Căn cứ đề xuất giải pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thương hiệu du lịch cho di sản thế giới thành nhà hồ ở thanh hóa (Trang 77 - 82)

7. Bố cục của luận văn

3.1. Căn cứ đề xuất giải pháp

3.1.1. Chủ trương, chính sách phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là một tỉnh giàu tài nguyên du lịch, chính vì thế, phát triển du lịch cũng là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của tỉnh. Ngày 25 tháng 4 năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình “Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, thực hiện chương trình hành động Quốc gia về du lịch”. Đây được xem là một trong những động thái tích cực của các cấp lãnh đạo trong hoạt động khuyến khích xây dựng và phát triển du lịch tỉnh nhà.

Mục tiêu chung của tỉnh Thanh Hóa là thực hiện phát triển du lịch dựa trên cơ sở khai thác các nguồn lực sẵn có của địa phương để hình thành và phát triển các loại hình du lịch biển, đảo – nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái – mạo hiểm, du lịch văn hóa – nghiên cứu, du lịch làng nghề - mua sắm, du lịch cộng đồng – trải nghiệm.

Để thực hiện được mục tiêu chung, tỉnh đã lên kế hoạch cho từng mục tiêu cụ thể, trong đó có các mục tiêu về chỉ tiêu lượt khách, cơ sở lưu trú du lịch, nhân lực du lịch, sản phẩm – tuyến điểm du lịch,… Cụ thể như sau:

* Về lượt khách:

Đến năm 2020, đón được 9.000.000 lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế là 230.000 lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt 10.200 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 đạt 13%/năm về lượt khách và 27,2%/năm về doanh thu.

Đến năm 2020, có 700 cơ sở lưu trú du lịch với 32.500 phòng, trong đó dự kiến có 180 khách sạn từ 1 đến 5 sao.

* Về lao động trong ngành du lịch:

Đến năm 2020, nâng tổng số lao động trong ngành du lịch lên 50.500 người. Trong đó, lao động có trình độ Đại học chiếm 25%; lao động có trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 35%; lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề chiếm 20%.

* Về sản phẩm - tuyến du lịch:

Về sản phẩm du lịch, trong giai đoạn 2014-2020, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, giới thiệu, quảng bá và tổ chức khai thác các loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng – tắm biển; Du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh; Du lịch sinh thái, cộng đồng; Du lịch văn hóa tâm linh;…

Về tuyến du lịch, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng các tuyến du lịch trọng điểm xuất phát từ thành phố Thanh Hóa hoặc các khu du lịch biển Sầm Sơn/ Hải Tiến/ Tiên Trang/ Hải Hòa/ Nghi Sơn đi các điểm du lịch tiềm năng, trong đó thành nhà Hồ. Đây cũng chính là một sản phẩm du lịch phù hợp với kế hoạch phát triển dài hạn của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, đó là du lịch văn hóa – di sản.

* Môi trường du lịch

- Đến năm 2020, đạt 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Đến năm 2020, chấm dứt tình trạng ăn mày, ăn xin, hàng rong và chèo kéo khách ở tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

* Về cơ sở hạ tầng du lịch

Tập trung đầu tư cơ bản, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm: Sầm Sơn, Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En,

suối cá Cẩm Lương, biển Hải Hòa, biển Hải Tiến, Nam Sầm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn...

3.1.2. Chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh Thanh Hóa của tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh các kế hoạch cụ thể nhằm phát triển hơn nữa du lịch tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề ra các kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa đề ra rõ kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh. Trong đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thanh Hóa sẽ phối hợp cùng Đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương xây dựng nội dung các chuyên mục, phóng sự, clip, phim tài liệu nhằm quảng bá về du lịch xứ Thanh theo từng chủ đề và sự kiện cụ thể. Tiếp theo, UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ cho Sở Công thương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện sản xuất quà tặng lưu niệm mang biểu trưng du lịch Thanh Hóa, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh nhằm tổ chức cuộc thi và in sách “Ảnh đẹp du lịch Thanh Hóa”. Nhiệm vụ này cũng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Thanh Hóa rộng rãi và chuyên nghiệp hơn.

Ngoài các kế hoạch trên, tỉnh Thanh Hóa cũng nêu ra kế hoạch xây dựng, biên soạn và sản xuất ấn phẩm xúc tiến du lịch tỉnh; đồng thời đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn ở các khu du lịch và nâng cấp, sửa chữa, lắp mới hệ thống pano quảng cáo khổ lớn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm khuếch trương hình ảnh đặc sắc của du lịch Thanh Hóa đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Đối với hoạt động xúc tiến, UBND cũng chỉ thị cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tham gia các sự kiện chuyên ngành (năm du lịch, Festival của các

tỉnh thành khác) nhằm mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thương hiệu đặc trưng của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hơn nữa tầm ảnh hưởng của du lịch tỉnh nhà, kế hoạch cũng chỉ rõ cần khai thác thị trường khách quốc tế, mở rộng quan hệ ngoại giao, tổ chức khảo sát thiết kế tuyến du lịch đường bộ “Bốn quốc gia – Một điểm đến” qua cửa khẩu Na Mèo, bao gồm các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

3.1.3. Quy hoạch phát triển du lịch Thành nhà Hồ

Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kí quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Theo đó, quy hoạch tổng thể có quy mô 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Vùng lõi rộng 155,5 ha, gồm 03 hợp phần của khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là: Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Vùng đệm rộng 4.923 ha, gồm: Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng; Khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch; thị trấn Vĩnh Lộc; làng xã và đồng ruộng.

Kế hoạch nhấn mạnh nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan môi trường khu di sản. Để phát triển bền vững, thành nhà Hồ rất cần các định hướng đúng và khai thác hợp lí. Ngay từ bây giờ, các nhà quản lý cần tính đến bài toán vệ sinh môi trường, bảo vệ và cải thiện cảnh quan môi trường trong và quanh khu vực của di sản.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng vạch ra mục tiêu kết nối với các điểm tham quan lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh phụ cận để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử đặc biệt của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, một số tuyến điểm đã được đề xuất như:

+ Tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các kinh đô cổ: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long (Hà Nội);

+ Tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các di sản thế giới, như: Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Tràng An (Ninh Bình), Khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long (Hà Nội), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

+ Lấy trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc làm điểm xuất phát, hình thành tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các điểm, cụm điểm tham quan du lịch trong tỉnh, như: sông Mã; núi Tứ Linh, núi Đún; động Hồ Công; Đa Bút - động Tiên Sơn; Phủ Trịnh - động Kim Sơn; chùa Giáng; đền Trần Khát Chân - Phủ Trịnh - Nghè Vẹt.

+ Hình thành các tuyến du lịch chuyên đề: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng (thăm các ngôi làng truyền thống Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn...); du lịch dã ngoại kết hợp leo núi (núi Tứ Linh, núi Đún, núi Voi...); du lịch đường sông dọc theo Sông Mã...

Quy hoạch còn thể hiện ở mục tiêu xác định chức năng và diện tích đất sử dụng cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng trong từng giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Thành nhà Hồ sẽ được định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ.

Tạo căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể khu di tích theo đồ án Quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc

cảnh quan khu di tích, các biện pháp khuyến khích bảo vệ di tích, kiểm soát sự thay đổi dân số.

Với quy hoạch tổng thể được phê duyệt, hi vọng trong một tương lai không xa, thành nhà Hồ sẽ phát huy đúng tiềm năng của mình và bắt kịp đà phát triển của các di sản văn hóa khác được UNESCO công nhận.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng thương hiệu du lịch cho di sản thế giới thành nhà hồ ở thanh hóa (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)