ĐÁNH GIÁ MỐI QUAN HỆ PHÁ P CHÂU PH
3.1. Tính chất, đặc điểm của mối quan hệ Pháp – Châu Ph
Quan hệ Pháp – Châu Phi là mối quan hệ truyền thống lâu đời và đa lĩnh vực. Mối quan hệ này đã có từ hàng thế kỷ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, như trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trước và sau Chiến tranh lạnh. Ở tất cả các giai đoạn đó, Pháp và Châu Phi luôn triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, có thể coi là một mối quan hệ toàn diện: an ninh – quốc phòng, kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội. Về phía Pháp, Pháp luôn có những chính sách ngoại giao của riêng mình cho khu vực Châu Phi để duy trì và phát triển các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, viện trợ,… cho phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử. Về phía Châu Phi, do những di sản lịch sử để lại, văn hóa Châu Phi ảnh hưởng đậm chất phong cách của Pháp, từ ngôn ngữ đến giáo dục, kinh tế, quốc phòng,… vậy nên Châu Phi luôn tính đến sự có mặt của Pháp trên con đường phát triển của mình, cho dù trong bối cảnh hiện tại Pháp không còn là quốc gia duy nhất can thiệp được vào đời sống của Châu Phi.
Từ Chiến tranh lạnh đến nay, mối quan hệ Pháp – Châu Phi đã phải điều chỉnh. Quan hệ Pháp và Châu Phi thay đổi từ quan hệ “ông chủ thực dân” và “tôi đòi thuộc địa” sang quan hệ giữa các quốc gia độc lập, từ đó thấy rõ mối quan hệ này đã chuyển từ trạng thái bất bình đẳng, lệ thuộc sang hướng bình đẳng hơn và phụ thuộc vào nhau. Khi các quốc gia Châu Phi giành được độc lập thì trong quan hệ với Pháp và ngược lại lại là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, bình đẳng, song do không chỉ có Pháp quan tâm đến Châu Phi và ngược lại, do đó mối quan hệ này trở nên phụ thuộc lẫn nhau.
Trong quá trình phát triển của mình, Châu Phi luôn cần đến Pháp – một quốc gia đã quá thấu hiểu Châu Phi, đã đang và sẽ luôn ở bên cạnh Châu Phi. Ngược lại, Pháp cũng không muốn mất đi một thị phần mà xưa nay vẫn nằm trong toàn bộ chiến lược của Pháp, nên Pháp vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của mình tại Châu Phi.
Xu thế toàn cầu hóa đã tác động đến mọi quốc gia, mọi khu vực. Mối quan hệ của Pháp – Châu Phi không còn chỉ dừng lại giữa hai đối tượng là Pháp và Châu Phi khi cả hai nghiên cứu chiến lược hoạt động và phát triển của mình nữa, mà cần phải tính đến sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, đó chính là sự can thiệp từ đơn phương sang đa phương. Pháp không thể một mình gây ảnh hưởng đến Châu Phi, mà phải đặt mình vào hoàn cảnh chung của Liên minh Châu Âu, Liên Hiệp Quốc, hay các tổ chức quốc tế khác…
Tuy nhiên, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, do Pháp đã “quen thuộc” với Châu Phi và có mối quan hệ chặt chẽ, nên trong những trường hợp phải can thiệp do xung đột, thì dù với danh nghĩa tổ chức quốc tế, Pháp vẫn luôn là nước dẫn đầu, đôi khi là nước duy nhất và có mặt ngay lập tức để can thiệp ở Châu Phi. Điều đó cho thấy tiềm lực và vai trò của Pháp tại Châu Phi, đồng thời cũng làm các bên lo ngại về kiểu chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Trong bối cảnh đó, cộng thêm những khó khăn về tài chính trong cuộc khủng hoảng tài chính của thế giới vừa qua, quan hệ của Pháp – Châu Phi về mặt quốc phòng, kinh tế, văn hóa, viện trợ… đều bị giảm về lượng. Sự xuất hiện của các cường quốc khác bên cạnh Châu Phi cũng làm cho con số này của Pháp đối với Châu Phi giảm đi đáng kể.