II. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế
b) Tiến hành công nghiệp hóa nước nhà
Nếu những năm 20-30 và 40 của thế kỷ XX, ở Hồ Chí Minh, con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của đất nước mới dừng lại ở dạng tổng quát lý luận thì bắt đầu từ giữa những năm 50 đã được cụ thể hóa thêm một bước với những nội dung xác thực. Một trong những nội dung đó là việc triển khai và đi đến thực hiện quan điểm công nghiệp hóa nước nhà. Từ nhận thức đường đi nói chung (về thực chất là xác định đúng quy luật vận động khác quan của lịch sử), Hồ Chí Minh hướng lý luận vào giải quyết vấn đề đặt ra với xã hội Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh: “Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta… đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường.
Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà.
Hiện nay, chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”29.
Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh hàm chứa những nội dung thật sự sâu sắc. Thứ nhất, Hồ Chí Minh xác định công nghiệp hóa là một giai đoạn tất yếu, không thể tránh khỏi, một nội dung bắt buộc của tiến trình đi tới xã hội chủ nghĩa; không tiến hành công nghiệp hóa, không thể có chủ nghĩa xã hội theo đúng nghĩa của nó. Thứ hai, Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò tiến bộ lịch sử của công nghiệp hóa, đó là quá trình thúc đẩy sản xuất xã hội phát triển, giải phóng sức lao động, giải phóng con người, tạo ra những bước đột khởi trong khai thác tự nhiên. Tóm lại, công nghiệp hóa có khả năng đem đến một năng suất lao động xã hội cao - nhân tố quyết định để một xã hội này chiến thắng một xã hội khác.
Thứ ba, Hồ Chí Minh nêu bật mục đích cuối cùng của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa: đem lại “đời sống dồi dào”, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây chính là bản chất xã hội của quá trình công nghiệp hóa do giai cấp công nhân lãnh đạo, là ranh giới để nhận diện công nghiệp hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với công nghiệp hóa diễn ra trong điều kiện chế độ tư bản chủ nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh sử dụng tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn liền với thuật ngữ “công nghiệp hóa”.
Bởi lẽ, ở Hồ Chí Minh, với tư cách là một quá trình lịch sử tự nhiên, công nghiệp hóa bao giờ cũng có một định hướng cụ thể, hàm chứa cả nội dung xã hội và giai cấp. Đối với Hồ Chí Minh, không có công nghiệp hóa chung chung, mà chỉ có thể; hoặc là công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa, hoặc là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Bản chất giai cấp sẽ chi phối cách lựa chọn bước đi,
phương thức tiến hành và các động lực thực hiện quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cần phải tiến hành công nghiệp hóa. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt và tầm nhìn sâu rộng, Hồ Chí Minh đã đề xuất quan điểm lựa chọn độc đáo: trong một nước nông nghiệp như Việt Nam, cơ sở và điều kiện của công nghiệp hóa là nông nghiệp; phải bắt đầu từ nông dân và lấy nông nghiệp làm khâu đột phá.
Với tư cách là một quá trình lịch sử mang tính cách mạng, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, xác lập các cơ sở để hình thành nền văn hóa và các quan hệ xã hội kiểu mới công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, muốn thành công, phải giữ đúng định hướng ngày từ ban đầu, được đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: ở nước ta, công nghiệp hóa diễn ra trong môi trường quốc tế thuận lợi được sự hỗ trợ đắc lực về nhiều mặt của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Nhưng đấy chỉ là yếu tố phụ, vấn đề cơ bản là phải tự lực cánh sinh, biết dựa vào sức mình để xác lập và tiến hành các bước đi tuần tự, hợp quy luật của cả quá trình công nghiệp hóa.
Điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa nước nhà là phải có vốn, công nghệ. Ngoài sự viện trợ của các nước anh em, vay nợ nước ngoài, theo Hồ Chí Minh, phải biết phát huy lợi thế từ nông nghiệp, tích lũy từ nội bộ và sự đóng góp của nhân dân. Nguồn vốn là quan trọng, nhưng biết sử dụng hợp lí nguồn vốn đã có, tập trung đúng mức cho từng mắt khâu công nghiệp hóa, quản lý tốt ngân sách quốc gia, tránh lãng phí, đầu tư không đúng chỗ, thật sự tiết kiệm… lại càng quan trọng hơn.
Trong quá trình công nghiệp hóa, Nhà nước là người vạch kế hoạch, đầu tư nguồn vốn vào các mắt khâu trọng điểm, phục vụ cho cả trước mắt và lâu dài thông qua hàng loạt các biện pháp cụ thể. Nhưng nhân dân lại là người trực tiếp thực hiện kế hoạch và vận dụng các biện pháp đó. Vô hình chung, theo tinh thần Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là chủ thể đích thực của quá trình công nghiệp hóa và nếu phát huy tốt vai trò của người chủ, công nghiệp hóa sẽ thành công.
Gắn với nguồn lực con người, theo Hồ Chí Minh, để đạt mục đích công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trong lãnh đạo và quản lý phải nắm chắc mắt khâu then chốt, phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì “phải đẩy mạnh quản lý xí nghiệp và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu, đi sát, phục vụ sản xuất”30. Công nghiệp hóa đặt ra những yêu cầu mới về việc tổ chức lãnh đạo và quản lý; hình thành đội ngũ cán bộ ở các cấp khác nhau trong guồng máy công nghiệp; cải tạo hệ thống giáo dục nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao…
2.3. Quan điểm về cơ cấu kinh tế hợp lý