QUAN HỆ PHÁ P CHÂU PHI TRÊN CÁC LĨNH VỰC CƠ BẢN TỪ NHỮNG NĂM 1990 ĐẾN NAY
2.1.1. Chính sách an ninh, quốc phòng trong những năm
Các thỏa thuận quốc phòng để đi đến các hiệp định hợp tác quân sự được ký kết giữa Pháp với hầu hết các thuộc địa cũ của Pháp tại Châu Phi. Các nước Châu Phi hợp tác nhiều với Pháp là: Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Comoros, Congo - Brazzaville, Bờ Biển Ngà, Djibouti, Gabon, Senegal, Chad và Zaire (từ năm 1997 Cộng hòa Cộng hòa Dân chủ Congo). Các quốc gia khác thì có giới hạn trong hợp tác quân sự. Một số nước nhỏ đã không ký kết thỏa thuận quốc phòng ngay sau giải phóng thuộc địa, nhưng sau này cũng đi đến ký kết, vì nền độc lập ở Châu Phi luôn đi kèm sự gia tăng của các cuộc xung đột nội bộ hoặc khu vực.
Hợp tác quân sự và quốc phòng rất cần thiết do quân đội các quốc gia Châu Phi thường không có cấu trúc, không đủ năng lực và do đó không thích hợp bảo đảm quốc phòng của đất nước để chống lại phong trào nổi loạn hoặc các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Mục đích của thỏa thuận quốc phòng là để cho phép can thiệp quân sự của Pháp khi các quốc gia thành viên của thỏa thuận bị xâm lược từ bên ngoài. Điều này ngụ ý cho phép quân đội Pháp đóng quân ở các nước ký kết. Về mặt pháp lý, thỏa thuận này không cho phép dùng can thiệp quân sự để chống lại một phong trào nổi dậy của quốc gia, trừ trường hợp tấn công từ các nước thứ ba và nhóm vũ trang. Trong trường hợp có xung đột nội bộ, luật pháp quốc tế không cho phép nước Pháp tham chiến với lý do các hiệp định
quốc phòng. Nhưng trên thực tế thì sự khác biệt giữa xâm lược từ bên ngoài và khởi nghĩa là rất mờ nhạt, và có thể gây ra các nhầm lẫn.
Ngoài ra, các thỏa thuận quân sự này còn chứa nhiều điều khoản bí mật, có hiệu lực, mà ngay cả Quốc hội Pháp cũng không được biết, và điều này là bình thường do những di sản của lịch sử để lại. Các điều khoản này nhằm bảo vệ một số nguyên thủ quốc gia Châu Phi rất thân thiết của Pháp (nhưng không nhất thiết là dân chủ) sao cho quyền lợi của Pháp ở Châu Phi vẫn tồn tại.
Với những thỏa thuận quốc phòng này thì duy nhất chỉ nước Pháp là có sự hiện diện quân sự ở Châu Phi. Đây là điều mà không có bất kỳ nhà nước phương Tây nào khác đạt được. Một số người xem các thỏa thuận này là phần mở rộng của chế độ thực dân theo một cách khác, điều đó khiến sự độc lập của các quốc gia Châu Phi mang tính lý thuyết hơn là thực tế.
Nếu thỏa thuận quốc phòng cho phép sự can thiệp quân sự của Pháp trên lãnh thổ của quốc gia tại Châu Phi thì các hiệp ước, hiệp định hợp tác quân sự cho phép đào tạo, cung cấp thiết bị và giám sát đối với quân đội của nhà nước đối tác của Pháp.
2.1.1.1. Hội nghị thượng đỉnh La Baule
Bối cảnh quốc tế những năm 1990 đóng một vai trò không thể phủ nhận trong việc khích lệ tiến trình dân chủ trên lục địa Châu Phi. Sự sụp đổ của các chế độ độc tài và ý thức hệ cộng sản ở Liên Xô cũ và Đông Âu gây ra một phong trào dân chủ hóa lớn. Ở khu vực Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu và Châu Phi, trong các tài liệu tham khảo thiết yếu không thể thiếu mục “dân chủ”, nhất là khi xem xét vấn đề phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp - Châu Phi (La Baule, Pháp, năm 1990), Tổng thống Mitterrand đã tuyên bố rằng Pháp sẽ dốc toàn bộ sức lực của mình để đóng góp vào những hành động được thực hiện theo hướng dân chủ
hơn, Pháp sẽ viện trợ bình thường đối với các nước Châu Phi. Nhưng trong thực tế là sự sụp đổ của Bức tường Berlin và kết thúc Chiến tranh lạnh đã làm thay đổi ý thức hệ, bình diện chính trị, kinh tế và quân sự. Vì vậy, một trong những động lực quan trọng dành cho viện trợ đã bị mất đi, và đột nhiên Đông thay thế Nam với những ưu tiên của phương Tây. Trong thực tế, từ năm 1990 đến năm 2001, số tiền phân bổ cho viện trợ phát triển vùng Châu Phi cận Sahara của Pháp đã giảm từ 34 đến 21 USD trên đầu người mỗi năm (trong khi dân số tăng theo thời gian).
Bên cạnh đó, Châu Âu và các cường quốc khác trên thế giới cũng tìm cách áp dụng lên Châu Phi mô hình tổ chức chính trị - xã hội riêng của họ nhưng dường như lại quên mất là họ có nền văn hóa riêng, do đó, không dễ dàng xâm nhập gây ảnh hưởng vào một khu vực khác. Trong khi đó thì Pháp, vốn có lịch sử quan hệ lâu đời với Châu Phi, là quốc gia Châu Âu duy nhất dễ dàng tiếp cận với Châu Phi. Pháp đưa ra mục tiêu dân chủ, tuy nhiên Châu Phi lại muốn hòa bình, muốn phát triển, muốn dân chủ và công lý. Đôi khi, những nguyên tắc này là mâu thuẫn. Nếu tại một thời điểm nào đó cần thực hiện một sự lựa chọn thì Châu Phi vẫn sẽ xếp hòa bình lên trên, hòa bình và ổn định luôn được ưu tiên hơn các vấn đề còn lại, không phải vì không tính đến các vấn đề đó mà là vì không có giải pháp nào khác. Do đó, Pháp đã gắn thêm một nhiệm vụ nữa cho vấn đề dân chủ ở Châu Phi. Tuy nhiên, một điều kiện tiên quyết cho dân chủ hóa là việc xây dựng hòa bình. Đây là lý do tại sao Pháp thực hiện một chương trình xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình của Châu Phi (RECAMP – Renforcement des Capacités Africaines au Maintien de la Paix).
2.1.1.2. RECAMP: Chương trình nghị sự cho việc trao quyền tự chủ cho Châu Phi trong lĩnh vực quốc phòng
Năm 1997, Thủ tướng Lionel Jospin khẳng định chính sách mới của Pháp đối với Châu Phi là "không can thiệp, cũng không thờ ơ." Như vậy, Pháp quyết tâm giảm bớt sự can thiệp trực tiếp và đơn phương của mình vào Châu Phi, để Châu Phi tự lo cho an ninh của mình. Can thiệp của Pháp từ nay chỉ là một phần trong bối cảnh đa phương, dựa trên các quyết định đưa ra trong một khuôn khổ Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.
Hơn nữa, ý thức về sự hoạt động yếu kém của quân đội Châu Phi và sự cần thiết phải làm cho Châu Phi tự tự vệ, Pháp đã thành lập vào năm 1997 một chương trình xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình của Châu Phi (RECAMP). Chương trình này nhằm mục đích giúp các nước Châu Phi tự đảm bảo an ninh của lục địa này trong khuôn khổ khu vực, và phối hợp với Liên Hiệp Quốc trong các lĩnh vực phòng chống và quản lý xung đột. Các hoạt động chính của chương trình là đào tạo, huấn luyện và trang bị quân sự, sao cho Châu Phi có đủ điều kiện trước sự can thiệp của các nước trong khu vực của họ. Do đó, chương trình được kiên quyết thực hiện nhằm tăng cường tính tổ chức cho khu vực Châu Phi, với mục đích nhìn thấy sự can thiệp của Pháp dần dần giảm xuống, chỉ còn là vai trò hỗ trợ chứ không phải là hành động trực tiếp và đơn độc. Mục đích khác là Pháp không còn giới hạn ở những cựu "sân sau" tại Châu Phi.
Một số người xem chương trình này một sự xóa bỏ tuyệt đối chủ nghĩa thực dân vốn đã bị kỳ thị trước đây, cũng như cho rằng chính sách này khuyến khích người dân Châu Phi có được vận mệnh của mình trong tay. Những người khác tố cáo tính đạo đức giả của chương trình này vì đứng về mặt ngân sách để cân nhắc thì sẽ thấy là để cho người khác làm sẽ ít tốn kém hơn là tự làm.
Trong khi đó, cũng cần lưu ý rằng người Anh và người Mỹ cũng đã thiết lập một chương trình tương tự. Đó là "Quỹ chung cho ngăn chặn xung
đột ở Châu Phi" (Chương trình ngăn ngừa xung đột Châu Phi, CAPP) đầu tiên và sau này là một chương trình viện trợ và đào tạo cho các hoạt động khủng hoảng Châu Phi (Hoạt động Đào tạo Hỗ trợ Dự phòng Châu Phi, ACOTA).