kiến trúc khác trong thành cũng được huy động đá vào các vị trí quan trọng nhất của kiến trúc kinh đô: Đá xây

bó nền, đá xây lan can thành bậc, đá chân tảng. Đồng thời, nhiều loại đá khác được sử dụng để xây dựng Nam Giao. Điều đó, cho thấy nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng đa dạng đã được phát huy ở thời kì này.

Các chuyên gia trong và ngoài nước, khi nghiên cứu các bức tường đá thành nhà Hồ, đều thống nhất việc đánh giá rất cao giá trị kiến trúc của thành nhà Hồ, xem đây là một kiến trúc đá hùng vĩ, một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử kiến trúc xây dựng thành lũy kinh đô ở Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thương hiệu du lịch cho di sản thế giới thành nhà hồ ở thanh hóa (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)