7. Bố cục của luận văn
2.1. Tổng quan về thành nhà Hồ
2.1.3. Tài nguyên du lịch thành nhà Hồ
Di sản thế giới Thành Nhà Hồ hiện nay bao gồm 155,5ha vùng lõi và 5078,5ha vùng đệm. Trong đó, bao gồm 3 khu vực chính là: Khu vực Hoàng thành, khu vực La Thành và khu vực Đàn Nam Giao. Đây cũng chính là những địa điểm tham quan nổi tiếng tại quần thể khu di sản thế giới thành nhà Hồ.
Hoàng Thành
Hoàng thành được khoanh vùng 142,2ha. Bao gồm tường, cổng thành, nội thành, hào thành. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quản lý phần kiến trúc cổng, tường thành, đường đi xung quanh thành. Còn phần diện tích nội thành, hào thành hiện đang được chính quyền địa phương hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến quản lý (giao nhân dân trồng cấy lúa và hoa màu).
Thành Nội hình vuông với bốn bức tường xây bằng những khối đá khổng lồ phía ngoài và một lũy đất kiên cố bên trong. Một hào nước rộng bao quanh bốn mặt thành, nay đã bị lấp đầy chỉ còn sót lại vài đoạn có nước và những cánh đồng trũng xung quanh. Bốn cửa thành hình vòm cuốn đồ sộ, được mở ra chính giữa bốn tường thành, với cửa thành phía Nam có ba lối vào. Một đường trục chính chạy từ cửa Bắc xuống cửa Nam và tiếp tục kéo dài bằng con đường Hoa Nhai, dài tới 3km, để nối với núi Đún, nơi có đàn Nam Giao (đàn tế Trời). Điểm thú vị là đường trục này nằm theo một hướng lệch về phía Tây gần 450. Theo đó, tòa thành cũng có các góc vuông quay theo các hướng
chính Bắc – Nam – Đông – Tây, chứ không phải là các mặt thành như thường thấy trong truyền thống kinh thành Đông phương. Người kiến trúc sư đã có một sự sáng tạo để có thể lựa chọn núi Thổ Tượng phía Bắc làm Hậu chẩm, núi Đún phía Nam làm Tiền án. Núi An Tôn phía Tây, núi Hắc Khuyển phía Đông cùng với sông Mã và sông Bưởi, tạo nên một hình thế che đỡ, vây bọc cho toàn thành ở vị trí trung tâm.
La Thành
Hiện nay, diện tích La Thành khoanh vùng bảo vệ 9,0ha thuộc địa phận xã Vĩnh Long được nhân dân sử dụng để trồng cây bạch đàn, thuộc quản lý của UBND xã Vĩnh Long.
La Thành là vòng thành phía ngoài, cách Hoàng thành khoảng 4 – 6km về các hướng. Đây là công trình phòng thủ quân sự - đồng thời có công năng trị thủy, ngăn lũ lụt từ sông Mã và sông Bưởi, bảo vệ trực tiếp cho khu trung tâm kinh thành, được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 1399. La Thành được xây dựng trên địa hình tự nhiên, Hồ Quý Ly cho đắp đất, trồng tre, nối liền các dãy núi sẵn có. La thành đóng vai trò rất quan trọng, là tiền đồn quân sự của kinh thành, các đồn quân sự được nhà Hồ cho xây dựng dọc phía La thành để tăng cường khả năng phòng thủ trực tiếp cho kinh thành.
Người Việt Nam tích lũy nhiều kinh nghiệm đắp thành lũy. Từ Cổ Loa kinh đô đầu tiên, đắp lũy đất nối các gò đồi thành đất, và kinh đô Thăng Long với Đại La thành, đắp lũy đất dựa theo hình thế tự nhiên, vừa là công trình quân sự, lại là những đoạn đê ngăn dòng lũ sông Hồng. Kế thừa tất cả những kinh nghiệm đó, La Thành của Tây Đô được tạo nên bằng những lũy đất nối các đồi núi làm thành, mượn sông làm hào, lại cho trồng thêm tre gai để tăng cường khả năng phòng thủ. Một vòng La thành hùng vĩ dài tới 30km đã được xây dựng theo cách đó để ôm trọn cả kinh thành rộng lớn.
Tư tưởng của bậc quân vương và tài năng của nhà thiết kế đã tạo nên một bức tranh phong thủy tuyệt đẹp, kết hợp các yếu tố thiên nhiên của sông
và núi với trí tuệ và bàn tay khéo léo của con người, sáng tạo nên một toàn thành độc đáo có một không hai trong khu vực.
Đàn Nam Giao
Khu vực đàn Nam Giao được khoanh vùng bảo vệ 4,3ha, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản toàn diện.
Đàn Nam Giao được Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402 trên núi Đốn Sơn (dân gian gọi là núi Đún). Lễ tế Giao đầu tiên được tổ chức cùng năm trên. Đến năm 1980, sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc phát hiện ra di tích này.
Từ năm 2004 đến năm 2010, Viện khảo cổ và Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành 4 đợt khai quật với tổng diện tích hơn 18.000m2. Qua các đợt khai quật, đàn tế Nam giao thành nhà Hồ cũng đã phát lộ gần như nguyên vẹn, với nhiều di vật, dấu tích và mô phỏng kiến trúc độc đáo. Với tổng diện tích trên 43.000 m2, có thể nói đàn Nam Giao là một kiến trúc đàn tế khá hoành tráng trong tổng thể khu di tích thành nhà Hồ. Không những thế, qua những di vật còn lại, chúng ta cũng có thể thấy Nam Giao được trang trí khá độc đáo trên các kiến trúc có mái. Đó là thành bậc đá chạm sấu thần, tượng đầu chim phượng, uyên ương, hệ thống lá đề, hệ thống gạch trang trí chạm rồng, hoa cúc, sấu thần,…Điều này cho thấy, kiến trúc xây dựng đàn có ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo. Trong thời đại hạn chế Phật giáo thì đây cũng là điều hết sức đáng lưu ý của đàn tế Nam Giao nói riêng và nghệ thuật kiến trúc thời Hồ nói chung.
Cấu trúc đàn tế Nam giao – Thành nhà Hồ vừa mang các đặc điểm chung của đàn tế Nam Giao phương Đông, vừa mang các đặc điểm riêng của Việt Nam. Điểm khác biệt đó là phần trung tâm và cao nhất của đàn tế không phải ở chính tâm của đàn mà dựa vào sườn núi. Mặc dù vòng ngoài của nó khá giống với vòng ngoài mô hình đàn Nam Giao ở Bắc Kinh, thời nhà
Nguyên (Trung Quốc).
Đặc biệt, riêng đàn Nam Giao thành nhà Hồ có trục linh đạo quay theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Nền đàn trung tâm dịch hẳn về phía Tây Bắc, lớp tường đàn trong cùng chạy vát chéo. Vị trí xây dựng và cách thức quy hoạch các công trình theo lối cao dần lên và dựa vào núi cho thấy sự gần gũi với di sản văn hóa Vat Phu (Lào). Nó thể hiện quan niệm về một ngọn “núi thiêng” nơi thần linh ngự trị. Quan niệm này phổ biến trong các cộng đồng cư dân Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, đàn Nam Giao thành nhà Hồ thực sự độc đáo, hiếm có trong lịch sử các đàn tế phương Đông.
Với tổng diện tích trên 43.000m2, với các đặc điểm riêng có, đàn tế Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của thành nhà Hồ và góp phần đưa tổng thể di tích thành nhà Hồ trở thành Di sản thế giới.
Ngoài những điểm tham quan thuộc khu di tích thành nhà Hồ, danh thắng này còn được nâng tầm giá trị và hấp dẫn nhờ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch ở trong vùng đệm.
Đền thờ - Bi ký nàng Bình Khương
Đền thờ - Bi ký nàng Bình Khương hiện ở làng Đông Môn, xã Vĩnh Long. Đây là di tích liên quan đến lịch sử xây dựng thành An Tôn.
Truyện kể rằng: Chàng Cống sinh chồng nàng Bình Khương, là người đốc công xây dựng đoạn tường ở phía Đông Thành nhà Hồ. Do đoạn tường thành ở đây, dưới có mạch nước ngầm lớn và có cát đùn nên đoạn thành cứ xây gần xong lại bị sụt lở. Hồ Quý Ly nghi ngờ Cống Sinh có ý mưu phản làm chậm trễ công việc xây thành, nên sai người vùi thân chàng vào tường thành (có thuyết khác lại nói rằng Cống Sinh bị chôn chân bên thành cho đến chết). Bình Khương ở quê nhà nghe tin chồng tử nạn, tức tốc đến động An Tôn. Nàng gạt nước mắt hỏi thăm phần mộ Cống Sinh. Người thợ xây trỏ tay xuống một chỗ ở chân thành cửa Đông, nơi Cống Sinh bị vùi lấp. Bình Khương uất hận vô cùng, lao tới nhằm xô đẩy bức tường đá nhằm thấy chồng.
Nàng xô mạnh tới mức mười đầu ngón tay lõm sâu vào mặt đá, nhưng tường thành không hề rung chuyển. Chẳng còn cách nào khác, nàng đành đập đầu vào tường đá để chết theo chồng.
Dân địa phương cảm thương người phụ nữ tiết nghĩa, lập miếu thờ ngay bên cửa Đông thành An Tôn. Miếu thờ quy mô nhỏ nhưng qua các triều đại đều nổi tiếng, đến năm 1903 được vua sắc phong “Tiết liệt khả phong”. Cũng nhân dịp này, Vương Duy Trinh (Tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ) cho quyên tiền dựng nên ngôi đền đẹp đẽ, thay cho miếu thờ trước đó, đồng thời cho dựng bia tại đền ghi lại sự tích Cống Sinh- Bình Khương.
Với ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng trên, ngày 24 tháng 4 năm 1995, Sở Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa đã ra quyết định số 119/VHQĐ, công nhận đền thờ - By kí nàng Bình Khương là Di tích lịch sử Văn hóa.
Đền thờ Trần Khát Chân
Đền thờ Trần Khát Chân được dựng bên sườn Đông núi Đún, nên dân làng thường gọi là đền Đún, thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, đền thờ Trần Khát Chân còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật với đường nét chạm trổ. Các bước đại tự, hoành phi, câu đối, hương án, đồ thờ,…chạm khắc nghệ thuật tinh xảo. Đền có nhà hậu cung (chính tấm), hai gian xây cuốn vòm. Theo truyền lại, ở hậu cung là nơi có mộ táng Trần Khát Chân, bên trên ngôi mộ là một bệ thờ, gọi là “thượng sàng, hạ mộ”. Trên bàn thờ chính giữa đặt long ngai, bên trong có thánh vị, trên ngai khoác tấm áo gấm vàng, có bối tử màu đỏ, mũ và đai chầu cùng đôi hia đều có màu đen viền vàng.
Đền thờ Trần Khát Chân được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011. Hàng năm (nhằm ngày 24 tháng 4 âm lịch), lễ hội Trần Khát Chân được long trọng tổ chức, thu hút nhiều nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Đền Phương Nhai (đền Tam Tổng)
Ngôi đền mang tên Phương Nhai, theo tên của ngôi làng dựng đền. Hiện nay, đền nằm trên đất khu phố Mới, xã Vĩnh Tiến, cách cửa Nam thành nhà Hồ khoảng hơn 500m về hướng Nam. Ngôi đền cũng là nơi thờ Thượng tướng Trần Khát Chân, một vị tướng giữ hai vệ Kim Ngô và Long Hổ.
Truyền thuyết kể rằng: Lúc Trần Khát Chân bị hành quyết, trời bỗng nhiên sập xuống và tối mịt. Trần Khát Chân bị chém đầu, đầu rơi xuống đất, Khát Chân nhặt lắp lấy đầu vào rồi lên ngựa phóng như bay theo đường Hoa Nhai lên cổng Nam thành An Tôn. Đến khu vực Cồn Xấm, ngài gặp một bà lão bán nước vối bên đường. Khát Chân hỏi bà: “Bà có thấy ai bị chặt đầu còn lắp đầu vào rồi lên ngựa chạy được không?”. Bà lão trả lời: “Tôi nay đã 84 tuổi rồi, chỉ thấy ông là Thánh mới lắp đầu mà chạy được”. Bà lão vừa dứt lời thì cả thân và đầu Trần Khát Chân rơi xuống đất (nơi bà lão bán nước thuộc khu vực Cồn Xấm). Con ngựa của Trần Khát Chân cưỡi cùng một con ngựa khác chạy theo, cả hai con lồng lên rẽ sang trái, qua cánh đồng làng Thổ Sơn (nay là làng Thổ Phụ) xuống bến Quân (bến dành riêng cho quân lính), cả hai con ngựa lao ra giữa dòng sông Mã thì hóa. Năm đó, nước sông Mã lên to, bỗng nhiên hai con ngựa hóa nổi lên một gò bãi rộng (có tới trên 10ha), dân làng gọi là Gò Ngựa.
Sau này, các kỳ hội đảo hoặc ngày kỵ của ngài có tổ chức thi bơi thuyền đều phải bơi quanh Gò Ngựa ba vòng. Nơi Trần Khát Chân bị chém đầu dân làng lập đền Đún, chỗ thân và đầu Trần Khát Chân rơi dân làng lập đền thờ gọi là đền Phương Nhai (sau này mới có tên là đền Tam Tổng) để thờ Trần Khát Chân.
Ngày 11 tháng 2 năm 1993, đền Tam Tổng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật.
Nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng (Tây Giai)
Vĩnh Tiến, hiện đang ở ngôi nhà cổ do ông bà để lại. Ngôi nhà cổ cách thành nhà Hồ khoảng vài trăm mét. Đất của làng Tây Giai, trước kia cũng là đất của động An Tôn. Vào cuối thời Trần, mảnh đất này lác đác đã có dân sinh sống. Năm 1397, xây dựng thành An Tôn, nhà Hồ xây dựng đường phố, chợ, đặt ra các phường (trong đó có phường Lan Nhai, nay là làng Tây Giai). Từ khi hình thành phường Lan Nhai, rất nhiều dòng họ đã tụ tập về đây sinh sống. Cho đến khi bị quân Minh xâm lược, dân buôn bán và thợ thủ công ở đây đã phải chạy đi nơi khác, số còn lại chủ yếu là dân làm ruộng, làng Tây Nhai ra đời.
Năm 1428, Lê Lợi đại thắng quân Minh. Các dòng họ khắp nơi lại đến Tây Nhai sinh cơ lập nghiệp. Cụ tổ dòng họ Phạm của ông Phạm Ngọc Tùng cũng đến ở làng Tây Nhai từ năm 1600. Ngôi nhà cổ hiện tại được xây dựng năm Canh Ngọ, đời Gia Long thứ 9 (1810). Nhà gồm 7 gian, trong đó 3 gian nhà ngoài, hai bên là buồng, mỗi buồng 2 gian. Chiều dài của ngôi nhà là 20m, chiều rộng 8,20m. Nhà làm theo kiểu chồng giường, có quá giang, kẻ chuyền. Gỗ làm nhà thuộc loại tốt, có lim, sến, táu, xoan,… Mái lợp ngói mũi, cửa bức bàn (3 gian ngoài gồm 12 cánh cửa). Đặc biệt nhà được trạm trổ tinh xảo với long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai,…
Ngôi nhà ông Phạm Ngọc Tùng vừa có giá trị về kiến trúc, vừa được các thế hệ trong gia đình gìn giữ tốt, hiện còn nguyên vẹn và trở thành tài sản Quốc gia. Từ năm 2000 – 2003, lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin đã cho phép Cục Bảo tồn, Bảo tàng (nay là cục Di sản văn hóa), phối hợp với đối tác Nhật Bản (đối tác chính là Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa) thực hiện dự án tăng cường công nghệ bảo tồn và tu bổ nhà ở truyền thống ở Việt Nam do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Nội dung chính của dự án là tiến hành tu bổ 6 ngôi nhà ở truyền thống (nhà dân) tại 6 địa phương là Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Nam, Đồng Nai, Tiền Giang, Thanh Hóa. Ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng cũng nằm trong dự án này. Năm 2002, ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng được trùng tu lần thứ nhất và được UNESCO công nhận và phát bằng năm 2004. Hiện nay, ngôi nhà cũng là một trong những điểm đến hấp
dẫn khách du lịch mỗi lần đến với khu di tích thành nhà Hồ.
Ngoài các di tích, danh thắng kể trên, vùng đệm khu di tích thành nhà Hồ còn được nhắc đến nhiều với những địa danh như Động Hồ Công, danh thắng động Eo Lê, chùa Giáng (chùa Tường Vân), đình Hồ Nam, nghè Thọ Đồn,… Mong rằng, với tài nguyên du lịch dồi dào, khu di tích thành nhà Hồ nói riêng và vùng đệm nói chung sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm và yêu mến.