II. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế
3. Vận dụng và phát triển tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay
3.2. Định hướng và nội dung vận dụng, phát triển
a) Những nguyên tắc phương pháp luận vận dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển kinh tế nước ta hiện nay
Để hiểu đúng và vận dụng có hiệu quả tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh, tránh được sự bắt chước, rập khuôn, giáo điều, máy móc cần tuân thủ những nguyên tắc có tính chất phương pháp luận. Những nguyên tắc phương pháp luận này chính là sự cụ thể hóa phương pháp luận về tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung. Những nguyên tắc đó là:
Lịch sử cụ thể, Hồ Chí Minh nêu cà thực hiện các quan điểm kinh tế trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác bây giờ. Vì thế, cần phải thấy được và phân biệt đúng vị trí, vai trò của các quan điểm đó.
Một là, những quan điểm, gợi ý, cách làm kinh tế của Hồ Chí Minh có ý nghĩa đúng, phổ biến trong mọi thời kỳ lịch sử, kể cả xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Loại quan điểm này chúng ta phải quán triệt và vận dụng nghiêm túc, sát đáng.
Hai là, những quan điểm đúng thời kỳ đó, nhưng bây giờ không hoàn toàn đúng, chỉ đúng một phần hoặc đúng theo tinh thần gợi mở. Vì thế, cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay để vận dụng phần đúng, chứ không lặp lại một cách nguyên xi.
Ba là, một số quan điểm của Hồ Chí Minh bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp với việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại. Đối với những quan điểm đó, chúng ta cần có sự bổ sung và tiếp tục phát triển.
Nguyên tắc thực tiễn, thống nhất lý luận với thực tiễn. Phải xuất phát từ những đặc điểm, điều kiện, xu hướng vận động và phát triển đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay mà vân dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh cho đúng, xử lý hài hòa cá mối quan hệ liên quan tới lĩnh vực kinh tế. Căn cứ lựa chọn vận dụng ở đây là sự tương hợp, thiết thực và hiệu quả đạt được. Nói cách khác, dùng thực tiễn kinh nghiệm hiện nay để kiểm nghiệm tính đúng đắn, giá trị bền lâu của những luận điểm kinh tế chủ yếu của Hồ Chí Minh.
Nguyên tắc toàn diện, hệ thống và trọng điểm; phát triển và đổi mới “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Về thực chất, đây là một loạt các nguyên tắc phương pháp luận nhỏ nói lên nhiều mối quan hệ trong vận dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh.
Một là, phải vận dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh một cách nhất quán trong tính tổng thể của nó, tránh được tình trạng phiến diện, cắt xén.
Hai là, thấy được tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của toàn bộ hệ thống tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh, có sự sai khác, lỗi thời của một số quan điểm nào đó là đương nhiên, có tính chất bộ phận; điều này yêu cầu phải xử lý linh hoạt mối quan hệ giữa hệ thống tư tưởng và các quan điểm cụ thể, không thể vì một luận điểm cụ thể lỗi thời mà phủ nhận hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh nói riêng. Điều đặc biệt quan trọng, là xác định đúng, chính xác nội dung cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh. Tinh thần và thực chất của tư tưởng kinh tế là ở đó.
Ba là, quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Bốn là, nguyên tắc phát triển. Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh bị chế định bởi các điều kiện lịch sử, bản thân Hồ Chí Minh không đưa ra đáp án có sẵn về tất cả mọi vấn đề kinh tế đang đặt ra hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết. Có nhiều vấn đề kinh tế Hồ Chí Minh đã nêu nhưng chưa thực hiện được; có những vấn đề kinh tế hiện nay lúc đó Người chưa biết và không hình dung được. Ngày nay, chúng ta có điều kiện thực hiện và bổ sung các nội dung mới vào tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh. Ở Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tìm thấy lời giải cho những vấn đề kinh tế cụ thể, nhưng cái chủ yếu và lâu dài là Hồ Chí Minh trang bị cho chúng ta một phương pháp để nhận thức và giải quyết bất kỳ một vấn đề kinh tế nào, dù khó khăn và phức tạp. Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận mở là vì thế.
Nguyên tắc phê phán, đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái hòng hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng kinh tế của Người nói riêng. Điều này đặt ra yêu cầu là phải hiểu biết tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh một cách khách quan, khoa học, thấu đáo.