Tình hình phát triển chăn nuôi lợn rừng, rừng lai trong nước và trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái rừng, móng cái phối với đực rừng và sinh trưởng đời con đến xuất bán tại công ty cổ phần giống chăn nuôi thái bình (Trang 31 - 36)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Tình hình phát triển chăn nuôi lợn rừng, rừng lai trong nước và trên thế giới

TRONG NƯỚC VÀ TRÊN THẾ GIỚI

2.2.1. Tình hình chăn nuôi lợn rừng, rừng lai trên thế giới

Trong những năm gần đây có sự phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn rừng lai ở một số nước trên thế giới, nổi bật như: Thái Lan, Lào, Trung Quốc…công tác lai tạo cũng như thuần dưỡng lợn rừng mang tính chất địa phương của mỗi nước và mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi, tuy nhiên mỗi nước phát triển theo các cách khác nhau.

Lợn rừng có tên tiếng anh là Common Wild Pig tên khoa học là Sus. Scrofa. Theo nghiên cứu của Trung tâm hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp (Pháp) lợn rừng có tới 36 giống phân bố ở hầu hết khắp các lục địa trên thế giới, chủ yếu ở các vùng Bắc Phi; Châu Âu, phía nam nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Ai Cập và Sudan, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand và các đảo thuộc vùng biên nam Thái Bình Dương (Đỗ Kim Tuyên, 2007).

Lợn rừng là loài động vật hoang dã, thịt thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng, nhu cầu của người dân đối với thịt lợn rừng ngày càng tăng. Tuy nhiên có một điều thực tế là:

- Số lượng lợn rừng ngoài tự nhiên có hạn - Không được săn bắt

Vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng làm thực phẩm từ thịt lợn rừng, từ những năm 1990 các nhà khoa học trên thế gới đã tập trung nghiên cứu để biến lợn rừng hoang dã thành đối tượng có thể nuôi sản xuất thực phẩm cho con người. Các nội dung nghiên cứu tập trung chủ yếu vào một số vấn đề sau.

- Nghiên cứu nhân giống lợn rừng thuần

- Nghiên cứu lai, nhằm lai giữa lợn đực rừng với lợn cái bản địa của địa phương để tạo ra con lai gần giống lợn rừng

- Nghiên cứu nuôi thương phẩm lợn rừng và lợn lai

Nhìn chung các nghiên cứu về lợn rừng rất ít, Một số tài liệu của Thái Lan cho thấy, các nghiên cứu tập trung xác định một cách sơ bộ về đặc điểm di truyền, ngoại hình và khả năng sinh sản của chúng. Sysa et al. (1984) khi nghiên cứu về khả năng sinh sản và sinh trưởng của giống lợn rừng Thái Lan Sus scrofa jubatus so với giống lợn rừng hoang dã Sus scrofa ferus và lợn nhà tại Thái Lan

Sus scrofa domestica cho kết luận lợn rừng Thái Lan Sus scrofa jubatus có khả năng sinh trưởng và sinh sản cao hơn lợn rừng hoang dã. Chúng có khả năng sinh sản trung bình 2,1 lứa/nái/năm với số con sơ sinh trung bình 7,4 con/lứa. Giống lợn này cũng sinh trưởng nhanh hơn lợn rừng hoang giã. Khối lượng lúc 1 năm tuổi có thể đạt 80 – 90kg.

Theo tác giả Kuntongeg (1994), khi nghiên cứu lợn rừng Thái Lan và lợn địa phương tại vùng Đông Bắc cho thấy giống lợn này được nuôi từ lâu và có sức sống mãnh liệt như lợn hoang dã. Chúng có khả năng sinh sản và cho thịt tương đương với các giống lợn địa phương của vùng này. Khối lượng ở lúc sơ sinh khoảng 0,45 – 0,5 kg/con, sau một tháng tuổi khối lượng đạt 4 – 4,5 kg/con. Lợn nái có thể động dục vào lúc 6,5 tháng tuổi, số con sơ sinh trong lứa đầu thấp khoảng 4 – 5 con, nhưng từ lứa thứ 2 trở đi có thể đạt 8 – 10 con/lứa.

2.2.2. Tình hình chăn nuôi lợn rừng, rừng lai ở Việt Nam

Trong những năm gần đây việc nhân giống, nuôi lợn rừng, lợn rừng lai có chiều hướng phát triển mạnh ở nhiều vùng trong cả nước nhất là những vùng đồi, núi, vùng cao. Con lợn này được nhiều người chăn nuôi ưa chuộng và nó đã thành con vật nuôi mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Nó đã cung cấp được một phần nhu cầu thực phẩm sạch, có nguồn gốc tự nhiên cho xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn. Việc nhân nuôi lợn rừng, lợn rừng lai ở các tỉnh có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc bằng nhiều con đường khác nhau và nhân rộng ở một số khu vực đặc biệt là khu vực quanh thành phố Hồ Chí Minh. ở Miền Bắc một số tỉnh đã nuôi và phát triển con lợn rừng, lợn rừng lai với lợn Bản đại, lợn địa phương như: Lợn Mường và lơn Mán vùng Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La , con lợn Nhít của vùng cao của tỉnh Nghệ An ....

Trên cơ sở lợn địa phương được nuôi thả rông và cho tạp giao với lợn rừng để tạo con lợn “lửng” ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay một số cơ sở vùng ven đô trong đó có thành phố Hà Nội là một trong những tỉnh nuôi khá thành công lợn rừng, lợn rừng lai. Đối với con lai: nhiều địa phương đã dùng lợn đực rừng để lai với lợn địa phương tạo ra con lợn “lửng” và đã nâng giá trị thương phẩm lên 1,5 – 2,0 lần con lợn địa phương và được người tiêu dùng tiếp nhận. lợn rừng, lợn rừng lai chịu đựng tốt với điều kiện, hoàn cảnh nông hộ nghèo, không đòi hỏi thức ăn dinh dưỡng cao, chi phí đầu tư thấp, ít bệnh tật và thịt thơm ngon phù hợp thị hiếu người Việt Nam.

Phương thức, kỹ thuật chăn nuôi lợn Bản địa, lợn rừng, lợn rừng lai là vấn đề khá mới mẻ đối với nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và nuôi nông hộ nhỏ. Trong khi đó nhiều người muốn phát triển chăn nuôi để cung cấp giống và thịt cho nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường nội địa. Khi mà nền chăn nuôi lợn công nghiệp vẫn còn bệnh dịch và vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến chất lượng thực phẩm trong chăn nuôi… Ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành đã xảy ra làm thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi, thì việc chăn nuôi lợn rừng, lợn rừng lai theo kiểu bán hoang dã lại là phương thức chăn nuôi an toàn và tạo ra sản phẩm thịt sạch cho người tiêu dùng. Theo như nhận xét chung của nhiều người chăn nuôi là: “lợn đẻ nhiều, ít bệnh, dễ nuôi, đầu tư ít nhưng hiệu quả cao”.

Ở nước ta đã có nhiều trang trại chăn nuôi giống lợn rừng Thái Lan. Đã có một số công trình nghiên cứu khá hệ thồng về đặc điểm sinh học và tập tính của lợn rừng Thái Lan nuôi ở Việt Nam (Nguyễn Hưng Quang, 2010; Tăng Xuân Lưu và cs., 2010; Lê Đình Phùng và Hà Thị Nguyệt, 2011). Một số tác giả nghiên cứu về khả năng sản xuất của chúng (Nguyễn Quang Hưng, 2010; Tăng Xuân Lưu và cs., 2010; Đỗ Thị Kim Lành và cs., 2011; Phùng Quang Trường và cs., 2015).

Năm 2007- 2010 trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tác giả Võ Văn Sự và Tăng Xuân Lưu đã thành công trong nghiên cứu, nhân thuần giống lợn rừng Việt Nam, lợn rừng Thái lan và con lai giữa chúng. Kết quả là lợn rừng nuôi trong điều kiện bán hoang dã sinh sản tốt: mỗi năm đẻ bình quân 2 - 2,2 lứa/năm và bình quân lứa 1 là 5,5 con, lứa 2: 6,5 con và từ lứa 3 trở lên bình quân 7,4 con/lứa. Lợn sinh trưởng phát triển bình thường, ít bệnh tật và dễ nuôi, khả năng cho thịt cao: tỉ lệ móc hàm đạt trên 87%. Thức ăn ưa thích của chúng là: các loại củ như sắn, khoai lang, các loại hạt, rau

sẵn có tại địa phương như: bèo tây, chuối, thân ngọn mía, thân cây ngô sau thu hoạch, các loại cỏ: cỏ voi, cỏ đồng, cỏ trồng đây là một lợi thế tại các địa phương trong cả nước nhất là vùng núi…

Theo Đỗ Kim Tuyên và cs. (2007), cho biết lợn rừng có thời gian mang thai giống lợn nhà. Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 2 – 4 giờ. Quá trình đẻ diễn ra theo tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người. Lợn rừng đẻ 1,2 – 1,3 lứa/năm, số con mỗi lứa từ 5 - 8 con. Lợn rừng Thái Lan có tầm vóc nhỏ, khối lượng bình quân, 0 – 2 tháng tuổi: 0.5 – 5 kg/con, 10 -12 tháng tuổi: 50 – 70 kg/con. Theo Lê Đình Phùng và Hà Thị Nguyệt (2011) lợn rừng Thái Lan có số con sơ sinh 5,87 con/lứa, số con còn sống đến cai sữa 4,43 con/lứa, khối lượng sơ sinh đạt 0,37 kg/con, khối lượng cai sữa lúc 120 ngày tuổi đạt 13,83 kg/con, khoảng cách giữa hai lứa đẻ 229,3 ngày. Bên cạnh đó còn có những công trình nghiên cứu lai giữa lợn rừng Thái Lan với lợn địa phương (Nguyễn Ngọc Phục và cs., 2010).

Hiện nay, ở Việt Nam có hai dòng lợn rừng nuôi chính là lợn rừng Thái Lan và lợn rừng Việt Nam. Ở lợn rừng Thái Lan có thân ngắn, béo, má phệ, bụng phê, chân xoạc, lông ngắn, ít bờm, nhiều con chân trắng. Ở lợn rừng Việt Nam có đặc điểm: người thon, mình dài, chân cao, mình lép, má gọn, có lông bờm dài, móng chụm và đen.

Về phương thức nuôi dưỡng: Phương thức chăn nuôi chủ yếu theo kiểu bán hoang dã: cho ăn thức ăn tự nhiên, hoặc tự trồng được như rau, củ, quả, thân cây cỏ các loại, và cho ăn cám gạo, cám ngô, cám sắn tự sản xuất được hoặc một số trại nuôi một phần bằng các lọai cám công nghiệp.

Về tập tính: Lợn rừng hay con lai của chúng đều dễ nuôi, với tập tính: ngủ, nghỉ, đi lại và đào bới suốt ngày. Thức ăn sở thích: ăn các thức ăn tự tìm kiếm được và đa dạng. Tính tình khá hiền, không hung dữ như ngoài tự nhiên. Đối với lợn bản địa và lợn rừng lai khi đẻ cũng làm “tổ, ổ” như lợn nhà .

Các loại lợn tạp giao giữa lợn rừng Việt Nam hoặc lợn rừng Thái Lan với các loại lợn địa phương tại Việt Nam như lợn Sóc Tây nguyên, Lợn Vân Pa, Lợn Ỉ, Lợn Móng Cái, lợn Bản ... Con lai một nửa thiên về bố (lợn rừng) và nửa thiên về mẹ. Hiện nay, tại các bản làng dọc miền núi phía Bắc (Lai Châu, Hà Giang), dãy Trường Sơn (Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai), vùng Bình Phước đều có nhiều lợn lai giữa lợn rừng với lợn bản địa, do người dân nuôi thả

lợn vào rừng và xảy ra giao phối giữa lợn rừng với lợn nhà. Phong trào chăn nuôi lợn rừng đang phát triển, vì thế một số nơi đã đưa ra chương trình nuôi các loại lợn lai trên. Ngoại hình lợn lai thế hệ lai F1 thường chia làm đôi, một số giống lợn rừng, lông có sọc, nhưng không đều, ngắt quãng, sọc đen-vàng không tương phản và một nửa thì giống mẹ, thậm chí còn có vùng lang trắng hồng nếu mẹ là lợn Móng Cái.

Nhìn chung người chăn nuôi lợn rừng lai ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh cả về qui mô đàn và mở rộng thêm nhiều trang trại do nhu cầu hiện tại về con giống cũng như thịt lợn này là rất lớn và phù hợp với những vùng nông thôn hiện nay đặc biệt là vùng đồi núi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái rừng, móng cái phối với đực rừng và sinh trưởng đời con đến xuất bán tại công ty cổ phần giống chăn nuôi thái bình (Trang 31 - 36)